Mặt trận phải đấu tranh mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng

(Mặt trận) - “Hệ thống Mặt trận các cấp phải vào cuộc trong vận động toàn dân thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Mặt trận phải đấu tranh mạnh mẽ trong công tác này, thấy cái đúng thì phải bảo vệ, thấy cái sai thì phải đấu tranh”. Đó là đề nghị của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng”, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng 18/12 tại Hà Nội.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Tham dự Hội thảo còn có các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, Ngô Sách Thực cùng đại biểu các ban, ngành ở Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN được Đảng, Nhà nước, MTTQ triển khai mạnh mẽ, rộng khắp từ Trung ương đến địa phương. Nhiều Nghị quyết, Văn bản pháp luật về đấu tranh PCTN được ban hành, bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, được đông đảo cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử…

“Tuy nhiên, cuộc đấu tranh PCTN bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của nhân dân. Vì vậy, PCTN là nhiệm vụ sống còn không riêng một ngành nào, một cơ quan nào mà là của toàn xã hội, trong đó có MTTQ Việt Nam.” Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng việc việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCTN bước đầu đạt được những kết quả nhất định, nhưng nhìn chung hiệu quả còn chưa cao. Sự phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác PCTN còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

“Đặc biệt hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng của MTTQ Việt Nam nói riêng chưa đầy đủ, hoàn thiện. Những quy định về giám sát của Mặt trận mới chủ yếu là những quy định có tính chất chung và chủ yếu quy định quyền năng giám sát, chưa có những quy định cụ thể và đầy đủ về trách nhiệm”. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Ngô Sách Thực, để đẩy mạnh hiệu quả công tác đấu tranh PCTN của Mặt trận, cần làm rõ tiếng nói của MTTQ nên thế nào khi có vụ việc tham nhũng mà dư luận, nhân dân quan tâm. Bên cạnh đó, làm gì để phát huy sự vào cuộc của người dân tham gia PCTN; cơ chế tiếp nhận ý kiến phản ánh trực tiếp của người dân, bảo vệ người tố cáo tham nhũng nên như thế nào, cơ chế phối hợp giữa MTTQ với các lực lượng PCTN ra sao...

 “Đặc biệt, cần phát huy cơ chế giám sát xã hội, giám sát của nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên tại khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, dấu hiệu thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh”. Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Đặt vấn đề về việc phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên để động viên nhân dân tham gia cung cấp thông tin, tố cáo hành vi tham nhũng, ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ Pháp luật cho rằng, khâu này còn yếu. Thực tế cơ chế để đoàn viên, hội viên phản ánh, tố cáo tham nhũng cũng còn thiếu nhiều. Hiện nay dân rất ngại tố cáo, vì sợ “trù úm”, sợ ảnh hưởng đến việc học tập, làm ăn của gia đình, người thân. Từ đó, ông Thường đề nghị cần tìm ra hình thức nào để động viên nhân dân tố cáo tham nhũng qua việc tổ chức hội nghị công khai để nhân dân tố cáo hành vi tham nhũng. “Phải có cơ chế để vận động nhân dân PCTN, nếu không có cơ chế thì không thể làm được. Phải làm thế nào để phát động được nhân dân phản ánh, tố cáo tham nhũng.”, ông Thường đề nghị.

Ông Ngô Đức Hòa, Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương đề nghị Mặt trận cần có tiếng nói độc lập của mình trong công tác PCTN. Mặt trận cần tập trung giám sát có hiệu quả những vấn đề lớn, các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, giám sát các dự án thua lỗ, những lĩnh vực cán bộ có biểu hiện bất minh.

Theo ông Hòa, để công tác PCTN đạt hiệu quả, phải vận hành tốt các cơ chế phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tăng sức mạnh của Mặt trận. Nhất là trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, Mặt trận nên nắm chắc tình hình, chủ trì phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với người dân, đồng thời giám sát các cuộc đối thoại đó. “Mặt trận có thể giám sát đối với các lực lượng PCTN như báo chí, luật sư, thanh tra, kiểm toán… để vừa bảo vệ họ, vừa để ngăn ngừa tham nhũng”. Ông Hòa đề xuất.

Đề cập đến việc báo chí đã tích cực đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, thời gian tới, để phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần có những giải pháp kịp thời và thiết thực, như thống nhất một cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trách nhiệm, hợp lý... cho các cơ quan báo chí, bảo đảm tính công khai và phát huy vai trò của báo chí tham gia giám sát; chú trọng đào tạo chuyên môn, chuyên sâu cho các nhà báo; cần có cơ chế cho báo chí theo dõi quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân.

