Nhiều ý kiến trách nhiệm, thẳng thắn và tâm huyết

(Mặt trận) - Sáng 11/7, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã khai mạc kỳ họp thứ 7. Dự kỳ họp có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị, các đơn vị thuộc tỉnh.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Trong phiên khai mạc buổi sáng, các đại biểu nghe các báo cáo, tờ trình: Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của tỉnh; Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Thường trực HĐND tỉnh; Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2018; Tờ trình đề nghị thông qua chương trình giám sát năm 2019 của HĐND tỉnh; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIII; Tờ trình đề nghị thông qua Đề án công nhận thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại IV; Tờ trình đề nghị quy định hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt bảo hiểm y tế) trên địa bàn tỉnh; Tờ trình về việc quy định thời hạn phê chuẩn quyết toán ngân sách của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh và thời hạn UBND các cấp gửi các báo cáo thuộc thẩm quyền phê chuẩn của HĐND đến các ban của HĐND và Thường trực HĐND cùng cấp, cơ quan tài chính cấp trên; Tờ trình đề nghị quy định về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; Tờ trình quy định về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; tờ trình quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc tỉnh Thái Nguyên; Tờ trình đề nghị quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Tờ trình đề nghị quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức hộ máy và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên.

Toàn cảnh phiên họp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm nay, kinh tế - xã hội trong nước, tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tín dụng tăng cao, lãi suất ngân hàng được giữ ổn định. Đối với Thái Nguyên, kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao (9,85%); cơ cấu tổng sản phẩm chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 290.250 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 6.445 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước trong cân đối ước đạt 7.050 tỷ đồng, bằng 53,8% dư toán năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ; chi ngân sách ước đạt 33,4% dự toán năm, tăng 1,9% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 13,1 tỷ USD, bằng 52,2% kế hoạch năm, tăng 11,7% so với cùng kỳ; giá cả thị trường nhìn chung ổn định, cung cấp hàng hóa được đảm bảo, đời sống người dân ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của UBND tỉnh cũng nêu rõ những khó khăn, hạn chế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng chậm lại, kinh tế ngoài quốc doanh tăng trưởng thấp, mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài chưa cao. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, nhất là quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai. Việc giải ngân kế hoạch đầu tư công còn chậm; tỷ lệ giải ngân đạt thấp; nhiều dự án cấp bách chưa được cân đối vốn để thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án vẫn còn vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn hạn chế. Công tác phối hợp của một số cấp, ngành chưa quyết liệt; chưa chủ động tham mưu xử lý những khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm quản lý của ngành, đơn vị.

Phát biểu tại Kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thông tin đến các đại biểu và cử tri nội dung Hội nghị Trung ương 7, khóa XII của Đảng; kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã thông tin về kết quả công tác tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2018 diễn ra ngày 1/7 vừa qua.

Đối với kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIII, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Tuy thời gian diễn ra 3 ngày, nhưng khối lượng công việc đặt ra là khá nhiều, vì thế, các đại biểu HĐND tỉnh cần tập trung thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định theo thẩm quyền. Trong đó cần lưu ý đến những vấn đề có liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội; cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; việc hỗ trợ hoạt động của Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; việc hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo; việc hỗ trợ tiền ăn cho trường phổ thông dân tộc nội trú; việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công; việc xây dựng các giải pháp về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2018...

Trong 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt nhiều nội dung quan trọng.

Buổi chiều 11/7, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Hội trường để nghe các báo cáo, tờ trình: Tờ trình đề nghị hỗ trợ tiền ăn cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh; Tờ trình đề nghị điều chỉnh mức thu học phí năm 2018-2019 trên địa bàn tỉnh; Tờ trình đề nghị điều chỉnh và bổ sung một số nội dung mức chi phục vụ các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, tuyển sinh, thi THPT Quốc gia và các cuộc thi thuộc ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh; Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6 và kiến nghị của cử tri theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND tỉnh; Báo cáo kết quả công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác kiểm sát 6 tháng cuối năm 2018 của ngành Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Nguyên; Báo cáo công tác xét xử và thi hành án hình sự 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Tòa án Nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên; Báo cáo thẩm tra và kết quả hoạt động của 4 ban HĐND tỉnh, gồm: Ban Kinh tế - ngân sách, Ban Dân tộc, Ban Pháp chế, Ban Văn hóa - Xã hội; thực hiện quy trình cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu của 1 đại biểu HĐND tỉnh…

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết nhất trí thông qua Tờ trình cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Văn Ký, Tổ đại biểu huyện Đồng Hỷ, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn do chuyển công tác và nơi cư trú.

 

Trách nhiệm, thẳng thắn và tâm huyết 

Trong ngày làm việc thứ hai (12/7), kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thái Nguyên khoá XIII, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp trong thời gian tới và những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.  

Đại biểu Cao Việt Hùng, đoàn Đại Từ phát biểu thảo luận tại Tổ thảo luận số 1.

Nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Về cơ bản, các đại biểu đồng tình, nhất trí cao với nội dung báo cáo, đồng thời đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, cùng sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh 6 tháng đầu năm 2018. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm giải pháp để thực hiện các mục tiêu cũng như khắc phục một số tồn tại, khó khăn trong thời gian tới. Theo đại biểu Đoàn Thị Hảo (Tổ T.P Thái Nguyên): UBND tỉnh cần bổ sung tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh vào nhiệm vụ công tác. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các giải pháp để triển khai 50 dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị. Còn đại biểu Dương Xuân Hùng (Tổ TP Sông Công) cho rằng: Tỉnh cần đẩy mạnh thu hút các dự án vào các khu, cụm công nghiệp. Qua đó cũng giúp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Còn theo đại biểu Dương Văn Lượng(Tổ Phú Bình) đề nghị: Tỉnh cần xem xét đánh giá kết quả thực hiện các đề án đã thông qua vì hiện nay việc bố trí vốn, giải ngân để thực hiện một số đề án đạt thấp và tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra các dự án đầu tư ngoài ngân sách. đại biểu Lê Văn Tâm (Tổ TX Phổ Yên) nhấn mạnh: Các giải pháp cho ngành Nông nghiệp hiện còn mờ nhạt, nhất là chưa có đánh giá sâu về tác động của biến đổi khí hậu với nông nghiệp của tỉnh; chính sách hỗ trợ đối với sản xuất nông nghiệp chưa thỏa đáng; chưa có đề án phát triển cây chè đồng bộ và bền vững. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến các nội dung này. Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Tổ Phú Lương) phản ánh: Một số nội dung đã được đề cập từ kỳ họp trước nhưng đến nay, kết quả triển khai vẫn chậm như giải ngân nguồn vốn Chương trình 135; xây dựng nông thôn mới… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần sớm có giải pháp khắc phục.

Quan tâm nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân

Đại biểu Nguyễn Văn Đồng(Tổ TP Thái Nguyên) và một số đại biểu khác đề cập: Hiện nay, còn một tỷ lệ lớn người dân trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, tỉnh cần bổ sung mục tiêu tăng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Một số đại biểu T.P Thái Nguyên dẫn chứng: Ngay tại TP Thái Nguyên, hiện mới có 13/32 xã, phường có 100% người dân được sử dụng nước sạch của Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên. Tính chung toàn thành phố, con số này là 79,3%. Số hộ dân còn lại, rất muốn được sử dụng nước sạch, song hạ tầng để đáp ứng của Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên còn khó khăn. Cùng với đó, chất lượng nguồn nước của Công ty này có lúc chưa đảm bảo. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của Nhà máy nước Yên Bình (thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình, KCN Yên Bình, TX Phổ Yên) lại đang dư thừa. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành cho kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với nguồn nước của Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên; đồng thời có chủ trương điều chỉnh thỏa thuận cung cấp dịch vụ nước sạch với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình để Nhà máy nước Yên Bình có thể mở rộng quy mô, phạm vi cung cấp nước cho TP Thái Nguyên, TP Sông Công, TX Phổ Yên…

Làm rõ thêm nội dung này, đại biểu Nguyễn Khắc Lâm (Tổ TP Sông Công) cho biết: Qua khảo sát mới đây của Thường trực HĐND tỉnh, hiện công suất hoạt động của Nhà máy nước Yên Bình đạt 120 nghìn m3/ngày đêm, trong khi mới sử dụng hết 55 nghìn m3/ngày đêm. Như vậy, lượng nước có thể bán cho các hộ dân hiện còn rất lớn, đó là chưa kể thời gian tới, Nhà máy này dự kiến còn nâng công suất lên 150 nghìn m3/ngày, đêm. Trong khi đó, Nhà máy còn cam kết lắp đặt đường ống đến tận hộ và giá bán cũng chỉ bằng Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên. Vậy tại sao tỉnh lại không tính toán, điều chỉnh để Nhà máy này được phép bán nước sạch cho các hộ dân có nhu cầu? Một số ĐB còn đặt vấn đề: Hiện giá bán nước sạch trên địa bàn tỉnh đang cao hơn so với một số tỉnh lân cận, nhưng Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên lại liên tục báo lỗ? Thực tế này cần được làm rõ từ các cơ quan chức năng của tỉnh.

