Ngày 26/8: Việt Nam có 11.575 ca mắc mới COVID-19, Hà Nội có 66 ca trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh có trên 52.000 F0 điều trị tại nhà và dự kiến sẽ tiếp tục tăng

(Mặt trận) - Từ 18 giờ ngày 25/8 đến 18 giờ 30 phút ngày 26/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.575 ca nhiễm mới tại 43 tỉnh, thành phố; trong đó 6 ca nhập cảnh và 11.569 ca ghi nhận trong nước; Thêm 24 bệnh nhân ở phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội có 66 ca trong 24 giờ qua; TP Hồ Chí Minh có trên 52.000 F0 điều trị tại nhà, dự kiến sẽ tiếp tục tăng; Phấn đấu chi hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trước ngày 30/8; Bình Dương: Khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó trên 150.000 ca COVID-19… đó là những thông tin về tình hình dịch bệnh trong 24h qua.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Lực lượng quân y đi phát kit test nhanh và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở phường 11, Bình Thạnh chiều 24-8 - Ảnh: QUANG KHẢI 

Ngày 26/8, Việt Nam có 11.575 ca mắc mới COVID-19, thêm 18.567 người khỏi bệnh

Từ 18 giờ ngày 25/8 đến 18 giờ 30 phút ngày 26/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.575 ca nhiễm mới tại 43 tỉnh, thành phố; trong đó 6 ca nhập cảnh và 11.569 ca ghi nhận trong nước.

Trong số 11.575 ca nhiễm mới ghi nhận tại Bình Dương (4.868 ca), TP Hồ Chí Minh (3.934 ca), Đồng Nai (743 ca), Long An (449 ca), Tiền Giang (354 ca), Đà Nẵng (144 ca), An Giang (131 ca), Khánh Hòa (131 ca), Đồng Tháp (116 ca), Kiên Giang (112 ca), Cần Thơ (72 ca), Bến Tre (55 ca), Hà Nội (50 ca), Bình Thuận (48 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (44 ca), Nghệ An (43 ca), Tây Ninh (42 ca), Thừa Thiên Huế (24 ca), Phú Yên (24 ca), Quảng Bình (23 ca), Trà Vinh (20 ca), Bình Định (15 ca), Bình Phước (13 ca), Vĩnh Long (12ca), Sơn La (10 ca), Đắk Lắk (10 ca), Hà Tĩnh (9 ca), Thanh Hóa (9 ca), Sóc Trăng (9 ca), Gia Lai (8 ca), Đắk Nông (8 ca), Quảng Nam (8 ca), Quảng Ngãi (7 ca), Lạng Sơn (6 ca), Ninh Thuận (5 ca), Bạc Liêu (4 ca), Quảng Trị (2 ca), Bắc Giang (2 ca), Lâm Đồng (1 ca), Hà Nam (1 ca), Hưng Yên (1 ca), Bắc Ninh (1 ca), Cà Mau (1 ca) trong đó có 5.603 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 524 ca. Tại Bình Dương tăng 739 ca, TP Hồ Chí Minh giảm 1.360 ca, Đồng Nai tăng 125 ca, Long An giảm 11 ca, Tiền Giang tăng 35 ca.

Thống kê kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 392.938 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.997 ca nhiễm).

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 388.814 ca, trong đó có 185.714 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang. Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.

Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (194.100 ca), Bình Dương (86.050 ca), Đồng Nai (20.471 ca), Long An (19.495 ca), Tiền Giang (8.509 ca).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 466.305 xét nghiệm cho 596.487 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 10.836.663 mẫu cho 29.983.657 lượt người.

Tiêm vaccine cho người dân 

Trong ngày 25/8 có 430.924 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 18.522.203 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.382.658 liều, tiêm mũi 2 là 2.139.545 liều.

Thông tin từ Tiểu ban điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho biết, trong ngày 26/8, có 18.567 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 188.488 ca. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.184 ca, trong đó: Số bệnh nhân nặng đang điều trị tích cực thở ô xy qua mặt nạ là 3.223 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.082 ca; thở máy không xâm lấn là 85 ca; thở máy xâm lấn là 765 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO) là 29 ca.

Ngày 26/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 318 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (242 ca), Bình Dương (46 ca), Tiền Giang (9 ca), Đồng Tháp (3 ca), Khánh Hòa (3 ca), Long An (3 ca), Vĩnh Long (3 ca), Bình Thuận (2 ca), Sóc Trăng (2 ca), Hà Nội (1 ca), Bến Tre (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Thừa Thiên Huế (1 ca), Trà Vinh (1 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 9.667 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Ngày 26/8, tham gia đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ chủ trì kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Phường 5, Quận 8, TP Hồ Chí Minh.

