Khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ việc làm cho người được đặc xá

(Mặt trận) - Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Đặc xá, Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã bày tỏ quan điểm về 2 dự án luật trên.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi họp tổ, phiên họp ngày 29/5 của Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Cảnh sát biển Việt Nam tương đương với cấp nào?

Cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN), bày tỏ quan điểm đồng tình về sự cần thiết ban hành luật, cũng như các quan điểm trong việc xây dựng Luật CSBVN, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là một bước quan trọng trong việc thể chế hóa các chủ trương, quan điểm, chỉ đạo tại các văn kiện của Đảng như: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là định hướng xây dựng Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo về việc xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Dân quân tự vệ biển vững mạnh làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và bảo vệ tài nguyên biển.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, về cơ bản dự án luật cho ý kiến lần này đã hoàn thiện tốt, tiếp thu các ý kiến và có rà soát pháp luật hiện hành để so sánh đối chiếu cho phù hợp. 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Điều 4 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CSBVN, đã bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của CSBVN là phù hợp. Tuy nhiên, “cần phải xác định rõ ngay trong Luật CSBVN tương đương với cấp nào? để thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này cho cụ thể. Hay Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị rà soát tránh quy định trùng lặp với các nội dung đã được quy định trong các luật khác có liên quan đã quy định.”

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị rà soát Điều 10 về quyền hạn của CSBVN để tránh chồng chéo về quyền hạn của các lực lượng khác cùng tuần tra, kiểm soát trên một vùng biển. “Ví dụ Cảnh sát biển trùng lặp với Hải quân, Bộ đội Biên phòng về chức năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; Cảnh sát biển với Công an nhân dân, Biên phòng về chức năng quản lý về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên biển” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đưa ra phân tích.

Về khoản 4 Điều 16 Dự thảo Luật ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 điều này về huy động người, phương tiện và trang thiết bị kỹ thuật dân sự của tổ chức, cá nhân Việt Nam trong tình thế cấp thiết, tuy nhiên dự thảo luật chưa có quy định các nội dung cần thiết như về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục huy động. Từ đó,  Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, để có điều kiện để Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 16, Dự thảo Luật cần rõ thêm một bước làm cơ sở để Chính phủ hướng dẫn phù hợp.

Đề cao tiêu chuẩn đề nghị xét đặc xá

Đóng góp ý kiến về Dự án Luật Đặc xá sửa đổi, người đứng đầu MTTQ Việt Nam bày tỏ quan điểm đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật Đặc xá bởi luật đã trải qua 10 năm thi hành, Chủ tịch nước cũng 7 lần ban hành Quyết định về đặc xá tha tù nhân các ngày lễ lớn. 

Nhấn mạnh, điều này đã có những tác động to lớn đối với xã hội, Chủ tịch MTTQ Việt Nam cho rằng, đây là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt để hoàn lương; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân và mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc.

Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thi hành luật, đã nổi lên những bất cập cần sửa đổi luật, đặc biệt là phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, lần sửa này cần bảo đảm tư tưởng chủ đạo là nhằm đề cao tiêu chuẩn đề nghị xét đặc xá; quy định cụ thể, minh bạch và chặt chẽ hơn về thủ tục, trình tự, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, thể hiện đúng bản chất đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù.

Từ luận điểm trên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị: Ban soạn thảo cần xác định rõ nguyên tắc sửa đổi luật trên cơ sở bảo đảm công tác đặc xá thể hiện ý nghĩa nhân đạo đặc biệt trong những sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn hoặc trường hợp đặc biệt của đất nước do Chủ tịch nước quyết định. 

“Qua nghiên cứu, tôi thấy khoản 1 Điều 10 dự thảo quy định khá nhiều điều kiện được đề nghị đặc xá. Tuy nhiên, qua rà soát thấy khá nhiều điểm trùng với Điều 66 của Bộ luật Hình sự về điều kiện tha tù trước thời hạn. Đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc thêm. Hiện nay, thực hiện chính sách khoan hồng được áp dụng đồng thời ở nhiều luật; nhưng quan điểm đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt, do đó nên nghiên cứu sửa đổi theo hướng về đối tượng, điều kiện cần bảo đảm sự chặt chẽ, đặc biệt hơn đối với các chính sách khoan hồng khác” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm. 

