(Mặt trận) - Tính từ 18 giờ ngày 14/8 đến 18 giờ 30 phút ngày 15/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.580 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; TP Hồ Chí Minh và Bình Dương số ca nhiễm tăng lên, Đồng Nai, Hà Nội giảm so với hôm qua. Trong tuần từ ngày 9-15/8, Hà Nội đã ghi nhận 419 ca dương tính mới với SARS-CoV-2. Các hoạt động xét nghiệm sàng lọc, phòng chống dịch vẫn đang được Hà Nội tích cực triển khai.
|
Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành tiêm vaccine cho người dân |
Tính từ 18 giờ ngày 14/8 đến 18 giờ 30 phút ngày 15/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.580 ca nhiễm mới, gồm 6 ca nhập cảnh và 9.574 ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (4.516 ca), Bình Dương (2.358 ca), Đồng Nai (546 ca), Long An (514 ca), Đồng Tháp (271 ca), Tiền Giang (209 ca), Cần Thơ (170 ca), Khánh Hòa (166 ca), Tây Ninh (159 ca), Đà Nẵng (83 ca), Sóc Trăng (82 ca), Bến Tre (60 ca), Hà Nội (39 ca), Bình Thuận (39 ca), Quảng Ngãi (34 ca), An Giang (34 ca), Nghệ An (27 ca), Phú Yên (27 ca), Quảng Nam (26 ca), Ninh Thuận (22 ca), Bình Định (22 ca), Bắc Ninh (21 ca), Kiên Giang (19 ca), Lào Cai (18 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (16 ca), Hà Tĩnh (14 ca), Đắk Nông (13 ca), Lâm Đồng (11 ca), Hậu Giang (10 ca), Thừa Thiên Huế (8 ca), Quảng Trị (8 ca), Gia Lai (8 ca), Cà Mau (6 ca), Hải Dương (5 ca), Bình Phước (4 ca), Quảng Bình (2 ca), Thanh Hóa (2 ca), Thái Bình (2 ca), Ninh Bình (1 ca), Hưng Yên (1 ca), Bắc Giang (1 ca). Trong đó có 2.470 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 136 ca; TP Hồ Chí Minh tăng 285 ca, Bình Dương tăng 329 ca, Đồng Nai giảm 477 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 275.044 ca nhiễm, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 5 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình.
Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.
Trong đợt này, có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là: TP. Hồ Chí Minh (149.286 ca), Bình Dương (43.979 ca), Long An (14.399 ca), Đồng Nai (13.616 ca), Bắc Giang (5.795 ca).
Trong ngày 15/8, có thêm 5.519 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 102.504 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 589 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca.
Ngày 15/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 337 ca tử vong tại: TP. Hồ Chí Minh (282 ca), Bình Dương (20 ca), Long An (9 ca), Tiền Giang (6 ca), Đồng Nai (5 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (3 ca), Đồng Tháp (2 ca), Sóc Trăng (2 ca), Trà Vinh (2 ca), Cần Thơ (1 ca), Hải Phòng (1 ca), Bến Tre (1 ca), Bình Phước (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Quảng Nam (1 ca).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 15/8 là 5.774 ca, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do COVID-19).
Trong ngày 14/8, có 612.974 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 14.434.017 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.078.340 liều, tiêm mũi 2 là 1.355.677 liều.
Bộ Y tế vừa có công điện hỏa tốc gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và TP Hà Nội về việc điều tra, xử lý đối với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Tỉnh Bình Dương đã thí điểm thực hiện theo dõi y tế tại nhà đối với những người nhiễm COVID-19 không triệu chứng.
Ngày 15/8, Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền tại huyện Dầu Tiếng, Bình Dương với quy mô 500 giường được đưa vào hoạt động thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An chính thức đi vào hoạt động.
|
Các hoạt động xét nghiệm sàng lọc, phòng chống dịch vẫn đang được Hà Nội tích cực triển khai |
* Cả tuần qua Hà Nội ghi nhận 419 ca nhiễm mới SARS-CoV-2
Trong tuần từ ngày 9-15/8, Hà Nội đã ghi nhận 419 ca dương tính mới với SARS-CoV-2. Các hoạt động xét nghiệm sàng lọc, phòng chống dịch vẫn đang được Hà Nội tích cực triển khai.
Trong tuần từ ngày 9-15/8, Hà Nội đã ghi nhận 419 ca dương tính mới với SARS-CoV-2.
Cụ thể, trong tuần qua, ngày ghi nhận số ca nhiễm cao nhất là ngày 13/8 với 101 ca nhiễm mới. Trong 2 ngày gần đây, số ca có xu hướng giảm dần; cụ thể, ngày 14/8 ghi nhận 41 ca và ngày 15/8 ghi nhận 35 ca dương tính mới.
Trong các ca dương tính vừa qua, chủ yếu được phát hiện qua: Ho sốt thứ phát, qua sàng lọc ho sốt trong cộng đồng, phát hiện qua sàng lọc ở khu vực nguy cơ cao…
Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện xét nghiệm diện rộng, sàng lọc cho người nguy cơ cao, người sống trong khu vực nguy cơ nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cho khu vực nguy cơ cao, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 cho 300.000 người, trong đó có 186.000 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ và 114.000 mẫu là người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Từ ngày 9/8 đến nay, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã lấy được 313.010 mẫu để xét nghiệm, trong đó đã phát hiện 29 ca dương tính.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp, tận dụng tối đa “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội thực hiện xét nghiệm trên diện rộng đảm bảo an toàn kết hợp với các hoạt động xét nghiệm theo truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để F0, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã tham mưu với UBND thành phố thành lập 4 cơ sở thu dung người bệnh nhẹ, không có triệu chứng và giao cho 4 bệnh viên đa khoa của thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ về chuyên môn với tổng số 7.600 giường. Thời gian tới, tùy theo tình hình diễn biến dịch thành phố sẽ tiếp tục triển khai, kích hoạt cơ sở thu dung mới.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội cũng vừa ban hành phương án đáp ứng oxy y tế trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, phương án nhằm bố trí bảo đảm oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế, đồng thời sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện phương án, cần có sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong triển khai phương án; bảo đảm các điều kiện về năng lực tiếp nhận đưa vào sử dụng, dự trữ sẵn sàng oxy y tế và cập nhật năng lực cung ứng của các đơn vị sản xuất, cung cấp, vận chuyển khí oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế.
Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn đáp ứng tình huống 10.000 ca mắc COVID-19, giai đoạn đáp ứng tình huống 20.000 ca và giai đoạn đáp ứng tình huống 40.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Hà Nội đã và đang triển khai đồng loạt công tác tiêm chủng cho người dân trên toàn thành phố.
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính đến ngày 15/8, Hà Nội đã tiêm được 1,459,934 mũi trên số vaccine được phân bổ thực tế đến nay là 2,944,710 liều.
Để tăng tốc độ, diện bao phủ tiêm vaccine, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu, các đơn vị tiếp tục tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn căn cứ trên số lượng vaccine được Bộ Y tế cấp; đồng thời, ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng theo đúng quy định trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sở Y tế cũng yêu cầu đối với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần sẵn sàng bổ sung thêm các điểm tiêm chủng cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị... tùy theo tình hình dịch bệnh để đảm bảo tiến độ tiêm chủng. Các quận, huyện, thị xã để bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng nhưng phải bảo đảm an toàn.
Hương Diệp