“Tạo hành lang pháp lý an toàn cho nhà báo viết về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện cho báo chí hành nghề một cách thuận lợi, hiệu quả và an toàn và có các hình thức khen thưởng xứng đáng với nhà báo có thành tích viết về phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh

PGS.TS. Ngô Huy Cương, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội nhận định, tham nhũng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Chính vì vậy, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, phải có những giải pháp mạnh, công minh với những chế tài đủ nghiêm. Bên cạnh đó phải bảo vệ, khen thưởng xứng mới khuyến khích được người dân tố cáo tham nhũng. “Nếu chỉ dồn hết việc PCTN lên cơ quan có thẩm quyền, sẽ gây ùn tắc. Sự vào cuộc hiệu quả nhất trong PCTN chính là từ nhân dân, báo chí”. PGS.TS. Ngô Huy Cương đề xuất.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền bày tỏ, kết quả của công tác PCTN chưa tương xứng với tình hình thực tế. Một trong những hạn chế đó là có quá nhiều kẽ hở trong quản lý nhà nước về PCTN, thiếu thiết chế để phát hiện, điều tra tham nhũng, thiếu thiết chế kiểm soát quyền lực…

Ông Quyền đề nghị MTTQ Việt Nam phải giám sát các kết luận thanh tra, kết luận điều tra qua việc yêu cầu các kết luận phải được gửi đến MTTQ Việt Nam để từ đó công khai giám sát. Đối với những vụ việc, những vấn đề bức xúc mà cơ quan thẩm quyền còn né tránh thì Mặt trận phải truy đến cùng và có địa chỉ trách nhiệm cụ thể. “Bất kỳ vấn đề bức xúc nào mà cơ quan có thẩm quyền không vào cuộc thì Mặt trận phải cùng báo chí tạo ra công luận xã hội, tạo ra sức ép để các cơ quan này phải vào cuộc”. Ông Quyền kiến nghị.

Ở một góc nhìn khác, GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu - Chủ nhiệm HĐTV Khoa học - Giáo dục và Môi trường cho rằng, trong phòng, chống tham nhũng thì công tác cán bộ là vô cùng quan trọng. “Cán bộ Mặt trận phải hết sức gương mẫu, có quyết tâm, đủ dũng cảm chống tham nhũng, không né tránh, bao che. Cán bộ Mặt trận các cấp phải sát dân để nhân dân tin tưởng, phản ánh trung thực mọi phát hiện của nhân dân đến các cấp có trách nhiệm”. GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, phải làm sao để chống tham nhũng thành phong trào. “Phong trào là thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy cái sai phải đấu tranh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy vai trò, khơi dậy phong trào đấu tranh chống tiêu cực.”, bà Ngà nói.

Góp ý vào nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Ngà cho rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung phát hiện những vụ việc nhũng nhiễu ở cơ sở, đơn vị, vì việc mất niềm tin của nhân dân không phải chỉ ở những vụ việc lớn mà những vụ việc diễn ra ở địa phương, ở cơ sở.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Hội thảo thể hiện quyết tâm của Mặt trận, đề ra những giải pháp căn cơ để tới đây Mặt trận và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị trong thời gian tới, phải tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đó nhấn mạnh vào công tác phòng ngừa tham nhũng là chính, bởi nếu làm tốt công tác này thì hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở địa phương, nhất là hệ thống Mặt trận các cấp phải gương mẫu để không xảy ra các vụ việc tham nhũng, lãng phí.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, phát huy khả năng phối hợp của Ủy ban MTTQ với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, các tổ chức thành viên và các hội đồng tư vấn của các Ủy ban MTTQ để từ đó mạnh mẽ, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. “Hệ thống Mặt trận các cấp phải vào cuộc trong vận động toàn dân thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Mặt trận phải đấu tranh mạnh mẽ với công tác này, thấy cái đúng thì phải bảo vệ, thấy cái sai thì phải đấu tranh”. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, sắp tới Mặt trận sẽ thành lập một ban hoặc tổ công tác về phòng, chống tham nhũng, lãng phí để theo dõi công tác phòng chống tham nhũng tại cơ quan MTTQ và trong toàn hệ thống, đồng thời phối hợp với cơ quan, đơn vị khác trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Mặt trận sẽ tập trung xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát và phản biện xã hội năm 2018 với những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời ban hành quy trình xử lý phản ánh thông tin hàng tuần, nghiên cứu sửa đổi Thông tri về quy định tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của MTTQ Việt Nam các cấp.

Trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý, các đề xuất tại Hội thảo, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp đưa vào chương trình hành động của Mặt trận để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, từ đó  phát huy cao nhất vai trò, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác đấu trang phòng, chống tham nhũng.