(Mặt trận) - Tính từ 17 giờ ngày 24/10 đến 17 giờ ngày 25/10, Việt Nam ghi nhận 3.639 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tại 53 tỉnh, thành phố; các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Tây Ninh có số mắc tăng so với ngày trước đó; Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu dựa vào số ca mắc COVID-19 mới trên 100.000 dân/tuần thì TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở cấp độ 3; Quỹ vaccine phòng COVID-19 còn hơn 1.725 tỷ đồng...đó là những thông tin nổi bật về tình hình dịch Covid-19 trong ngày 25/10.
|
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột sau khi nhận ổ dịch ở phường Tân Lập. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Trong số các ca nhiễm mới, có 19 ca nhập cảnh và 3.620 ca ghi nhận trong nước (giảm 408 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 1.573 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với số ca mắc như sau: TP Hồ Chí Minh (969), Bình Dương (517), Đồng Nai (458), An Giang (232), Tây Ninh (163), Bạc Liêu (156), Tiền Giang (111), Kiên Giang (99), Sóc Trăng (87), Long An (74), Trà Vinh (60), Bình Thuận (57), Gia Lai (52), Hậu Giang (48), Khánh Hòa (44), Cà Mau (42), Phú Thọ (37), Đắk Lắk (33), Bà Rịa - Vũng Tàu (27), Cần Thơ (26), Thừa Thiên Huế (23), Bến Tre (23), Hà Giang (22), Nam Định (21), Thanh Hóa (21), Bình Định (20), Đồng Tháp (19), Hà Nội (18), Vĩnh Long (18), Nghệ An (15), Quảng Trị (15), Hà Nam (14), Đắk Nông (13), Ninh Thuận (12), Quảng Nam (12), Bình Phước (10), Quảng Bình (8 ), Quảng Ngãi (8 ), Quảng Ninh (5), Bắc Ninh (5), Kon Tum (4), Ninh Bình (3), Lâm Đồng (3), Hà Tĩnh (3), Vĩnh Phúc (3), Phú Yên (2), Lạng Sơn (2), Hải Dương (1), Đà Nẵng (1), Thái Bình (1), Bắc Giang (1), Lai Châu (1), Lào Cai (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Sóc Trăng (giảm 209 ca), Đắk Lắk (giảm 160 ca), An Giang (giảm 65 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Hậu Giang (tăng 48 ca), Tiền Giang (tăng 33 ca), Tây Ninh (tăng 31 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.609 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 892.579 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.063 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 887.797 ca, trong đó có 804.484 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 14 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (426.090), Bình Dương (229.357), Đồng Nai (61.990), Long An (34.301), Tiền Giang (15.737).
Trong ngày 25/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.323 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 807.301 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.135 ca.
Trong ngày 25/10, cả nước ghi nhận 65 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (40), Bình Dương (11), Đồng Nai (7), Tây Ninh (3), Bạc Liêu (2), An Giang (1), Tiền Giang (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 67 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.738 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong ngày 24/10, cả nước có 1.120.951 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 74.050.037 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 52.584.839 liều, tiêm mũi 2 là 21.465.198 liều.
Bộ Y tế vừa ban hành Công điện số 1700/CĐ-BYT về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện nghị quyết 128/NQ-CP. Trong đó các địa phương và đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao; tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19; phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với chuyên gia của WHO, UNICEF rà soát, xây dựng dự thảo đề cương “Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới”.
TP Hồ Chí Minh có số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 15.421 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 4.825 người. Hiện nay tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 10.996 người. Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 746 người. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 128 người.
Tại TP Hà Nội, liên quan đến ổ dịch COVID-19 mới ghi nhận ngày 24/10 (7 ca dương tính), huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã phong tỏa tạm thời 5 khu dân cư và trụ sở 3 đơn vị để phục vụ cho việc truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Tỉnh Phú Thọ thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 để điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 220 giường bệnh tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị thành phố Việt Trì, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì. Sở Y tế đã thành lập và đưa vào hoạt động Trạm Y tế lưu động thực hiện quản lý, chăm sóc, điều trị, vận chuyển các trường hợp F0 tại nhà trên địa bàn xã Chu Hóa.
TP Hồ Chí Minh: Số ca mắc COVID-19 mới vẫn ở mức nguy cơ cao
Chiều 26/10, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu dựa vào số ca mắc COVID-19 mới trên 100.000 dân/tuần thì TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở cấp độ 3.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã công bố cấp độ dịch tương ứng cấp độ 2 nhưng số ca mắc vẫn còn ở mức độ 3 nên kế hoạch ứng phó của Thành phố với dịch bệnh vẫn đang đặt ở mức độ 3. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh phải thận trọng trong thời điểm này dù số ca mắc mới giảm liên tục, số ca tử vong và chuyển nặng cũng giảm.
