Người cán bộ Mặt trận phải có đủ tầm, đủ tâm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

(Mặt trận) - “Đó là mong muốn của Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Lễ khai giảng khoá bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận (lớp 1 - khoá V) sáng 10/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Hà Tĩnh

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số

Tổ chức trọng thể Lễ tang Đại tướng Nguyễn Quyết

Tham dự Lễ khai giảng còn có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, cùng lãnh đạo các ban, đơn vị Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam và 135 học viên là cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện của 15 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở vào.

Trong các năm 2015, 2016 vừa qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 4 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận cho cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện trên toàn quốc, với hơn 600 học viên tham dự. Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận lần này dành cho 135 cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện của 15 tỉnh, thành phố, diễn ra trong 10 ngày (từ 10-19/7/2017), sẽ tập trung nghiên cứu và trao đổi 11 chuyên đề chính, có nội dung sát với tình hình thực tiễn của công tác Mặt trận hiện nay.

Bày tỏ niềm vui mừng khi đến dự Khai giảng khóa bồi dưỡng, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc tổ chức các khóa bồi dưỡng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc trang bị cho những người làm công tác Mặt trận kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản, chia sẻ, tích lũy những kinh nghiệm tốt... để mỗi cán bộ có đủ hành trang, tự tin làm công tác xã hội, Mặt trận, dân vận, với hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập, phát triển.

Điểm lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 với nhiều sự kiện quan trọng, như: triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; toàn Đảng toàn dân đang tích cực, quyết liệt triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ… và đặc biệt tình hình kinh tế - xã hội, văn hoá nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong những thành tựu to lớn đó, công tác Mặt trận đã có những đóng góp rất quan trọng, đặc biệt là phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo được sự đồng thuận, cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, công tác Mặt trận vẫn tồn tại một số hạn chế như: phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn chưa theo kịp yêu cầu mới; các cuộc vận động, phong trào thi đua có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân và công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế, có biểu hiện né tránh. Năng lực cán bộ và điều kiện hoạt động của Mặt trận các cấp còn bất cập; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, chưa khắc phục được tình trạng hành chính hóa.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, hiện nay, Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và các bộ luật khác có liên quan đã quy định về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, trong đó giám sát, phản biện xã hội được quan tâm hoàn thiện về thể chế, cơ chế. Từ Hiến pháp 2013 quy định về vai trò của MTTQ Việt Nam đối với vấn đề giám sát, phản biện xã hội đến Quyết định 217-QĐ/BCT và Quyết định 218-QĐ/BCT của Bộ Chính trị và đến Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội, điều này đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

“Đã có được hành lang pháp lý, tới đây chúng ta phải làm thực sự, thực chất, và quan trọng hơn là dám làm, chọn đúng việc làm để xã hội nhìn thấy, không để có sự hoài nghi. Cùng với việc tiếp tục đổi mới các phong trào thi đua, cuộc vận động thì làm tốt giám sát, phản biện xã hội, mới thực hiện được vai trò đại diện, bảo vệ tốt hơn, mới tạo được đồng thuận xã hội và từ đó tập hợp, đoàn kết và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.

Đồng thời, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, “người cán bộ Mặt trận hiện nay phải có đủ TẦM: về năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm để thực hiện được nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong điều kiện quyền và trách nhiệm ngày càng lớn, đặc biệt là vai trò trong công tác giám sát, phản biện xã hội; mặt khác phải có đủ TÂM: sự gắn bó, gần dân, sát dân, hiểu dân, xuất hiện những nơi người dân cần, làm việc vì nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân”.

Thực tế hiện nay, mỗi người làm công tác Mặt trận phải làm sao vừa làm cho nhân dân hiểu thông qua việc tuyên truyền, giải thích về đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật Nhà nước để động viên người dân chấp hành cho đúng, cho tốt; một mặt, lắng nghe, thấu hiểu để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như tổ chức thực hiện trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân; để MTTQ Việt Nam thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cùng với đó, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, bản thân mỗi cán bộ Mặt trận phải tự tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ lý luận, hiểu biết chuyên môn, chắc nghiệp vụ, kỹ năng công tác Mặt trận; phải có bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Với những kết quả đạt được trong công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm nay, và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, nội dung công việc từ nay đến cuối năm là yêu cầu đặt ra với cả hệ thống, mỗi người cán bộ Mặt trận ở từng cương vị, lĩnh vực công tác, phải hết sức cố gắng, nỗ lực; mỗi người có ý thức, trách nhiệm đến đâu, công tác Mặt trận thành công đến đó, nhân dân tin tưởng đến đó, đấy là điều thiết thực, cần làm.

Từ những yêu cầu nêu trên đối với công tác Mặt trận trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị mỗi cán bộ Mặt trận tại lớp tập huấn cần nghiêm túc nghiên cứu, tích cực học tập, cố gắng lĩnh hội và nắm vững các nội dung được quán triệt, truyền đạt tại Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận.

Hương Diệp