(Mặt trận) - Ngày 4/7, tại Nghệ An, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2018. Hội nghị nhằm đánh giá công tác Mặt trận trong 6 tháng đầu năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2018 và tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung cơ bản chuẩn bị tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX nhiệm, kỳ 2019-2024.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực cùng các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, tổ chức hoạt động
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn vui mừng chào đón các đại biểu về tham dự Hội nghị, đồng thời đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và kết quả hoạt động của Mặt trận các cấp trong 6 tháng đầu năm 2018.
“6 tháng đầu năm 2018, MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đề ra, nhiều nơi đã có những cách làm đổi mới, sáng tạo. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã thực sự thể hiện sự tâm huyết, quyết tâm, của người đứng đầu, giúp cho công tác Mặt trận đạt được nhiều kết quả nổi bật, thiết thực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương và đất nước.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, điều Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn còn trăn trở khi hiện nay, một số nơi chưa thực sự thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế về hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; công tác lắng nghe, nắm bắt tình hình nhân dân và việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh từ cơ sở.
Chính vì vậy, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị đại biểu tham dự Hội nghị cần tích cực thảo luận, thẳng thắn đưa ra những vướng mắc, khó khăn khi triển khai công tác Mặt trận tại cơ sở, cho ý kiến vào các nội dung cơ bản chuẩn bị tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là các nội dung, quy trình hết sức quan trọng, là tiền đề trong việc triển khai các hoạt động tiếp theo, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng các văn bản trình Đại hội các cấp. Báo cáo chính trị trình Đại hội các cấp phải xác định được rõ đâu là kết quả cơ bản, thành tích nổi bật; phải đánh giá được mặt được, chưa được, bài học kinh nghiệm; phải chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt là khắc phục hạn chế thời gian qua, đề ra Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam các cấp trong nhiệm kỳ 2019-2024 có điểm gì mới, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
“Làm thế nào để giai đoạn tới, Mặt trận phải thực sự thể hiện rõ vai trò tập hợp, mở rộng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, tổ chức hoạt động, hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ.
Tạo bước chuyển biến tích cực, hiệu quả từ Trung ương tới cơ sở
Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo Kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2018, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2018 được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên nỗ lực triển khai, xác định rõ trọng tâm, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, trong đó nhiều nội dung có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả từ Trung ương tới cơ sở.
Theo đó, Mặt trận các cấp chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chương trình, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Chỉ thị số 17 ngày 4/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Ðại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Ðại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024; nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trong cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Việc tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước đảm bảo theo định kỳ, chất lượng được nâng lên. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trình bày tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV nhận được sự quan tâm và đánh giá tích cực của đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân.
Các phong trào thi đua, các cuộc vận động tiếp tục được duy trì và triển khai sâu rộng, hướng vào lợi ích thiết thực với đời sống nhân dân. Việc vận động hỗ trợ người nghèo tiếp tục có những cách làm sáng tạo, thu hút được sự ủng hộ của xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động, hỗ trợ đoàn viên, hội viên và các hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã giúp đỡ xây mới 4.837 căn nhà Đại đoàn kết; sửa chữa 1.905 căn nhà cho người nghèo.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do bão lũ. Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai…), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kịp thời gửi điện thăm hỏi; tiến hành kiểm tra tình hình, thăm các gia đình, trao tiền hỗ trợ cho 2 tỉnh Hà Giang và Lai Châu mỗi tỉnh 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ.
Công tác giám sát ngày càng nề nếp, bài bản, rõ quy trình, nội dung gắn kết chặt chẽ với những vấn đề đặt ra ở địa phương và người dân quan tâm, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Công tác phản biện xã hội được tổ chức sâu rộng và chất lượng hơn. Mặt trận các cấp đã phối hợp giám sát, xử lý và giải quyết dứt điểm đơn thư của một số trường hợp cụ thể. Trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức được 976 cuộc phản biện xã hội; tiến hành 4.140 đoàn giám sát.
“Những kết quả tích cực đạt được trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên 6 tháng đầu năm 2018 đã góp phần khích lệ, động viên, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức trong các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đặc biệt là những kết quả nổi bật trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã trình bày Đề cương Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, Hướng dẫn xây dựng Báo cáo chính trị của Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh trình bày tờ trình về dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi).
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng: Những người làm công tác Mặt trận ở Nghệ An có cách làm rất khác, nhất là trong thời gian gần đây, cấp ủy tỉnh Nghệ An đã giao cho Mặt trận đứng ra chủ trì, tổ chức các chương trình đối thoại giữa Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã với nhân dân 6 tháng một lần. Thông qua đối thoại, người đứng đầu các cấp đã lắng nghe nhân dân, giải quyết những khúc mắc của nhân dân. “Niềm tin của nhân dân có được củng cố hay không, trước tiên và rất quan trọng là phải từ cơ sở. Và với vai trò của mình, Mặt trận đã tập hợp được nhân dân thông qua những buổi đối thoại và uy tín sẽ càng tăng lên.”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng khẳng định, những người làm công tác Mặt trận ở Nghệ An rất tích cực và có phương pháp rất riêng mà không phải tổ chức hay đoàn thể nào cũng làm được. Điển hình như vấn đề tôn giáo, hệ thống chính trị có nhiều lực lượng, người tham gia nhưng Mặt trận chọn được cách tiếp cận của mình, đối tượng của mình thông qua việc vào gặp gỡ, trao đổi với các chức sắc tôn giáo, chức việc và giáo dân để nghe những tâm tư của họ, đối thoại để tháo gỡ, dễ giải quyết hơn. Đồng thời, hệ thống cán bộ Mặt trận ở cơ sở, đặc biệt là các vị Trưởng Ban CTMT là những nhân tố tích cực, được nhân dân tin tưởng, phát huy tốt, rất quan trọng, có vị trí trong nhân dân với hai mô hình Bí thư kiêm Xóm trưởng, hoặc Bí thư kiêm Trưởng Ban CTMT.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn chỉ ra những điểm nổi bật, những hạn chế của công tác Mặt trận trong 6 tháng đầu năm 2018, và những trọng tâm trong triển khai công tác Mặt trận 6 tháng cuối năm 2018. Đồng thời tập trung thảo luận xung quanh Dự thảo Hướng dẫn xây dựng Báo cáo chính trị của Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp; Đề cương Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX; Tờ trình về dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi).
Tiếp thu 14 ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, Đoàn Chủ tọa Hội nghị sẽ tiếp thu những ý kiến tại Hội nghị để trình Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vào ngày 5/7/2018.
Hương Diệp - Ảnh: Quang Vinh