Mặt trận sẽ đồng hành trong việc hoàn thiện cơ chế thực hiện kết luận thanh tra

(Mặt trận) - Chiều 19/7 tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam, do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về công khai kết luận thanh tra.

Chủ tịch nước Lương Cường: Toàn quân thực hiện nghiêm đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Cùng đi có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Về phía Bộ Tài Nguyên và Môi trường có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các cục, tổng cục cùng tham dự.

Đoàn giám sát Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Báo cáo việc thực hiện công khai khai kết luận thanh tra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, trong năm 2016 và quý I/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 40 đoàn thanh tra. Đối với thanh tra hành chính việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Bộ đã lập 4 đoàn thanh tra hành chính tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Cục Viễn thám Quốc gia; cùng các đơn vị trực thuộc. Qua thanh tra cho thấy, còn một số tồn tại như: chưa ban hành chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc kê khai tài sản, thu nhập chưa đúng hướng dẫn, chưa công khai Bản kê khai tài sản thu nhập… Bộ đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, 31 đoàn thanh tra chuyên ngành và 5 đoàn thanh tra đột xuất về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó, tiến hành thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước; việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông; lĩnh vực môi trường, xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép; lĩnh vực khoáng sản, khai thác khi giấy phép đã hết hạn hoặc không có giấy phép, khai thác vượt công suất cho phép khai thác hằng năm; lĩnh vực tài nguyên nước, không thực hiện xả dòng chảy tối thiểu xuống hạ du; không thực hiện quan trắc giám sát tài nguyên nước...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc.

Trong Quý I/2017, Bộ cũng đã tổ chức triển khai 4 đoàn thanh tra và 2 tổ giám sát đối với 2 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bình Thuận; 2 đoàn thanh tra hành chính đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt.

Bộ cũng đã ban hành 1.041 kết luận thanh tra, cụ thể: 7 kết luận về lĩnh vực đất đai; 960 kết luận về môi trường; 47 kết luận về lĩnh vực địa chất và khoáng sản; 6 kết luận về lĩnh vực tài nguyên nước; 21 kết luận về thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh, thanh tra chuyên đề và thanh tra hành chính. Đồng thời ban hành 422 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 103 tỷ 234 triệu đồng; số tiền truy thu nộp ngân sách nhà nước là 1 tỷ 020 triệu đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa báo cáo việc công khai kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, tất cả các kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều được công khai theo quy định của pháp luật. Về cơ bản đều được đối tượng thanh tra chấp hành nghiêm túc, khắc phục và báo cáo đầy đủ các tồn tại nêu tại kết luận thanh tra. Theo bà Hoa, giải pháp thực hiện công khai kết luận thanh của Bộ trong thời gian tới là phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt việc công khai kết luận thanh tra theo quy định và tăng cường hình thức công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư của ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục hoàn thiện đề án tăng cường năng lực hệ thống thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với việc lựa chọn hình thức công khai, hiện Bộ đã đăng kí trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các đơn vị liên ngành thực hiện việc thanh tra, 100% kết luận thanh tra được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Về vấn đề nộp phạt, nhiều doanh nghiệp thấy số tiền nộp phạt quá lớn nên các doanh nghiệp không thực hiện ngay hoặc một số địa phương hiện đang xây dựng chính sách nên chưa đáp ứng được. Hơn nữa, việc giám sát hình thức niêm yết kết luận thanh tra hiện nay rất khó vì tại các doanh nghiệp được thanh tra thì người dân không thể vào được để trực tiếp kiểm tra kết luận thanh tra.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Hiện nay, chưa có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với việc công khai kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chính vì vậy, ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị cần có quy chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với MTTQ khi công khai các kết luận thanh tra.