"Thực ra, nếu chỉ dựa vào tiêu chí số ca mắc mới trên 100.000 dân/tuần thì hiện nay Thành phố tương ứng cấp độ 3. Tuy nhiên, do TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi đạt tỷ lệ trên 99% và tỷ lệ tiêm đủ liều cho người trên 65 tuổi đạt trên 91%, chiếu theo tiêu chí của Nghị quyết 128 của Chính phủ thì Thành phố được xếp vào nhóm nguy cơ cấp độ 2", ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng cho biết, từ cuối tháng 10/2021, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn toàn tự lực kiểm soát dịch bệnh khi các đoàn y tế chi viện cho Thành phố đã rút đi. Do đó, người dân không được chủ quan, lơ là trong việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
“Tôi lo lắng khi người dân thấy đánh giá cấp độ 2 cũng như chủ quan vì đã tiêm vaccine mà không tuân thủ 5K, các quy định an toàn thì nguy cơ lây lan dịch sẽ khiến số ca mắc mới tăng lên, không ngoại trừ khả năng số ca nặng tăng lên”, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo.
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Thành phố đang điều trị cho 10.996 bệnh nhân, trong đó có 746 trẻ em dưới 16 tuổi, 286 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 24/10, TP Hồ Chí Minh có 689 bệnh nhân nhập viện, 539 bệnh nhân xuất viện, 40 trường hợp tử vong.
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố cấp độ dịch tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Theo đó, có 9 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đạt cấp độ 1; 12 quận, huyện đạt cấp độ 2; riêng quận Bình Tân là đơn vị duy nhất còn cấp độ 3.
|
Công nhân, người lao động tại tỉnh Tiền Giang được tiêm vaccine phòng COVID-19 để sớm quay trở lại sản xuất. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN) |
Quỹ vaccine phòng COVID-19 còn hơn 1.725 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h ngày 25/10, số dư Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 8.788,3 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi; trong đó, có 47,7 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.
Ban quản lý Quỹ cho biết, đã có 560.949 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào quỹ.
Tính đến thời điểm hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi từ Quỹ 7.063 tỷ đồng. Trong số đó, chi mua vaccine 7.054,2 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 8,8 tỷ đồng, nên dư cuối ngày là 1.725,3 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, với 14.500 tỷ đồng ngân sách trung ương bố trí cùng nguồn lực ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 của người dân, doanh nghiệp, Bộ cam kết sử dụng đúng mục đích đến từng đồng.
Bên cạnh việc tiếp nhận ủng hộ tới Quỹ vaccine phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã nhanh chóng ban hành Thông tư số 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính quỹ, bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả.
Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả số tiền ủng hộ, số dư tiền chuyển vào quỹ ở các ngân hàng thương mại đến cuối ngày được chuyển hết về Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và chuyển tiếp ngay về Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 22 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, MB, Agribank và TPBank.
Toàn bộ số tiền ủng hộ, số dư tiền chuyển vào quỹ ở các ngân hàng thương mại đến cuối ngày được chuyển hết về Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và chuyển tiếp ngay về Ngân hàng Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính để tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng; trong đó, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.
Các địa phương căn cứ tình hình dịch và nguồn vaccine để tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi
Bộ Y tế vừa có Công điện số 1675/CĐ-BYT gửi: Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế cho biết, thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tính đến hết ngày 21/10/2021, Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ hơn 97 triệu liều vaccine phòng COVID19; trong đó một số tỉnh, thành phố đã được phân bổ vaccine với số lượng đủ để tiêm 2 mũi cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi.
Các địa phương đã tích cực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng khi nhận được vaccine, những ngày gần đây mỗi ngày cả nước tiêm được khoảng 1,5 - 1,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Để đảm bảo sử dụng vaccine nhanh chóng, hiệu quả, tăng nhanh diện bao phủ trong thời gian sớm nhất cho nhóm nguy cơ để có thể từng bước mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ em dưới 18 tuổi; Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiêm chủng bao phủ cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Đối với việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi theo lộ trình đã được Bộ Y tế hướng dẫn tại Công văn số 8688/BYT-DP ngày 14/10/2021.
Căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại địa phương và nguồn cung ứng vaccine để tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hương Diệp