Những ý kiến tâm huyết gửi đến Mặt trận

(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 9 (khoá VIII), chiều 8/1, các cụ, các vị và các đồng chí Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chia thành 4 tổ thảo luận về Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2018, chương trình phối hợp và thống nhất hành động của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2019; thông qua tờ trình về nội dung Báo cáo chính trị, dự thảo bổ sung, sửa đổi Điều lệ, đề án Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

Thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế

Thành phố Hồ Chí Minh: Họp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh chủ trì thảo luận tổ 1. Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì thảo luận tổ 2. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng chủ trì tổ 3 và Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chủ trì thảo luận tổ 4.    

Phát biểu tại cuộc thảo luận tổ 1, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, với vị trí, vai trò của từng Ủy viên Ủy ban, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ góp phần phát huy những sáng kiến, vai trò, quyền, trách nhiệm của mình để Mặt trận phải thực sự thể hiện rõ vai trò tập hợp, mở rộng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, tổ chức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận. 

Tán thành với những văn kiện dự thảo trình Hội nghị, tuy nhiên ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn và đá quý Việt Nam rất trăn trở với việc làm thế nào để tháo gỡ khó khăn trong công tác thi đua, khen thưởng.    

Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong đó Người khẳng định: “Thi đua là yêu nước. Yêu nước là thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Dẫn lại những điều này, ông Dũng cho rằng, năm 2018, Mặt trận đã có cách làm sách tạo khi thành lập các cụm thi đua khối các tổ chức thành viên thuộc Mặt trận. Mục đích của Đảng là tăng cường thi đua cho những người lao động sản xuất, trong khi đó ở tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Mỹ nghệ Kim hoàn và đá quý Việt Nam có rất nhiều nghệ nhân cần được vinh danh, tuy vậy rất khó khăn trong việc thi đua khen thưởng, vì không có đầu mối liên hệ.    

“Tổ chức lao động sản xuất nhiều nhưng khen rất khó, vậy chúng ta làm thế nào để động viên bà con thi đua yêu nước? Cho nên Mặt trận nên đứng ra làm đầu mối liên hệ giúp các tổ chức thành viên trong công tác thi đua khen thưởng”, ông Dũng khẳng định.    

Bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo, văn kiện của Mặt trận đã chuẩn bị để trình Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 9, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho rằng, Mặt trận phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và điều này được gắn chặt chẽ vào báo cáo chính trị.    

Tuy nhiên, theo ông Quang, trong 5 chương trình thống nhất hành động của Mặt trận lại không đặt vấn đề “bảo vệ Tổ quốc”. Nội dung này là hết sức cần thiết cho công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tức là cần đặt ra vấn đề Mặt trận các cấp tham gia vào chương trình quốc phòng an ninh trong 5 chương trình thống nhất hành động của Mặt trận. 

Trao đổi lại với ý kiến của ông Quang, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, không chỉ riêng ông Quang mà trong phần trao đổi tại Hội nghị trước đó, có một số đại biểu cũng nêu ra vấn đề “bảo vệ Tổ quốc” trong báo cáo chính trị.    

Ông Hầu A Lềnh cho rằng, trong chủ đề và tiêu đề Đại hội của Báo cáo chính trị có thể không đề cập đến vấn đề “bảo vệ Tổ quốc”, nhưng trong chương trình thống nhất hành động 1, 2 đều đã đề cập rất rõ vấn đề này. “Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến và sẽ điều chỉnh lại phần kỹ thuật để làm sao nêu bật được vấn đề này trong báo cáo chính trị”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định.

Ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ về quá trình làm việc tại Liên hợp quốc trong 16 năm và năm 2019 được xem là năm bước ngoặt, thay đổi của toàn cầu. Nhưng trong các văn kiện, báo của của Mặt trận chưa đặt vấn đề thay đổi của thế giới tác động đến công tác Mặt trận.   

Dù ở xa quê hương nhưng ông Dũng vẫn theo dõi sự thay đổi của Việt Nam hàng ngày. “Nói đến Việt Nam là một sự xúc động vì ở đó có biết bao sự nhọc nhằn, khổ cực của những năm tháng vượt qua khó khăn để đất nước có được như ngày hôm nay”, ông Dũng khẳng định. Chính vì vậy, với tinh thần đó, chúng ta không thể ngồi chờ những thứ có sẵn.   

Lấy ví dụ lượng kiều hối của Việt kiều gửi về Việt Nam hàng năm là 16 tỷ USD, nhưng ông Dũng cũng thẳng thắn cho rằng, không nên coi đó là “ánh nắng mặt trời”, là “cơn mưa” từ trên trời rơi xuống, vì điều này nó có thực sự bền vững không? Cho nên đến lúc phải đặt vấn đề làm sao để phát triển nguồn tiền này một cách hợp lý và có ý nghĩa với những đóng góp của kiều bào với quê hương.

