Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV: Tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Sáng 17/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung. Ảnh: Lâm Hiển

Bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra

Theo đa số ĐBQH, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 120/2019/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến kết quả triển khai tổ chức thực hiện Chương trình. Do đó, nhiều ý kiến đồng tình việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình; cho rằng, đây là  điều cần thiết và cấp bách để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra - một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất điều chỉnh, bổ sung: “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành”; cho rằng, việc điều chỉnh chủ trương không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.

Tuy nhiên, ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) đề nghị, trong chủ trương đầu tư cần ghi rõ số vốn từng nguồn như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hoặc xây dựng nông thôn mới… nhằm bảo đảm tính chất pháp lý, sự thống nhất, chặt chẽ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Cần bổ sung cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào diện đầu tư của chương trình

Về điều chỉnh về đối tượng thuộc diện đầu tư của chương trình, Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh làm rõ hơn đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư của Chương trình có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: "Một số đơn vị sự nghiệp công lập là trường dự bị đại học, đại học, trường chuyên biệt; các trường phổ thông dân tộc nội trú; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà miền núi".

Tán thành với đề xuất này song ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị, cần rà soát đối với một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện đa khoa của huyện có một số xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để không trùng lắp với nội dung của các chương trình như một số trung tâm y tế, bệnh viện huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được đầu tư theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho rằng, các trường trung cấp, cao đẳng… của huyện tại các tỉnh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có chức năng tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Việc học tại các cơ sở giáo dục của tỉnh giúp các em đi lại thuận tiện, giảm bớt gánh nặng về kinh tế, bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Ngân sách địa phương còn khó khăn, hầu hết đều nhận từ Trung ương nên nguồn đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi các cơ sở giáo dục này còn là đối tượng thực hiện Tiểu dự án 3 của dự án 5, thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhưng chỉ vì địa điểm của các cơ sở đào tạo này không thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên cũng không thuộc đối tượng thụ hưởng các chính sách của chương trình.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị Chính phủ bổ sung đối tượng này vào danh mục, tạo điều kiện để địa phương thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ của chương trình.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, giao Chính phủ chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh, ban hành danh mục đầu tư cụ thể, bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả, mục tiêu chương trình và không làm thay đổi tổng mức vốn của chương trình mà Quốc hội phê duyệt.

Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền triệt để và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện. Chỉ đạo rà soát kỹ 4 nhóm đối tượng, bảo đảm sự thống nhất của các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm nguyên tắc đã được Quốc hội quyết định, không để bỏ sót đối tượng nhằm phát huy đóng góp của người dân, doanh nghiệp có hoạt động ở địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi…