Ngày 7/9: Việt Nam có 14.208 ca mắc mới COVID-19; TP Hồ Chí Minh: Shipper vẫn được xét nghiệm nhanh miễn phí đến ngày 15/9

(Mặt trận) - Từ 17 giờ ngày 6/9 đến 17 giờ ngày 7/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.208 ca nhiễm mới tại 40 tỉnh, thành phố; trong đó 15 ca nhập cảnh và 14.193 ca ghi nhận trong nước; TP Hồ Chí Minh: Shipper vẫn được xét nghiệm nhanh miễn phí đến ngày 15/9; Cần Thơ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 18/9; Hà Nội phát hiện 11 ca dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm diện rộng đợt 3;.. đó là những thông tin nổi bật về tình hình dịch COVID-19 trong ngày 7/9.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Đà Nẵng tổ chức phun thuốc khử khuẩn các địa điểm có F0 và khu vực nguy cơ lây lan cao. Ảnh: TTXVN 

Ngày 7/9, Việt Nam có 14.208 ca mắc mới COVID-19; đã tiêm được gần 22,7 triệu liều vaccine

Từ 17 giờ ngày 6/9 đến 17 giờ ngày 7/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.208 ca nhiễm mới tại 40 tỉnh, thành phố; trong đó 15 ca nhập cảnh và 14.193 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, 14.208 ca nhiễm mới ghi nhận tại: TP Hồ Chí Minh (7.310 ca), Bình Dương (3.966 ca), Đồng Nai (945 ca), Long An (490 ca), Kiên Giang (242 ca), Tiền Giang (183 ca), Quảng Bình (182 ca), Tây Ninh (164 ca), An Giang (87 ca), Cần Thơ (74 ca), Đồng Tháp (71 ca), Khánh Hòa (61 ca), Đắk Nông (51 ca), Bình Phước (48 ca), Bình Thuận (46 ca), Quảng Ngãi (37 ca), Hà Nội (36 ca), Đà Nẵng (34 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (31 ca), Phú Yên (25 ca), Nghệ An (18 ca), Bình Định (11 ca), Quảng Nam (10 ca), Thừa Thiên Huế (9 ca), Trà Vinh (8 ca), Quảng Trị (8 ca), Vĩnh Long (7 ca), Thanh Hóa (7 ca), Cà Mau (7 ca), Sơn La (7 ca), Bắc Ninh (4 ca), Lạng Sơn (3 ca), Bến Tre (2 ca), Hậu Giang (2 ca), Bạc Liêu (2 ca), Lâm Đồng (1 ca), Kon Tum (1 ca), Hưng Yên (1 ca), Bắc Giang (1 ca), Ninh Thuận (1 ca) trong đó có 8.161 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.716 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 188 ca, Bình Dương tăng 1.772 ca, Đồng Nai tăng 74 ca, Long An giảm 367 ca, Kiên Giang tăng 41 ca.

Thống kê kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 550.996 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.601 ca nhiễm).

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 546.683 ca, trong đó có 308.936 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 9 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.

Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.

Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (265.846 ca), Bình Dương (138.593 ca), Đồng Nai (30.365 ca), Long An (26.432 ca).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 415.446 xét nghiệm cho 1.118.641 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.111.288 mẫu cho 41.278.424 lượt người.

Trong ngày 6/9 có 534.937 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 22.675.644 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.231.238 liều, tiêm mũi 2 là 3.444.406 liều.

Thông tin từ Tiểu ban điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho biết, trong ngày 7/9, có 10.253 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 311.710 ca. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.369 ca, trong đó: Số bệnh nhân nặng đang điều trị tích cực thở ô xy qua mặt nạ là 4.015 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.274 ca; thở máy không xâm lấn là 119 ca; thở máy xâm lấn là 926 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO) là 35 ca.