Tại tổ thảo luận số 2 do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì, ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho rằng, hiện nay, những con số tổng hợp trong báo cáo công tác cuối năm của Mặt trận mới chỉ thể hiện là cơ quan Mặt trận chứ chưa phải là con số của cả hệ thống. Thực tế, các tổ chức xã hội đóng góp quan trọng vào công tác an sinh, xã hội của đất nước, nếu tập hợp được những con số ý nghĩa đó vào báo cáo thì sẽ huy động được sức mạnh của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

Đề cập đến việc lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, việc lắng nghe tiếng nói từ cơ sở vẫn chưa phát huy tính dân chủ, chưa có cơ chế tiếp thu, lắng nghe đa chiều, chính vì vậy, mỗi Ủy viên Ủy ban từ Trung ương tới địa phương cần phát huy vai trò lắng nghe của mình, cần phản ánh thường xuyên tình hình nhân dân trên địa bàn để báo cáo tình hình nhân dân có thêm tiếng nói sát thực từ cơ sở.

Cùng với đó, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, Mặt trận các cấp phải mạnh dạn tổ chức các hội nghị giám sát, phản biện theo cơ chế hội nghị bàn tròn. Hội nghị sẽ tập hợp tâm tư, nguyện vọng và quan điểm của đội ngũ nông dân, công nhân, trí thức trong lĩnh vực giám sát, phản biện tại địa phương và đây sẽ là căn cứ để Mặt trận có thêm tiếng nói của các tầng lớp nhân dân đối với những vấn đề nổi cộm tại địa phương.

Góp ý vào dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, ông Vũ Trọng Kim vẫn còn trăn trở khi báo cáo vẫn ở phần vĩ mô, vẫn chưa đề cập đến vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và Ban Công tác Mặt trận sẽ làm gì nếu dựa vào báo cáo chính trị này.

Chính vì vậy, ông Vũ Trọng Kim đề nghị phải có chương trình, nội dung cụ thể tại khu dân cư, phải có câu trả lời cụ thể cho hoạt động của Ban Công tác như việc xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh như thế nào; việc tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý sẽ truyền tải tới nhân dân ra sao; vấn đề giám sát, phản biện tại địa phương là gì; việc lắng nghe ý kiến của các già làng, trưởng bản, người có địa vị tại khu dân cư cần có cơ chế gì;…

Ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga cho rằng, hiện cộng đồng người Việt vẫn khó tận dụng được cơ hội phát triển của nước sở tại, vẫn chưa tạo được nền tảng kinh tế vững chắc và dễ bị ảnh hưởng khi tình hình kinh tế ở đất nước sở tại biến động.

Chính vì vậy, ông Đỗ Xuân Hoàng đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam cần phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao tại nước sở tại để nắm bắt thông tin đa chiều từ cộng đồng người Việt tại nước ngoài và phải có cách tiếp cận mang tính thực chất hơn, đi sâu hơn vào việc tư vấn, tạo điều kiện cho kiều bào hòa nhập với cộng đồng tại nơi mình sinh sống.

Thảo luận tại tổ 3 do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì, ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường TPHCM đề nghị được bổ sung vào dự thảo Văn kiện Đại hội Mặt trận vấn đề cần được đặc biệt lưu tâm là “sự suy đồi đạo đức, văn hóa của một bộ phận”, đồng thời cần bổ sung vào nội dung người dân còn băn khoăn về chủ quyền biển đảo.   

Về Điều lệ Mặt trận, ông Khoa đề nghị, chuyển cụm từ thực hiện chính sách, pháp luật chuyển sang thành tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.   

Đối với Đề án đại biểu dự Đại hội và nhân sự cho Đại hội, ông Khoa cũng đề nghị cần xem xét tỷ lệ người ngoài Đảng đạt mức 50% trở lên, bằng với nhiệm kỳ trước.   

Bên cạnh đó, ông Khoa cũng đề nghị kiên quyết không nhận cán bộ bị kỷ luật chuyển về làm lãnh đạo Mặt trận, thực tế hiện nay đã có những địa phương xảy ra tình trạng này, không nên biến Mặt trận thành “cái túi” chứa những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất.   

Ông Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam băn khoăn về vấn đề chống tham nhũng, đặc biệt những công trình xây dựng được trích nhiều phần trăm cho lãnh đạo các cấp thì công trình còn bao nhiêu để đầu tư vào, làm sao công trình có thể chất lượng được.   

Ông Võ Đại Lược, Chủ tịch Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương nhận định, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Vậy Mặt trận cần làm gì để hoạt động phù hợp với tình hình mới? Ông Lược đề nghị, Mặt trận chỉ nên thực hiện những vấn đề trọng tâm, tránh dàn trải vì hiệu quả không cao.   

“Chúng ta cần tổ chức giám sát các chính sách và thực thi các chính sách đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân. Xã hội vẫn có không ít người suy thoái về đạo đức, để giảm tình trạng này, thay vì lên án, Mặt trận cần làm ngược lại, chẳng hạn như tuyên truyền người tốt, việc tốt” - ông Lược mong muốn.   

Cũng đề cập đến những hoạt động sắp tới của Mặt trận, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ông Huỳnh Đảm cho rằng, trong thời gian sắp tới, cần tập trung vào những hoạt động trọng tâm. Cần đổi mới cách làm để phát huy hiệu quả cao nhất trong hoạt động.   

Hiện có không ít vị tham gia Mặt trận 20 năm, 30 năm, ông  Huỳnh Đảm đề nghị, cần làm sao để phát huy được tinh thần, trí tuệ của các vị đóng góp cho Mặt trận, biến những đóng góp đó thành sức mạnh chung.