Cũng về vấn đề này, một số đại biểu có ý kiến: Việc quy hoạch các khu tái định cư cho người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở cao chưa đồng bộ, trong đó có việc thiếu nước sạch. Đơn cử như Khu tái định cư của xã Linh Thông (Định Hóa) đã cơ bản hoàn thành các hạng mục nhưng vì thiếu nguồn cấp nước nên 32 hộ dân chưa thể chuyển đến; hay người dân khu tái định cư Tam Va, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) nhiều năm nay không có nước sạch, khiến đời sống hết sức khó khăn. Đại biểu Lưu Đình Đông(Tổ TX Phổ Yên) nêu thực trạng: Chất lượng các dự án đầu tư ở vùng nông thôn, miền núi nhất là công trình nước sạch không đảm bảo. Đây là vấn đề đã được cử tri kiến nghị nhiều lần. Đề nghị tỉnh có phương án quyết liệt hơn nữa.

Chú trọng nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính

Theo Đại biểu Trần Văn Khương (Tổ TP Thái Nguyên) và một số đại biểu khác: Khảo sát thực tế cho thấy, công tác cải cách thủ tục hành chính có nơi thực hiện chưa tốt. Có thủ tục sau 8-9 tháng, thậm chí cả năm mới được giải quyết. Nhiều thủ tục phải bổ sung nhiều lần, làm mất thời gian, công sức đi lại của người dân, doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng… Còn theo Đại biểu Ngô Quảng Bá(Tổ TP Sông Công): Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh giảm tới 8 bậc so với năm 2016, nhưng chỉ số hài lòng của người dân lại được cải thiện đáng kể, vươn lên đứng thứ 3 cả nước. Thực tế này cho thấy sự khác biệt trong đánh giá sự hài lòng giữa doanh nghiệp với người dân, đối với các thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước. Vì thế, UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên tất cả các lĩnh vực. Đại biểu Trần Văn Ngọc (Tổ Phú Bình) thì đề nghị: Một số thủ tục hành chính có thể thực hiện tại cấp xã, nhưng hiện nay người dân vẫn phải đến UBND cấp huyện để giải quyết. Tỉnh cần nghiên cứu phân quyền cho cấp xã để người dân thuận tiện trong giao dịch.

Cần cơ chế đặc thù cho các xã được bổ sung "về đích" nông thôn mới

Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Tổ Định Hóa) cho rằng: 11 xã được tỉnh chọn bổ sung "về đích" nông thôn mới năm 2018 hiện còn thiếu nhiều tiêu chí, nhất là về môi trường, cơ sở vật chất văn hóa và tỷ lệ hộ nghèo. Trong khi đó, các xã này đến nay lại chưa nhận được kế hoạch phân bổ vốn, nguồn hỗ trợ xi măng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các tiêu chí. Về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Tổ Phú Lương) đề nghị: Tỉnh cần có cơ chế đặc thù, giải pháp và kế hoạch thật cụ thể mới có thể đạt mục tiêu đề ra vì chỉ còn chưa đầy 6 tháng là hết năm 2018.

Về các nội dung khác

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mác (Tổ TP Thái Nguyên) nêu: Hiện toàn tỉnh còn 20 hợp tác xã điện chưa được bàn giao về cho ngành Điện quản lý. Đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương và Điện lực Thái Nguyên sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm nội dung này. Về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Đỗ Đức Công (Tổ TP Thái Nguyên) và một số đại biểu khác cho rằng: Thời gian qua, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, thực hiện khá tốt. Song vẫn còn một số việc thuộc thẩm quyền giải quyết tại cơ sở nhưng lại chuyển lên tỉnh, làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của tỉnh. Vì thế, cấp ủy chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn đến nội dung này. UBND tỉnh cũng cần rà soát lại những ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm và giao thời hạn cụ thể, có kiểm tra đối với những sở, ngành, đơn vị được giao giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà(Tổ Đồng Hỷ) đề nghị: Tỉnh sớm bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc đo đạc lại phần đất của các nông, lâm trường, giao về cho các địa phương quản lý, cấp quyền sử dụng đất cho người dân khai thác, sử dụng hiệu quả.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm, theo đại biểu Vi Thị Chung(Tổ Đại Từ) và một số đại biểu khác: Tỉnh cần làm rõ hiệu quả và có báo cáo kết quả hoạt động của Hệ thống máy kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp, đã được đầu tư 16 tỷ đồng từ năm 2017.  Đại biểu Lê Thanh Tuyết (Tổ TX Phổ Yên) và một số đại biểu khác cho rằng: Tỉnh cần quan tâm, quyết liệt hơn trong xử lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách đã có kết luận sai phạm sau kiểm tra; đồng thời cần sớm giải quyết dứt điểm đối với các dự án chậm tiến độ để tạo điều kiện triển khai các dự án khả thi khác, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh; có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng quá tải, nhất là bậc học mầm non ngày càng phổ biến ở tất cả các địa phương.