Theo ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm, MTTQ có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội và MTTQ cũng có vai trò quan trọng trong giám sát kết luận thanh tra đối với cơ quan hành chính. Thực tế hiện nay, khi công bố kết luận thanh tra nhưng để giám sát kết luận đó được thực hiện đến đâu còn khó khăn, chính vì vậy ông Trần Hồng Hà cho rằng, UBTƯ MTTQ Việt Nam chính là cơ quan thực hiện vai trò giám sát này. Từ đó, cần phải có quy định để khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong việc giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan chức năng và doanh nghiệp. “Với kết luận thanh tra đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa lên Cổng thông tin điện tử, cơ quan báo chí cũng đã rất nhanh nhạy khi khai thác nguồn thông tin này nhưng để người dân theo dõi được kết luận thanh tra đó rất khó khăn”, ông Trần Hồng Hà cho biết.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, mặc dù công tác thanh tra có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt nhưng năng lực tổ chức bộ máy còn nhiều hạn chế, khó khăn và bất cập vì ở cấp địa phương chỉ có 5-6 người làm công tác thanh tra, cấp huyện chỉ có một người và làm kiêm nhiệm nhiều việc. Chính vì vậy cần có sự tham gia của MTTQ và các tổ chức thành viên để cùng vào cuộc giám sát kết luận thanh tra.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng đoàn giám sát Trần Thanh Mẫn cho biết, trong những năm qua, công tác thanh tra được thực hiện có hiệu quả, nhất là sau khi có Luật Thanh tra năm 2010. Tuy nhiên, việc công khai kết luận thanh tra có lúc, có nơi thực hiện chưa tốt làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Trước thực tế trên, tại Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2016 và nhiêm vụ trọng tâm công tác năm 2017, hai cơ quan đã thống nhất nội dung phối hợp tăng cường giám sát việc công khai kết luận thanh tra nhằm phát huy vai trò đại diện của MTTQ Việt Nam trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần tăng cường kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. “Thông qua giám sát việc công khai kết luận thanh tra sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện pháp luật, thực hiện Nghị quyết TW4, khóa XII”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, ngày 31/3/2017, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 361/KH-MTTW-BTT về giám sát việc thực hiện công khai kết luận thanh tra. Theo đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành giám sát tại một số bộ và địa phương nhằm bước đầu đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện công khai kết luận thanh tra. “Căn cứ kết quả giám sát, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản gửi tới các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị, đề xuất những vấn đề nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về việc thực hiện công khai kết luận thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các thành viên của Mặt trận, nhân dân, các cơ quan truyền thông có thể tiếp cận đầy đủ thông tin phục vụ quá trình giám sát thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan nhà nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhiều lĩnh vực liên quan đến tài nguyên, đất đai, khoáng sản, môi trường... Những lĩnh vực này đều gắn liền với đời sống của người dân và chính người dân lại là những người phải là người trực tiếp bị ảnh hưởng.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Chính phủ có ban hành Nghị quyết liên tịch về Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Nghị quyết liên tịch về giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm và Nghị quyết liên tịch quy định về hình thức giám sát và phản biện xã hội. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc Mặt trận thực hiện hiệu quả các cuộc giám sát trong thời gian tới.

Đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn mà Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xử lý những vấn đề phát sinh về môi trường, biến đổi khí hậu. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, hiệu quả việc thực hiện kết luận của thanh tra chưa cao, vẫn chưa có sự vào cuộc quyết liệt, cụ thể, Bộ chưa ban hành được quy chế công khai kết luận thanh tra, những cơ chế, chính sách trong thực hiện kết luận thanh tra vẫn còn vướng.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục quan tâm sát sao hơn nữa các tới kết quả thanh tra, đồng thời việc công bố không chỉ dừng lại ở phần cơ học mà phải đảm bảo được sự truyền tải mạnh mẽ tới người dân. “Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nên quan tâm hơn nữa đến cơ chế hậu kiểm, chú trọng giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra. Cần phải phân loại ra sau hậu kiểm công khai những đối tượng nào chấp hành và chưa chấp hành theo kết luận thanh tra để từ đó đưa ra được những biện pháp xử lý cụ thể”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, trong thời gian tới, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp để góp phần công khai hóa các kết luận thanh tra. “Mặt trận sẽ đồng hành trong việc hoàn thiện cơ chế, chế tài trong việc thực hiện kết luận thanh tra”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, nếu kết luận thanh tra mà không được các cơ quan, đơn vị được thanh tra thực hiện thì báo chí cùng vào cuộc và tiếp tục đăng nhiều bài để tạo dư luận, tạo sự chuyển biến trong việc thực hiện kết luận thanh tra. “Báo chí cần tuyên truyền theo chiều sâu, chiều rộng thì đối tượng thực thi phải chấp hành theo luật pháp.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.