(Mặt trận) - Đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực tại Hội thảo khoa học:“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật”.
Sáng 30/8, tại Hà Nội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật” nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Mặt trận và các tổ chức xã hội. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam; TS. Tạ Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học - UBTƯ MTTQ Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo còn có đại diện các ban, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể, đại diện MTTQ của các tỉnh: Bắc Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình, Hải Phòng...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, để đoàn kết, tăng cường đồng thuận xã hội, cốt lõi là phải phát huy dân chủ, đảm bảo hài hoà giữa các lợi ích. Các cơ chế, chính sách đều phải được thể chế bằng pháp luật. Muốn thực hiện được nhiệm vụ, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thì MTTQ phải tích cực tham gia xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, muốn tổ chức các cuộc vận động phát huy tinh thần yêu nước và tự quản, MTTQ Việt Nam phải tham gia phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Giám sát, phản biện xã hội để pháp luật được đúng đắn và thực thi, để hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện. Tham gia xây dựng pháp luật là để nắm chắc, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng thẳng thắn nêu một số hạn chế như: Việc tham gia góp ý của MTTQ Việt Nam chỉ tiến hành khi được cơ quan nhà nước yêu cầu. Nhiều nội dung góp ý chưa đề cập sâu đến những vấn đề lớn nhân dân quan tâm. Việc tổ chức lấy ý kiến, tạo cơ chế thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận và đông đảo tầng lớp nhân dân tiếp cận dự thảo văn bản, tham gia góp ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Những văn bản góp ý của UBTƯ MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên gửi đến các cơ quan hữu quan chủ trì soạn thảo còn mang tính hình thức...
Ở cấp tỉnh, ông Lê Đức Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng: Việc lấy ý kiến vào việc xây dựng các dự án luật còn rất hình thức. Thông qua kênh của Mặt trận, của Đoàn đại biểu Quốc hội, thời gian để các ngành tham gia góp ý kiến rất ngắn, và “trả bài” cũng rất khẩn trương, do vậy chất lượng không được như mong muốn. Do đó, tiếng nói của nhân dân thông qua Mặt trận đến với Quốc hội, đặc biệt là những Dự án luật vẫn còn ở mức độ nhất định.
Tại Hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị: Cần nâng cao nhận thức về vai trò của cơ chế thu hút sự tham gia đông đảo của các tổ chức, các giới khác nhau, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội... vào quy trình xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng của pháp luật ở các nước cũng như ở nước ta không thể tách rời việc thu hút thực chất sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật. Đó là quá trình làm cho pháp luật thực sự gần dân, của dân và vì dân, thể hiện đầy đủ ý nguyện của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, quá trình chuẩn bị nhận thức, sự hiểu biết về sự cần thiết và nội dung của văn bản quy phạm pháp luật cũng như các chủ thể có thẩm quyền và có trách nhiệm phản biện xã hội và góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải nâng cao nhận thức.
Để tăng cường chất lượng tham gia của các tổ chức đoàn thể trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu giải pháp: Đổi mới tổ chức bộ máy phù hợp chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tham mưu đề xuất, làm tốt công tác vận động thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, vận động, tập hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Coi trọng và đầu tư đúng mức cho công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu dự báo, xác định đúng vấn đề ưu tiên của phụ nữ để làm cơ sở cho việc tham gia công tác xây dựng pháp luật của các cấp Hội.
Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, ông Đinh Trường Sơn, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, MTTQ tỉnh Ninh Bình cho rằng: Cần nâng cao nhận thức của các cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong việc coi trọng sự tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên. Cần coi đây là một kênh quan trọng để thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân theo đúng tinh thần đổi mới của hiến pháp năm 2013 về sự tham gia của người dân vào công tác xây dựng và quản lý Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ông Sơn cũng cho rằng: Cần căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương, MTTQ các cấp cần lựa chọn được nội dung, vấn đề cần góp ý xây dựng chính quyền phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà nhân dân quan tâm. Cần tập trung nguồn lực để thực hiện công tác xây dựng pháp luật. Thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, lắng nghe các vấn đề mà các tầng lớp nhân dân quan tâm, phản ánh thông qua Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở từng cấp.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu cùng thống nhất khẳng định Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phải tích cực hơn nữa trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đưa ra 6 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, trong đó đặc biệt nhấn mạnh, đây là một kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Cần xây dựng cơ chế cụ thể để việc lấy ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ Việt Nam thực sự có hiệu quả với những hình thức và phương pháp khoa học. Phạm vi, hình thức tham gia tương xứng và phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác, với chủ trương thực hiện xã hội hoá hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, tránh tình trạng nhiều dự án, dự thảo chính sách, pháp luật sau khi được đưa ra các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thảo luận thì mới nhận được phản ứng từ phía dư luận xã hội.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực lưu ý, cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải sâu sát hơn với các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên để lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, của hội viên, đoàn viên đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước để có góp ý kịp thời.
Hải Nhi - Ảnh: Quốc Anh