Trong ngày, Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến với 6 tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế triển khai phân bổ 1.209.400 liều vaccine AstraZeneca (đợt 23) do VNVC mua, phân bổ 500.800 liều vaccine AstraZeneca (đợt 24) do phía Ba Lan tài trợ, phân bổ 300.000 liều vaccine AstraZeneca (đợt 25) do phía Rumania tài trợ và phân bổ 10.000 liều vaccine Sputnik V do phía Liên bang Nga tài trợ. Cùng với đó, Bộ Y tế đã tiếp nhận 770.000 liều vaccine Pfizer trong tổng số khoảng 1 triệu liều do phía Mỹ tặng Việt Nam, số vaccine 270.000 liều còn lại dự kiến sẽ được chuyển đến Việt Nam vào ngày 27/8.

TP Hồ Chí Minh xây dựng quy trình quy trình tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 tại cộng đồng, thu thập và báo cáo kết quả theo các hướng dẫn chuyên môn.

Tỉnh Bình Dương xây dựng Kế hoạch ứng phó khi số ca nhiễm trên 150.000 ca, tương đương với khoảng 100.000 giường điều trị.

Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân - Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu vực phong tỏa tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, 

Thêm 24 bệnh nhân ở phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội có 66 ca trong 24 giờ qua

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 12h đến 18h ngày 26-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 33 ca mắc mới tại cộng đồng; trong đó có 24 ca mới tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.

Các ca mắc mới phân bố tại 4 quận, huyện: Thanh Xuân (25), Thanh Trì (6), Hoàng Mai (1), Hai Bà Trưng (1), và phân bố theo chùm ca bệnh: F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng (32); chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh (1).

Như vậy, tính từ 18h ngày 25-8 đến 18h ngày 26-8, Hà Nội ghi nhận 66 ca mắc mới, trong đó có 56 ca tại cộng đồng và 10 ca tại khu cách ly

Thông tin cụ thể 33 ca mắc mới ghi nhận như sau:

32 bệnh nhân (BN) thuộc chùm F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng: Gồm có 24 BN ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Các BN sống trong khu vực phong tỏa do có nhiều ca bệnh dương tính. Ngày 25-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Như vậy, tính từ ngày 23 đến tối 26-8, trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung đã ghi nhận 110 ca mắc. Các BN tập trung tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi và liên quan đến các chợ, siêu thị trên địa bàn phường.

Trong chùm ca bệnh này có BN N.Đ.H, nam, sinh năm 1995, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. BN là F1 của BN Đ.T.H. Ngày 24-8, BN được chuyển cách ly tập trung tại Bệnh viện Than khoáng sản, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Ngoài ra, còn có BN N.T.D, nữ, sinh năm 1978, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. BN sống trong khu vực phong tỏa ngõ Hòa Bình 2. Ngày 25-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả dương tính.

Còn lại trong chùm ca này là 6 BN tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, đều được lấy mẫu xét nghiệm ngày 25-8 và có kết quả dương tính, gồm có: T.A.H, nam, sinh năm 2002, là F1 (hàng xóm) của BN H.X.T; N.T.H, nữ, sinh năm 1963, là F1 (mẹ) của BN N.T.G; H.X.T, nam, sinh năm 1952, là F1 (bố) của BN Đ.T.M; N.T.T.M, nữ, sinh năm 1997, là F1 (vợ) của BN N.T.G; B.T.H, nữ, sinh năm 1988, gia đình BN sống trong khu vực phong tỏa từ ngày 24-8 đến nay; Đ.Đ.A, nam, sinh năm 2012, là F1 (con) của BN B.T.H.

1 BN thuộc chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh: L.N.D, nam, sinh năm 1996, ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. BN sống trong khu vực phong tỏa liên quan đến Công ty Hiền Phước (đường Kim Đồng). Ngày 25-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4) đến nay là 2.836 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.481 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.355 ca.

Trong ngày hôm nay, trên địa bàn quận Thanh Xuân ghi nhận 38 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó phường Thanh Xuân Trung (37) đều là F1 và người sống trong khu vực phong tỏa, phường Nhân Chính (01). Tính từ ngày 29-4 đến nay, quận Thanh Xuân có 200 ca mắc tại 10/11 phường (trừ phường Thanh Xuân Nam). Riêng phường Thanh Xuân Trung có số mắc cao nhất với 119 ca mắc. Riêng giai đoạn từ 23-8 đến nay ghi nhận 110 ca mắc, trong đó tại ngõ 328 Nguyễn Trãi có 65 ca mắc.

TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo hàng ngày để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại thành phố.  

TP Hồ Chí Minh: Phấn đấu chi hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trước ngày 30/8

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ trao gói hỗ trợ an sinh cho người dân gặp khó khăn trước ngày 30/8.

Theo ông Phạm Đức Hải, Thành phố đang có 2 gói hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 gồm gói theo Nghị quyết 09 của HĐND TP Hồ Chí Minh và theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, để người dân có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các gói hỗ trợ trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 2876 để điều chỉnh tên gọi cụm từ “Hộ lao động nghèo” thành “Hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”. Bởi trước khi dịch bệnh xảy ra, Thành phố có khoảng 53.000 hộ nghèo và cận nghèo (ước tính số lượng người  được hưởng là 170.000 người). Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các công nhân, người lao động đang đi làm đã bị thất nghiệp, giảm thu nhập nên số lượng người dân cần hỗ trợ đã tăng lên, ước tính khoảng 3-4 triệu người. Để giúp đỡ những lao động này, Thành phố sẽ chi từ nguồn ngân sách và vận động các nhà tài trợ, phấn đấu chi cho người dân trước ngày 30/8. Mỗi hộ sẽ nhận được 1,5 triệu đồng, gồm tiền mặt và quà an sinh.

“Thành phố Hồ Chí Minh đang vận động các nhà tài trợ để chuẩn bị 2 triệu túi an sinh (mỗi túi trị giá 300.000 đồng) để gửi tặng bà con. Theo đó, nếu hộ nào đã nhận gói quà an sinh 300.000 đồng thì chuẩn bị nhận tiếp 1,2 triệu đồng tiền mặt. Nếu ai chưa nhận túi an sinh thì sẽ nhận 1,5 triệu đồng (gồm quà và tiền mặt)”, ông Phạm Đức Hải nói.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã chi hỗ trợ cho 65.978/67.43 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (đạt tỷ lệ 98%) với kinh phí hỗ trợ hơn 133,538 tỷ đồng; 193/193 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 396,4 triệu đồng; hỗ trợ 5.861/5.861 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động (đạt tỷ lệ 100%) với kinh phí hỗ trợ hơn 11,722 tỷ đồng; hỗ trợ 18.082/18.419 thương nhân tại các chợ truyền thống (đạt tỷ lệ 98%) với kinh phí hơn 26,079 tỷ đồng; hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 101.356 đơn vị với 2.322.562 người lao động, kinh phí hỗ trợ hơn 1.060 tỷ đồng…

TP Hồ Chí Minh đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng toàn thành phố nên dự kiến số F0 sẽ tăng trong thời gian tới 

TP Hồ Chí Minh có trên 52.000 F0 điều trị tại nhà, dự kiến sẽ tiếp tục tăng

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết do đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm người dân toàn thành phố nên số lượng F0 dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

Ngày 26/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố hiện có 37.138 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện điều trị COVID-19, trong đó có 2.299 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.639 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có 52.146 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà; trong đó có 27.649 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.497 trường hợp F0 sau xuất viện. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung ở các quận, huyện là 15.357 người. 

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho toàn dân tại "vùng đỏ" và "vùng cam" bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Người dân sẽ tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế; thực hiện mẫu gộp tại các "vùng vàng" và "vùng xanh". Dự kiến số mẫu phải lấy ở "vùng cam" và "vùng đỏ" khoảng 2 triệu người. Khi xét nghiệm nhanh và phát hiện F0, các Trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong thời gian này, Thành phố triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn thành phố, do đó số lượng F0 dự báo sẽ tăng cho thời gian tới. Người dân cần hết sức bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản ứng phó của ngành y tế.

Để đáp ứng với nhu cầu điều trị F0 tại nhà và nâng cao khả năng điều trị cũng như hạn chế mức thấp nhất trường hợp tử vong, Thành phố tổ chức các Trạm y tế lưu động kết hợp với đội phản ứng nhanh của địa phương để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị tại nhà. Mỗi phường thành lập từ 2-3 Trạm y tế lưu động, tùy số lượng F0 trên địa bàn.

Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 5.568.991 mũi, trong đó có 5.346.793 mũi 1 và 222.198 mũi 2; có 561.934 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền đã được tiêm vaccine.

Trong đợt dịch lần thứ 4 này, TP Hồ Chí Minh có 190.662 trường hợp mắc bệnh được Bộ Y tế công bố, trong đó có 190.225 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 437 trường hợp nhập cảnh.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân bình tĩnh thực hiện các hướng dẫn trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; cẩn trọng trong sử dụng các loại thuốc kháng viêm corticoid, thuốc kháng đông; thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K + vaccine.

 Trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3.934 trường hợp mắc mới, giảm 1.360 ca so với ngày trước đó

Chiều 26/8, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 ngày thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", TP Hồ Chí Minh đã test nhanh được khoảng 1 triệu mẫu, trong đó phát hiện 3,5% mẫu dương tính.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, tốc độ xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong dâu cư của ngành y tế đã tăng rất nhanh và chỉ trong 3 ngày đã xét nghiệm được gần 1 triệu mẫu. "So với mục tiêu đặt ra là xét nghiệm nhanh 2 triệu mẫu hiện vẫn chưa đạt. Trong những ngày tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy nhanh test nhanh để đạt chỉ tiêu và tiếp tục test nhanh đợt 2", Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, ngày 23/8 qua test nhanh phát hiện 3,5% mẫu có kết quả dương tính; ngày 24/8 phát hiện 3,3% mẫu dương tính và ngày 25/8 có khoảng gần 3,8% mẫu dương tính. "Như vậy, tổng số 1 triệu mẫu test nhanh trong 3 ngày có khoảng 3,5% mẫu dương tính. Qua đánh giá của các nhà dịch tễ học, nếu dưới 5% thì chúng ta có niềm tin từ nay đến ngày 15/9 quét được hết F0", ông Nguyễn Hoài Nam nói. 

Tính đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã có 401/413 Trạm y tế lưu động chính thức hoạt động, riêng huyện Nhà Bè và Củ Chi đang khẩn trương triển khai bổ sung. Hiện Trạm y tế lưu động tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang phụ trách chăm sóc và điều trị 23.197 người F0 cách ly tại nhà.

Bình Dương khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó trên 150.000 ca COVID-19 - Ảnh: Báo Bình Dương 

Bình Dương: Khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó trên 150.000 ca COVID-19

Ngày 25/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh ký văn bản hỏa tốc gửi các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về xây dựng Kế hoạch ứng phó khi số ca nhiễm COVID-19 lũy kế trên 150.000 ca.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xây dựng Kế hoạch ứng phó của ngành, lĩnh vực khi số ca nhiễm lũy kế trên 150.000 ca. Con số này tương đương với khoảng 100.000 giường điều trị thực tế.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tính toán cụ thể nhu cầu đáp ứng nguồn lực, nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, phương án quản lý, huy động, điều phối nguồn lực, và tổ chức thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xây dựng Kế hoạch chung của tỉnh. 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó khi số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh lũy kế trên 150.000 ca.

Được biết, dự báo trong 2 tuần tới, số ca F0 của tỉnh sẽ tăng thêm 50.000 ca do tỉnh đang tập trung xét nghiệm tìm F0 lần 3, nâng tổng số ca bệnh lên trên 120.000 người.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, Bình Dương đang triển khai thực hiện “khóa chặt, đông cứng” 15 ngày đối với 15 phường “vùng đỏ đậm đặc” theo nguyên tắc khóa chặt 24/24 giờ, không cho người dân ra khỏi nhà; thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, cách ly tuyệt đối “người với người, nhà với nhà…”.

Tỉnh đã khẩn trương điều phối cho các địa phương “vùng đỏ” để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; kiểm tra thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh; bố trí lại, mở rộng các khu cách ly để tiếp nhận F0 qua sàng lọc; bố trí các trạm y tế di động cho 11 phường “khóa chặt, đông cứng”. Tỉnh thực hiện điều phối, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày cho người dân; tiếp tục “xanh hóa” các địa phương theo mô hình 3 xanh: “Nhà máy xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh”.

Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn các tỉnh phía nam, cho biết trước mắt sẽ điều động 2.000 quân nhân tham gia công tác phối hợp cùng các lực lượng địa phương để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, Bộ Quốc phòng sẽ điều động 50 trạm xá di động hỗ trợ 11 địa phương “vùng đỏ” của tỉnh và 15 xe cứu thương để tỉnh điều phối phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh đạt kết quả tốt hơn.