Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sỹ cấp Quốc gia tại Thành Cổ Quảng Trị

(Mặt trận) - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), tối 24/7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Tỉnh Quảng Trị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sỹ cấp Quốc gia tại Thành Cổ Quảng Trị.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Phút mặc niệm các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập Tổ quốc. Ảnh: Báo Nhân dân 

Tham dự chương trình có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, người có công, thân nhân gia đình liệt sĩ và đông đảo người dân.

 
Các đồng chí lãnh đạo tiến hành lễ dâng hương, tưởng niệm tại Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị 

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, đã thành truyền thống hằng năm, vào dịp 27/7, tuổi trẻ cả nước lại dành những tình cảm, hành động thiết thực để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng. Đó là tình cảm, đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” mà tuổi trẻ hôm nay mãi mãi luôn khắc ghi.

Năm nay, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ; 50 năm sự kiện 81 ngày đêm (28/6-16/9/1972) chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Lễ thắp nến tri ân Anh hùng, liệt sĩ cấp quốc gia tổ chức tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, nơi được xem như nghĩa trang không có nấm mồ; nơi các anh, các chị đã ngã xuống, máu xương của họ đã hòa chung với cỏ cây của Thành cổ. Sự hy sinh của các anh chị là biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; là nguồn động viên, cổ vũ đồng chí, đồng bào, đoàn viên thanh niên tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến thần kỳ, vĩ đại để bảo vệ Tổ quốc.

Bằng cuộc đời mình, các Anh hùng, liệt sĩ đã viết lên những trang vàng đẹp nhất trong truyền thống giữ nước của tuổi trẻ Việt Nam và trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Võ Văn Thưởng thắp hương tri ân tại Tượng đài chính của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. 

Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay được sinh ra, lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh, được sống trong hòa bình, đổi mới và phát triển từng ngày với những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Càng tự hào bao nhiêu, tuổi trẻ Việt Nam càng hiểu sâu sắc và trân trọng bấy nhiêu giá trị của hòa bình, càng biết ơn biết bao sự hy sinh của các Anh hùng, liệt sĩ, sự mất mát của biết bao thương, bệnh binh trong những năm tháng chiến tranh bão lửa. Biết bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiễn con đi nhưng không có lần gặp lại.

Trân trọng lịch sử, tiếp nối truyền thống cách mạng là nền tảng cơ bản và quan trọng của dân tộc để thế hệ trẻ hôm nay vững tin tiếp bước trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Tại buổi lễ có 30 gia đình chính sách tiêu biểu ở thị xã Quảng Trị được tặng quà tri ân.

Đại biểu tham dự chương trình nghệ thuật 

* Ngay sau Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sỹ cấp Quốc gia tại Thành Cổ Quảng Trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và lãnh đạo địa phương đã tham dự chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình”.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu khai mạc Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình”. 

Phát biểu khai mạc chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, trong giờ phút thiêng liêng này, mỗi chúng ta hãy lắng đọng tưởng nhớ, dành sự tri ân sâu sắc đến các thế hệ đi trước, các Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Mỗi một phút giây bình yên trong cuộc sống, mỗi một thành quả trong sự nghiệp phát triển đất nước có được hôm nay đều xuất phát từ những hy sinh cao cả đó. Đó là nền độc lập, hòa bình mà hàng triệu con người Việt Nam đã hy sinh, đánh đổi bằng cả máu xương. Đã có 1,2 triệu chiến sĩ vĩnh viễn ra đi, trong đó có gần 200 nghìn liệt sĩ chưa thể tìm thấy hài cốt, gần 300 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa thể xác định được danh tính, hàng triệu thương binh, bệnh binh vẫn còn mang trên mình thương tích; hàng triệu gia đình chịu nỗi đau mất mát người thân.

Đồng chí Trương Thị Mai chia sẻ, ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa, vẫn tiếp tục có những tấm gương hy sinh quên mình để mang lại bình an cho cuộc sống nhân dân, để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mãi mãi chúng ta không bao giờ quên sự hy sinh to lớn đó và mỗi một việc làm hôm nay đều phải trả lời mình đã sống xứng đáng với thế hệ đi trước.

Tại đây, 50 năm trước đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trong trận chiến đó, thị xã Quảng Trị với diện tích chưa đầy 3km2 đã phải gánh chịu hơn 300 nghìn tấn bom đạn. Biết bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc ở tuổi mười tám, đôi mươi đã gác lại ước mơ, hoài bão theo tiếng gọi thiêng liêng đã ngã xuống giành lấy từng mét vuông đất cho Tổ quốc. Hôm nay, nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị có gần 60 nghìn liệt sĩ ở 72 nghĩa trang.

