Nội dung Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV trong 2 ngày 26/7 và 27/7

(Mặt trận) - Theo Chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 27/7, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Quang cảnh phiên họp

Trong phiên họp buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sau đó, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tiếp đó, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tiếp đó, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cuối giờ chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.

Ngày 26/7, Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Tuyên thệ 

Buổi sáng, với 483/483 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,79% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 (từ tháng 4/2021), đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Chủ tịch nước hứa trước Quốc hội và đồng bào, sẽ luôn tu dưỡng đạo đức, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, thượng tôn pháp luật và tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp, thực hiện trọn vẹn, đầy đủ mọi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay thuận lợi, Chủ tịch nước sẽ luôn gìn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng với các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa và truyền thống thiêng liêng của dân tộc, vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước.

Chủ tịch nước sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, tiếp tục cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, quan tâm thường xuyên, sâu sát và hiệu quả đối với việc xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, luôn giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân và sẵn sàng bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Tuyên thệ

Buổi chiều, với 479/479 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 95,99% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Phạm Minh Chính.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly. Với tư tưởng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân; nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vaccine; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của nhân dân để chống dịch thành công; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Chính phủ đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Có biện pháp cụ thể để cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 

Trong phiên làm việc chiều 26/7, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo đó, Quốc hội khóa XV đã bầu bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 (từ tháng 4/2021), giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Quốc hội bầu ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2016 – 2021, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết bầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Lê Minh Trí.

Sau khi tuyên thệ, trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Trên cương vị là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định sẽ khắc ghi lời tuyên thệ trước Quốc hội, không ngừng rèn luyện và nêu gương; cùng tập thể lãnh đạo và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phát huy truyền thống; phục vụ nhân dân, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiên tiến.

Đồng thời, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, bản thân sẽ nỗ lực cao nhất để phát huy ưu điểm, thành tựu; khắc phục hạn chế, thiếu sót; chăm lo xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh và chuyên nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động và uy tín của Tòa án; để nền tư pháp nước nhà ngày càng phát triển; để nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải; nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp.

Trong phiên làm việc ngày 26/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Cũng trong chiều 26/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình Quốc hội cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ khóa XV gồm 27 người, trong đó có 4 Phó Thủ tướng. 

Theo đó, các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm: Thủ tướng Chính phủ; 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, dự kiến phân công chỉ đạo các lĩnh vực: Ngoại giao và hội nhập quốc tế, xây dựng pháp luật, tổ chức bộ máy, tôn giáo, dân tộc; Kinh tế tổng hợp và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kinh tế ngành; Khoa giáo - Văn xã.

18 Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế.

4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tờ trình về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày nêu rõ: Việc xác định cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ căn cứ vào cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ vừa bảo đảm sự kế thừa, ổn định, vừa có sự đổi mới, thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật. Việc kiện toàn cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, ý kiến chung của Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng phương án cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV như được nêu trong Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV có 27 thành viên, gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 18 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ như vậy bảo đảm phù hợp với Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua, kế thừa, phát huy ưu điểm và những kết quả tích cực đã đạt được của cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ khóa XIV, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn tổ chức, hoạt động của Chính phủ cũng như yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Thanh Tùng, có ý kiến đề nghị vẫn nên bố trí cơ cấu số lượng 5 Phó Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính ổn định trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong bối cảnh thực hiện “mục tiêu kép” như hiện nay./.