Nguy cơ phát sinh dịch nơi ''ngõ nhỏ, phố nhỏ'', Hà Nội có chiến lược ứng phó mới

(Mặt trận) - Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến trưa nay (25-8), chùm ca bệnh mới vừa được phát hiện trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đã ghi nhận gần 50 ca dương tính với SARS-CoV-2, tập trung chủ yếu ở ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi. Từ chùm ca bệnh này cho thấy, vẫn còn nguy cơ phát sinh các chùm ca bệnh mới ở cộng đồng, nhất là ở khu vực các quận, nơi mật độ dân cư đông, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

 Phong tỏa ngõ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Xác định 3 nguồn lây trong một chùm ca bệnh
Từ hai mẹ con ở ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) đi xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh có kết quả dương tính sáng 23-8, tính đến trưa nay (25-8), liên quan đến chùm ca bệnh này, đã phát hiện thêm gần 50 ca nhiễm.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, qua kết quả điều tra, truy vết tạm thời, đã xác định được 3 nguồn lây trong cùng một thời điểm tại chùm ca bệnh ở phường Thanh Xuân Trung, nhưng lây cụ thể ở đâu thì chưa rõ vì đang trong thời gian giãn cách xã hội nên người dân "ngại" khai báo đi đâu, ở đâu.
"Chùm ca bệnh mới này đã xuất hiện trong một thời gian, đã đến vòng lây nhiễm thứ 2, thứ 3. Thêm vào đó, khu vực xuất hiện chùm ca bệnh này lại ở một khu tập thể cũ với mật độ dân cư đông, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc rất lớn. Chùm ca bệnh này có sự tương đồng như chùm ca bệnh ở hai phường Văn Chương và Văn Miếu. Dự báo, khả năng lây nhiễm tại chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung rất cao, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới, khả năng lên tới 100 ca dương tính", ông Khổng Minh Tuấn phân tích.
Hà Nội vừa triển khai 2 đợt lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng ở những nơi nguy cơ và những trường hợp có nguy cơ, theo ông Khổng Minh Tuấn, về mặt tổng thể, hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các khu vực ngoại thành của thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Còn ở các khu vực được xác định là nguy cơ, đã được lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, trước mắt không lo ngại.
Đơn cử các khu vực như phường Văn Chương (quận Đống Đa) hay khu chung cư HH4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đã được khoanh vùng, nếu có lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp có liên quan. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là có thể có những khu vực không nằm trong vùng nguy cơ nhưng vẫn phát sinh ca bệnh, như ở phường Thanh Xuân Trung.
Cần có chiến lược mới, kế hoạch mới
 

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, do chưa thể bóc tách được hết F0 tại cộng đồng, do đó, nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn các chùm ca bệnh tại cộng đồng như chùm ca ở phường Thanh Xuân Trung. Nếu người dân phối hợp, khai báo thông tin tốt với cơ quan chức năng thì vẫn có thể phát hiện được từ sớm.

 Thế nhưng, nhiều người dân hiện nay ngại khai báo vì đang trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu họ khai báo đi chỗ này, chỗ kia là vi phạm quy định giãn cách. Đây cũng là một khó khăn để phát hiện sớm các ca bệnh.

 Trước vấn đề được phóng viên nêu, đó là biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực nội thành Hà Nội - nơi có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ với mật độ dân cư đông như phường Thanh Xuân Trung hay phường Văn Miếu, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng: "Chúng tôi đang xem xét và xây dựng một kế hoạch mới. Trong chiều nay hoặc ngày mai, chúng tôi sẽ đưa ra chiến lược mới của thành phố trong công tác phòng, chống dịch".

 Ông Khổng Minh Tuấn một lần nữa khuyến cáo, tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19. Hoặc người dân liên hệ theo hotline: 0969 082 115; 0949 396 115 để được tư vấn.

 Ngoài ra, những người không có các biểu hiện triệu chứng nêu trên nhưng có hoạt động hay đặc thù công việc phải đi lại, tiếp xúc nhiều cũng phải thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm.

 Hà Nội đang triển khai giãn cách xã hội đợt 3. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dân viện nhiều lý do để ra đường trong thời gian giãn cách, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, chính quyền cần liên tục yêu cầu người dân ở nhà. Đồng thời, các phương tiện thông tin đại chúng cần cập nhật chi tiết về sự phức tạp của dịch bệnh, người dân cần hiểu được tình thế khó khăn mà thành phố đang phải đối mặt.

 Lực lượng chống dịch của Hà Nội đang căng sức trên nhiều mặt trận, từ phong tỏa, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm đến điều trị các trường hợp F0. Thành phố đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép và giãn cách xã hội là cách tốt nhất để ổn định tình hình, nhanh chóng dập dịch, hướng đến trạng thái bình thường. Nhưng tất cả những nỗ lực đó có thể bị ảnh hưởng nếu người dân vẫn tiếp tục ra khỏi nhà khi không cần thiết.

 "Với việc liên tiếp phát hiện F0 qua sàng lọc, rõ ràng số lượng ca bệnh tản mát trong cộng đồng còn tương đối nhiều. Bên cạnh đó, với đặc điểm của chủng Delta và Delta+ lây nhiễm mạnh, chu kỳ lây ngắn, việc người dân di chuyển, tiếp xúc là đang tạo điều kiện cho vi rút, mầm bệnh lây lan dễ dàng hơn. Ở nhà, tuân thủ quy định "5K" là người dân đang tham gia chống dịch cùng thành phố. Ngay cả khi ra đường mua đồ thiết yếu, người dân cũng cần rút ngắn thời gian, mua đúng, đủ đồ dùng rồi về ngay, giảm xuống mức thấp nhất có mặt tại nơi đông người như chợ, siêu thị...", ông Khổng Minh Tuấn nói.