Mặt trận phải là nơi nhân dân tin tưởng phản ánh cán bộ có biểu hiện tham nhũng, suy thoái

(Mặt trận) - Phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ 8 (khóa VIII) ngày 5/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, MTTQ phải là nơi mọi người dân có thể phản ánh, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, nhũng nhiễu nhân dân.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng nhìn nhận, MTTQ đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân thông, nhân dân hiểu và tích cực thực hiện, để chính sách đi vào cuộc sống. “Tôi thường sinh hoạt ở cơ sở, dù ở cương vị gì thì tôi thấy rất rõ vai trò cán bộ Mặt trận ở cơ sở, phát huy rất tốt. Các đồng chí nói là dân tin, dân nghe”, Thủ tướng chia sẻ.

MTTQ đã lắng nghe, tập hợp những kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh tới Đảng, Nhà nước để chúng ta thực hiện phương châm xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân với các con số như MTTQ cấp tỉnh đã có 2.578 báo cáo tổng hợp từ 113.241 ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh tới các cơ quan Đảng, Nhà nước mà “kiến nghị lớn phải tập trung giải quyết thì mới yên lòng dân”.

“MTTQ cũng như Chính phủ đều lo cho dân, cùng mục tiêu vì dân, mà vì dân thì phải làm cái gì thiết thực cho người dân. Giám sát là việc cần thiết để xây dựng hệ thống chúng ta tốt hơn để lo cho dân”, Thủ tướng nói và thay mặt Chính phủ, đánh giá cao, trân trọng cảm ơn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và MTTQ các cấp đã luôn đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng hoa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phấn khởi về kết quả năm 2017, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 với 9 nhóm giải pháp và 242 nhiệm vụ cụ thể. Chính phủ cũng xác định chính sách, pháp luật phục vụ nhân dân, đưa đất nước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai lại phía sau trong quá trình phát triển của đất nước mà đặc biệt là không để xảy ra tình trạng nghèo cùng cực. Khắc phục bệnh quan liêu, xa dân, sớm xử lý, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, phải làm cho cán bộ cơ sở, cán bộ các cấp phải nóng ruột vì dân, lo lắng cho dân. Khắc phục một bước các mặt trái của kinh tế thị trường như phân hóa giàu nghèo, khủng hoảng theo chu kỳ ảnh hưởng đến xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng là tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp đề ra. Người dân ủng hộ thì mới làm tốt được nhiệm vụ, do đó việc vận động quần chúng nhân dân của MTTQ rất quan trọng.

Gợi ý một số nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh diễn biến khó lường của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, trước những yêu cầu mới về xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, sự chống phá của các thế lực thù địch, nên việc củng cố niềm tin cho nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng đề nghị MTTQ tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận và thống nhất cao về tư tưởng, hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

MTTQ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò quan trọng trong việc lan tỏa, tăng cường sự quyết tâm, đoàn kết nhất trí cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2018.

Từ niềm tin đó, chúng ta tiếp tục khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền về người tốt, việc tốt, cách làm tốt, chú trọng đổi mới, sáng tạo gắn với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng ta phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị nhân văn, văn minh, tiến bộ; đấu tranh chống lại lối sống chạy theo đồng tiền, tệ nạn xã hội, những hành vi phi văn hóa, phản văn hóa như: “Lợn 2 chuồng, rau 2 luống”, bơm tạp chất vào thủy sản…

Đi liền với đó là làm tốt công tác an sinh xã hội, tăng cường công tác bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đây là việc mới, việc khó nên cần lựa chọn các vấn đề lớn mà đông đảo nhân dân quan tâm, vấn đề bức xúc để phối hợp giám sát.

Ngoài các nội dung giám sát năm 2017, Thủ tướng đề nghị MTTQ chú ý các nội dung như: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ hành chính công, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo… "Chúng ta có một đảng lãnh đạo, không có giám sát, không có phản biện sẽ thành một đảng không đi vào lòng dân. Cho nên vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc giám sát, phản biện xã hội là rất quan trọng. Chính phủ luôn nghe ý kiến của Mặt trận.", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng cho rằng, MTTQ phải là nơi mọi người dân có thể phản ánh, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, nhũng nhiễu nhân dân. Cầm trên tay văn bản về Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ ủng hộ hoàn toàn chương trình này. "Mặt trận phải là nơi để mọi người dân có thể phản ánh, tố giác mọi biểu hiện suy thoái đạo đức. Đồng thời, Mặt trận phải đóng góp vào việc khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, loại bỏ những băng nhóm 'xã hội đen', kiên quyết trừng trị việc đó để người dân yên tâm", Thủ tướng gợi mở.

Thủ tướng đề nghị phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở. “Những cơ chế nào ràng buộc kinh tế - xã hội không phát triển, những hành động, chỉ đạo nào trái pháp luật, không theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quý vị có thể nói, có thể nêu”, Thủ tướng bày tỏ và đề nghị MTTQ bám sát nhiệm vụ kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương để đề xuất các chương trình, các mục tiêu phối hợp thiết thực.

Để phối hợp tốt, hiệu quả cao, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo phối hợp và tạo điều kiện cho MTTQ phát huy vai trò của mình.