Tại bến sông Thạch Hãn này, chúng ta cũng không khỏi bùi ngùi xúc động khi nghe lại những câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương tri ân đồng đội:

“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”…

“Khi người lính lặng im tan vào đất

Là cuộc đời chảy mãi những dòng sông

Ôi dòng sông mang phù sa người lính

Tươi mát bãi bồi xanh ngát nương dâu".

(Dòng sông hoa đỏ" - Nguyễn Hữu Quý, Võ Thế Hùng).

"81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành bất tử. Sau chiến tranh Quảng Trị đã vươn lên mạnh mẽ, đã hồi sinh có nhiều kết quả rất đáng trân trọng tích cực. Đồng chí chúc mừng tỉnh Quảng Trị đã đạt những kết quả, thành tích trong nhiều năm qua, chúc cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt hơn, nhất là cuộc sống của người có công.", đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây”. Hằng năm ngày 27/7 trở thành ngày tri ân Thương binh-Liệt sĩ. 75 năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được ban hành. Chính sách người có công cách mạng là chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước và xã hội. Nhiều hoạt động thiết thực của các cấp ủy, tổ chức Đảng, mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội, cá nhân đã hỗ trợ, giúp đỡ cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với đất nước, mang lại tình cảm ấm áp, sự sẻ chia, lòng biết ơn, góp phần phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần yêu nước, nghĩa đồng bào. Những hoạt động tri ân người có công của tuổi trẻ đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp được Đảng, Nhà nước, xã hội, người có công ghi nhận, đánh giá cao.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước nhiều năm qua đã luôn quan tâm giữ gìn bồi đắp, tiếp nối truyền thống thế hệ đi trước. Nhiều hoạt động tri ân người có công của tuổi trẻ để lại tình cảm tốt đẹp được Đảng, nhà nước, xã hội và người có công ghi nhận, đánh giá cao. Khát vọng tuổi trẻ ngày nay là tiếp bước cha anh xây dựng đất nước giàu mạnh phồn vinh.

Chương trình được tổ chức tại Quảng trường Giải phóng kết nối với không gian sân khấu Tháp chuông Thành cổ Quảng Trị, Bến thả hoa sông Thạch Hãn. Chương trình diễn ra với 3 chương chính gồm: Máu và hoa; Máu và hòa bình; Khúc thanh ca. Thông qua các tiết mục hát, múa, lời bình nghệ thuật; đồ họa màn hình và phóng sự tài liệu chương trình đã làm sống dậy một thời kỳ lịch sử rất đỗi hào hùng của dân tộc ta. 

Với hình tượng chủ đạo xuyên suốt là “Dòng sông ước vọng”, chương trình đã dẫn dắt cảm xúc người xem ở các cung bậc cảm xúc khác nhau như: Hình ảnh dòng sông năm xưa chở những ước mơ hoài bão của thế hệ cha ông đang tuổi đôi mươi sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Các anh đã ngã xuống trên mảnh đất này, dùng giọt máu đào đỏ tươi để viết nên những khúc tráng ca bất tử cho ngày độc lập, tự do của đất nước. Dòng sông hôm nay chở những khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân tộc và ước vọng hòa bình cho toàn nhân loại không còn chia lìa, mất mát khổ đau.

Điều này được thể hiện bởi “màu hòa bình” mang đậm khí phách “hồn cốt” của người Việt Nam trong gian khổ hy sinh, mất mát nhưng vẫn kiên cường đoàn kết chung tay xây dựng cuộc sống mới trên những chiến trường ác liệt năm xưa. Khát vọng hòa bình hôm nay của một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát được thể hiện qua hình ảnh của sức trẻ dựng xây quê hương làm theo lời Bác Hồ kính yêu. Tất cả đã được thể hiện ở dòng sông linh thiêng với mạch chảy của sự sống, sinh sôi, đổi thay đã kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai trong một “Khát vọng hòa bình” xuyên suốt.

Chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh những chiến công bất tử, Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cha ông ta. Qua đó đưa khán giả cùng nhau ngược dòng thời gian chiêm nghiệm về quá khứ để trân trọng giá trị của hòa bình trên mảnh đất thiêng Quảng Trị ngày hôm nay. Chương trình cũng góp phần truyền tải thông điệp hòa bình đến người dân trong nước và quốc tế.