Ngày 7/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 316 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (253 ca), Bình Dương (40 ca), Long An (7 ca), Tiền Giang (7 ca), Khánh Hòa (2 ca), Đà Nẵng (2 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ca), Đồng Tháp (1 ca), Phú Yên (2 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.701 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Ngày 6/9, UBND TP. Hà Nội ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó: Từ 6 giờ ngày 8/9, các chốt kiểm soát của Thành phố sẽ kiểm soát người và phương tiện ra, vào Thành phố và vùng 1 theo giấy đi đường mới; người dân không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, "ai ở đâu thì ở đó", "người ở vùng nào thì ở vùng đó".

Từ ngày 6/9 đến 12/9, xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân trên toàn bộ địa bàn thành phố để bóc tách nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng.

Hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn trước ngày 15/9 trên cơ sở số vaccine được phân bổ. Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vào buổi tối, mở thêm điểm tiêm tại nhà văn hoá, trường học. Trước khi tiêm, tất cả các trường hợp phải test nhanh COVID-19 để sàng lọc, phát hiện sớm F0 trong cộng đồng.

Từ từ 0 giờ ngày 8/9, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

TP Hồ Chí Minh gia hạn việc xét nghiệm nhanh, miễn phí cho đội ngũ shipper từ nay đến hết 15/9.

TP Hồ Chí Minh: Shipper vẫn được xét nghiệm nhanh miễn phí đến ngày 15/9

Chiều 7/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đồng ý gia hạn việc tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí cho lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) trên địa bàn thành phố đến hết ngày 15/9.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, theo quy định cũ, việc xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí cho các shipper đã hết hiệu lực từ ngày 7/9 nên Sở Công thương đã có văn bản trình UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục gia hạn đến hết ngày 15/9 và đã được UBND Thành phố đồng ý.

Theo báo cáo từ các đơn vị shipper, trong ngày 7/9, toàn thành phố đã có 12.529 shipper hoạt động. Tổng nhu cầu đăng ký "đi chợ hộ" trong ngày 7/9 là 82.660 hộ, giảm 5% so với ngày hôm trước (tương đương giảm 4.465 hộ). Nguyên nhân nhu cầu đăng ký đi chợ hộ giảm là do người dân đã có nhiều giải pháp đi chợ thay thế, đồng thời đang kỳ vọng vào chính sách mở cửa có lộ trình của chính quyền Thành phố, trong đó có việc cho phép đi chợ có kiểm soát.

Đối với đề xuất nới lỏng hoạt động của các nhân viên ngành hàng thực phẩm thiết yếu, siêu thị, doanh nghiệp… sau ngày 6/9, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, theo chỉ đạo của Trung ương và UBND TP Hồ Chí Minh, đơn vị đã cấp thêm giấy đi đường cho các nhân viên siêu thị, các đơn vị hoạt động thiết yếu từ nay đến hết 15/9.

Riêng đối với các nhân viên siêu thị, trước kia làm từ 5 giờ sáng đến 18 giờ nhưng nay đã được kéo dài đến 21 giờ để thực hiện các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, dọn dẹp kho hàng…

Công văn của UBND TP Hồ Chí Minh về gia hạn xét nghiệm nhanh và miễn phí cho shipper quy định:  đối với shipper hoạt động ở 8 quận “vùng đỏ” phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 (thực hiện xét nghiệm nhanh 1 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người, thời gian xét nghiệm hàng ngày vào lúc 5 giờ đến 6 giờ sáng do lực lượng Quân y thực hiện tại các Trạm y tế lưu động của 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố).

Đối với shipper hoạt động ở 14 quận, huyện còn lại phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 (thực hiện xét nghiệm nhanh 2 ngày/1 lần theo mẫu gộp 3 người do lực lượng Quân y thực hiện tại các Trạm y tế lưu động của 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố cho đến hết thời gian 15/9).

Người dân khai báo thông tin tại chốt kiểm soát dưới cầu Vàm Cống, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN 

Cần Thơ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 18/9

Tối 7/9, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký ban hành Công văn số 3769 gửi các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Theo đó, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg trên toàn địa bàn thành phố Cần Thơ từ 00 giờ ngày 8/9 đến 00 giờ ngày 18/9.

