Nhận diện để khắc phục “bệnh” hành chính

(Mặt trận) - Ngày 28/12, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nhận diện để khắc phục những biểu hiện hành chính hóa trong công tác Mặt trận”. Ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

Nhận diện đúng những biểu hiện hành chính hóa

Tại buổi tọa đàm, qua kinh nghiệm công tác, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức thành viên, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Mặt trận đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện hành chính trong công tác Mặt trận, thảo luận và đề xuất những giải pháp giảm thiểu các biểu hiện hành chính trong công tác Mặt trận trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội nhận định, "bệnh" hành chính hóa trong công tác Mặt trận thường biểu hiện dưới dạng sáng vác ô đi, tối vác ô về, coi hết giờ hành chính là hết nhiệm vụ, được chăng hay chớ. Nặng về họp hành, báo cáo dài dòng, không sát thực tế. Xa dân, không nắm được tình hình nhân dân, không nắm được ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên nhiệm vụ đề ra không sát, không phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận, nên người dân ít hưởng ứng.

Để khắc phục, ông Nguyễn Túc đề xuất phải làm cho cả hệ thống chính trị, trước hết là cấp ủy và những người phụ trách công tác Mặt trận nhận thức rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, sự khác biệt giữa công tác Đảng, Nhà nước với công tác Mặt trận.

"Cần xây dựng cho cán bộ Mặt trận phong cách "trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân" như Nghị quyết Trung ương đã đề ra", ông Nguyễn Túc đề nghị.

Cũng theo ông Nguyễn Túc, đội ngũ cán bộ Mặt trận được tập hợp từ nhiều nguồn, nhiều ngành nghề khác nhau, không ít người chưa hiểu rõ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Mặt trận nên tình trạng "múa lộn sân" hành chính hóa là khó tránh khỏi. Vì vậy, ông Nguyễn Túc đề nghị Ban Thường trực cần coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp là nhiệm vụ thường xuyên.

Ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận diện, “bệnh” hành chính trong tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam không chỉ là một bệnh đơn lẻ mà thường là hội chứng gồm nhiều "bệnh" gắn kết nhau. Đó là bệnh hành chính - bệnh nhà nước hóa - bệnh hình thức - bệnh thành tích.

“Các biểu hiện của “bệnh” hành chính rất đa dạng, thường nặng về thủ tục giấy tờ, văn bản, báo cáo số liệu, chạy theo chỉ tiêu, thành tích không sát với thực tiễn, tạo ra áp lực với cơ sở, phô trương hình thức, không phù hợp với ý nguyện của dân", ông Thường chỉ rõ.

Từ đó, ông Truyền cho rằng cần chủ động, kiên trì để khắc phục bệnh kinh niên này. Phải đổi mới đồng bộ về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Theo ông Truyền, cần lựa chọn các nội dung đưa vào chương trình hành động phù hợp với quyền, trách nhiệm của Mặt trận. Trong đó đặc biệt coi trọng nội dung về tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, về vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, về giám sát và phản biện xã hội, về tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, về tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới nhân dân.

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thẳng thắn chỉ rõ, “bệnh” hành chính là anh em sinh đôi với bệnh quan liêu. Triệu chứng của bệnh là cách trở, xa rời giữa Mặt trận và nhân dân. Nặng hơn nữa là tê liệt, mỗi bên đi một đàng, mỗi người đi một ngả.

“Bệnh biểu hiện ra bên ngoài là ai nói nấy nghe, không còn cần thiết để quan tâm lẫn nhau, hoặc có nghe thì không bằng lòng, không đồng thuận”, ông Kim nói.

Theo ông Vũ Trọng Kim, Mặt trận làm việc bằng giấy tờ nhiều quá, thường đọng lại các cơ quan chuyên trách, chưa đến với người dân. Nên cải cách thể thức văn bản, viết sao cho ngắn gọn, không kể lể thành tích. Nên tập trung đánh giá những việc đó đã đi vào dân chưa, dân được cái gì?

“Việc Mặt trận nhiều quá, nên cắt gọt bớt lại, tập trung vào việc làm gì cho dân hiểu, dân được, dân tin, nhất là phát huy dân chủ để tạo điều kiện nhiều hơn cho cán bộ tiếp xúc với nhân dân, từ đó nghe dân, học dân để tu dưỡng, rèn luyện có đủ sức điều chỉnh, khắc phục “bệnh” hành chính”, ông Vũ Trọng Kim bày tỏ quan điểm.

Theo bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, biểu hiện của “bệnh” hành chính cũng thể hiện ở việc ban hành quá nhiều văn bản trong cùng một thời điểm, về cùng một loại việc, ở cùng một bộ phận tới cùng một cấp thực hiện sẽ mang tính sao chép, nội dung văn bản lại vượt quá khả năng thực hiện và văn bản yêu cầu 1 đằng thì làm 1 nẻo…

Chính vì vậy, bà Bùi Thị Thanh cho rằng, cần phải xây dựng sơ đồ tổng thể trong xử lý công việc, phải thay đổi từ nhận thức đến hành động trong xử lý công việc và thực hiện cơ chế khoán việc theo chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban, Hội đồng tư vấn Mặt trận các cấp để giảm thiểu hiện tượng hành chính hóa trong công tác Mặt trận.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cũng chỉ ra những biểu hiện hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận các cấp trong giai đoạn hiện nay như: việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ làm công tác Mặt trận hiện nay đều là công chức, nhiều cán bộ, công chức còn trẻ, chưa kinh qua thực tiễn công tác từ cơ sở, từ hoạt động phong trào, do vậy tư duy và nhận thức khó tránh khỏi bệnh “hành chính”.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp ngoài việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của mình, còn phải tham gia thực hiện các nhiệm vụ khác, trong khi biên chế cán bộ chuyên trách không tăng, dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc; công tác đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Mặt trận đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng cấp Mặt trận; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác của MTTQ và các đoàn thể nhân dân còn thiếu, chưa đồng bộ…

Đổi mới hoạt động của Mặt trận

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng cho rằng, trong tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ việc một số quan điểm, chủ trương về công tác Mặt trận chậm được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách; không ít cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và còn xem nhẹ công tác Mặt trận; đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân tác động không nhỏ tới công tác Mặt trận đó là tình trạng “hành chính hóa” trong công tác Mặt trận, đây là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của công tác Mặt trận.

“Các biểu hiện làm giảm hiệu quả công tác Mặt trận vẫn chưa được xác định rõ ràng, chưa có văn bản hoặc nghiên cứu nào chỉ rõ những biểu hiện cụ thể và đưa ra giải pháp khắc phục”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh bày tỏ.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, đây là những ý kiến tâm huyết và là cơ sở quan trọng để nhận diện rõ hơn khái niệm và đề ra giải pháp phù hợp đối với “bệnh” hành chính trong công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

“Ở mỗi giai đoạn chuyển mình, cần có những đánh giá cụ thể về những việc đã làm được và chưa làm được trong nhiệm kỳ, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục trong năm tiếp theo và tích hợp vào báo cáo chính trị trong nhiệm kỳ Đại hội mới. Đã đến lúc phải đổi mới hoạt động của Mặt trận”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng đề nghị, ban chuyên môn cần tổng hợp nội dung thảo luận theo nhóm nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, để từ đó có những nghiên cứu chuyên sâu góp ý vào Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đưa ra được những giải pháp nhằm khắc phục hiện tượng hành chính hóa mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu và đề ra phương hướng cụ thể  trong nhiệm kỳ tiếp theo sao cho phù hợp với nội dung hoạt động của Mặt trận.