Về thời điểm đặc xá ở khoản 1, Điều 3 đặc xá được thực hiện ở 3 thời điểm là: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP của Chính phủ mới quy định về ngày lễ lớn, đến nay chưa có quy định về sự kiện trọng đại và thực tế đến nay, hầu như chưa đặc xá vào các dịp được coi là sự kiện trọng đại. Do đó, cần làm rõ sự kiện trọng đại được hiểu là dịp như thế nào? Để quá trình tổ chức triển khai thực hiện được thuận lợi, với cách hiểu thống nhất.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, khắc phục hạn chế trong việc thực hiện luật hiện hành, về thời gian thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước chưa quy định cụ thể nên trong thực tế, thời gian tổ chức thực hiện các công việc đặc xá trong mỗi đợt quá ngắn, nên gây nhiều áp lực, bị động cho cơ quan tổ chức thực hiện, hầu như không bảo đảm về thời gian, rất cập rập, các thủ tục, trình tự đều chạy đuổi cho kịp thời điểm công bố đặc xá. Do đó, chưa bảo đảm sự tham gia giám sát rộng rãi của nhân dân.

Công tác đặc xá liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, do đó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đồng tình việc bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành quyết định về đặc xá; đồng thời bổ sung quy định về Tờ trình và Dự thảo quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước phải được trình lên Chủ tịch nước chậm nhất 60 ngày trước thời điểm đặc xá…

Thực tế, rà soát các luật, không luật nào không đề cập đến vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong hoạt động  giám sát, cụ thể luật này là giám sát thực hiện công tác đặc xá và pháp luật về đặc xá, tuy nhiên, thời gian triển khai, tổ chức mỗi đợt đặc xá gấp gáp cũng là khó khăn, áp lực để MTTQ Việt Nam thực hiện hoạt động giám sát bài bản, đúng nghĩa trong công tác này. 

Một điểm đáng lưu ý, để bảo đảm ý nghĩa nhân đạo trọn vẹn, luật này cân nhắc không chỉ quy định phạm vi về thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá, người được đặc xá, nên nghiên cứu bổ sung để làm rõ hơn về trách nhiệm của xã hội, của hệ thống chính trị đặc biệt là cấp cơ sở, của cộng đồng dân cư trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, với những quy định bảo đảm nâng cao trách nhiệm; trên cơ sở chống mặc cảm, kỳ thị, phân biệt đối xử và tạo điều kiện về giải quyết công ăn, việc làm, hướng nghiệp, dạy nghề.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Đây là cái gốc để người được đặc xá tha tù trước thời hạn có điều kiện hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng và khó có khả năng tái phạm. Ý nghĩa đó mới làm nên sự trọn vẹn của tinh thần nhân đạo chủ đạo của luật này và ý nghĩa nhân văn của xã hội là “đánh kẻ chạy đi, không đánh người quay lại”.

Đề cập đến việc Dự thảo Luật ở các Điều 33 (khoản 3) về trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Điều 34 (khoản 2) về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các thành viên có đề cập đến việc tiếp nhận, tạo điều kiện, giúp đỡ người được đặc xá trở về hòa nhập gia đình, cộng đồng,… nhưng mang tính nguyên tắc, chưa đủ mạnh và chưa có cơ chế rõ ràng để thực hiện, ảnh hưởng đến tính khả thi của điều luật, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, về cơ bản dự thảo vẫn giữ như luật hiện hành chưa có thay đổi đáng kể, trong khi thực trạng công tác này đang đặt ra những bài toán rất khó cho “hậu đặc xá”.

Thực tế, những năm qua, nơi này, nơi khác đã có làm, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã thể hiện vai trò rõ rệt trong việc tìm kiếm nguồn cho vay vốn, hướng nghiệp, tạo việc làm, tuy nhiên, mức độ còn rất hạn chế, điều kiện và các nguồn lực còn ở mức khiêm tốn; sự quan tâm, phối hợp vào cuộc của chính quyền, mặt trận, đoàn thể và cộng đồng còn ở mức độ tuyên truyền, hô hào, số lượng giải quyết việc làm còn khó khăn, nếu không nói là chưa cao. Bên cạnh đó, một thực tế là tỷ lệ thất nghiệp trong sinh viên và bộ đội xuất ngũ còn đang là thách thức. Vậy nên để bảo đảm quy định của luật có tính khả thi, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo nên có những cơ chế rõ rệt về khuyến khích trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, cung ứng dịch vụ trên địa bàn, có trách nhiệm hỗ trợ về việc làm, cho vay vốn để người được đặc xá có điều kiện ổn định cuộc sống; bên cạnh đó là trách nhiệm của cộng đồng nơi người đặc xá cư trú rất quan trọng trong chống mặc cảm, kỳ thị, phân biệt đối xử” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kiến nghị.