Chỉ thị cũng yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 10 của Chủ tịch UBND thành phố, tăng cường một số biện pháp để thực hiện hiệu quả giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố với tinh thần: Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi mọi người dân chung sức, đồng lòng, tiếp tục đồng hành cùng chính quyền thành phố thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội; thực hiện kế hoạch xét nghiệm trọng điểm trên địa bàn thành phố để làm sạch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhằm ngăn chặn, chủ động phòng, chống, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội, tăng cường kiểm tra xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc thực hiện nguyên tắc "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình", kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó"; đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách...

Đối với UBND các quận, huyện: Ô Môn, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh phấn đấu chậm nhất đến ngày 15/9 kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn và báo cáo UBND thành phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg.

Đối với UBND các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái răng, Thốt Nốt phấn đấu chậm nhất đến ngày 17/9 kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn và báo cáo UBND thành phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Y tế, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc kế hoạch xét nghiệm trọng điểm trên địa bàn thành phố từ ngày 9 - 17/9; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm theo kế hoạch đề ra; chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ, nhằm phát hiện sớm người nhiễm là khâu then chốt để kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng và được điều trị nhanh nhất.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương xây dựng phương án phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, có lộ trình thực hiện cụ thể với tinh thần "không quá nóng vội, cũng không quá thận trọng", "vừa làm vừa rút kinh nghiệm", bảo đảm nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn"; ưu tiên khởi động lại hoạt động xây dựng các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm của thành phố, sản xuất nông nghiệp, hoạt động của một số doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân...  

Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng giảm. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Cần Thơ ghi nhận thêm 59 ca mắc COVID-19 mới. Tính chung từ ngày 8/7 đến 17 giờ ngày 7/9, thành phố Cần Thơ đã ghi nhận 4.582 ca mắc COVID-19, trong đó 3.632 trường hợp đã được điều trị khỏi, 68 ca tử vong.

Ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân với nhiều ca nhiễm mới  

Hà Nội phát hiện 11 ca dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm diện rộng đợt 3

Tính từ ngày 1/9 đến ngày 7/9, thành phố Hà Nội đã hoàn thành gần 82% tiến độ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 3, qua đó, phát hiện 11 mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ngày 1/9/2021, UBND thành phố ban hành kế hoạch 203/KH-UBND về xét nghiệm diện rộng (bổ sung kế hoạch 199/KH-UBND về việc xét nghiệm sàng lọc diện rộng có trọng điểm) phát hiện các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, với chỉ tiêu yêu cầu lấy 1 triệu mẫu.

Ngành y tế Hà Nội đã phối hợp với 30 quận, huyện, thị xã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người sinh sống trong các khu vực phong tỏa, các khu vực nguy cơ cao có nhiều ca bệnh, ổ dịch và người thuộc các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như: Shipper; người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Tính đến hết ngày 7/9, toàn thành phố lấy được 817.765 mẫu, đạt 81,78% kế hoạch, đã có 685.519 mẫu có kết quả xét nghiệm (11 mẫu dương tính và 685.508 mẫu âm tính), còn lại 132.246 mẫu chưa có kết quả.

Cụ thể 10 trường hợp dương tính thuộc đối tượng ở khu vực nguy cơ ghi nhận tại 3 quận, huyện gồm: quận Thanh Xuân 7 trường hợp (phường Thanh Xuân Nam: 6 ca, phường Thanh Xuân Trung: 1 ca), huyện Thanh Trì có 2 trường hợp (đều tại xã Tả Thanh Oai), quận Hà Đông 1 trường hợp (phường Quang Trung). 1 trường hợp dương tính là đối tượng nguy cơ ở xã Tân Minh, huyện Thường Tín.

Để hoàn thành được kế hoạch thành phố giao, hiện tại các quận, huyện, thị xã vẫn đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện, bóc tách kịp thời các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, thực hiện cách ly, điều trị theo quy định. Đồng thời, đánh giá lại các khu vực nguy cơ, và đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch.