Khẳng định vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới

(Mặt trận) - Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 15 (khóa VIII) ngày 7/1, các đại biểu tham dự đã góp ý vào Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2018, Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2019 và nội dung liên quan đến Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự khai giảng Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV

Toàn văn Tuyên bố chung giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc

CHỐNG LÃNG PHÍ

Ban chủ trì buổi thảo luận.

Điều lệ Mặt trận phải thể hiện rõ chức năng đoàn kết, tập hợp

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, Điều lệ MTTQ Việt Nam cần phải thể hiện rõ chức năng đoàn kết, tập hợp; chức năng giám sát và phản biện xã hội, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân.

“Mặt trận cần thể hiện rõ vai trò tuyên truyền, vận động nhằm tổ chức tốt các phong trào, các cuộc vận động, tổ chức cho nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Góp ý về Điều lệ MTTQ Việt Nam (Điều lệ), nguyên Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đề nghị, Điều lệ cần nêu rõ hai tên gọi, đó là MTTQ Việt Nam là tổ chức Mặt trận trên phạm vi toàn quốc, bao gồm cả Ủy ban MTTQ Việt Nam, tỉnh, huyện, xã; MTTQ Việt Nam ở tỉnh, huyện, xã là tổ chức MTTQ Việt Nam của địa phương. Ủy ban MTTQ Việt Nam mỗi cấp là cơ quan chấp hành của MTTQ Việt Nam cấp đó giữa 2 kỳ đại hội.

Như vậy, MTTQ Việt Nam của mỗi cấp vừa là tổ chức của Mặt trận cấp đó, vừa là thành viên của tổ chức Mặt trận cấp trên trực tiếp và Trung ương.

MTTQ Việt Nam mỗi cấp có tính chất độc lập về tổ chức và chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên.

Để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và hoàn chỉnh dự thảo Điều lệ sửa đổi, theo ông Lê Bá Trình, cần tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ vấn đề lý luận và thực tiễn, cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc và MTTQ Việt Nam để kịp trình Đại hội IX…

Ông Đỗ Duy Thường cho biết, đây là lần thứ 5 ông góp ý về Điều lệ MTTQ Việt Nam. Tính chất về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam rất dài, cho nên cần có bố cục, kết cấu chương 1 theo ngôn ngữ chung của Đảng và cương lĩnh Đại hội Đảng về vai trò của MTTQ Việt Nam.

Đây là văn bản quy phạm pháp luật, cần phải làm rõ tính chất, vị trí, vai trò, địa vị chính trị, pháp lý của MTTQ Việt Nam, nhưng ông Thường cũng cho rằng, đây là một văn bản quy phạm rất đặc biệt vì nó mang tính Mặt trận.

Ông Đỗ Duy Thường đã đưa ra hai phương án trình bày Điều lệ. Phương án thứ nhất là tính chất, vị trí của MTTQ Việt Nam. Thứ 2 là vai trò của MTTQ Việt Nam. Thứ 3 là biểu trưng và ngày truyền thống.

Phương án 2 chỉ có hai điều: Thứ nhất là tính chất, vị trí, vai trò. Thứ hai là biểu trưng và ngày truyền thống.

Theo bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, phần đánh giá chung về công tác Mặt trận cần làm rõ hơn việc Mặt trận các cấp còn lúng túng trong triển khai, sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW, từ đó dẫn đến những băn khoăn, tâm tư của đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ.

Một số nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm túc quá trình hiệp thương, chưa tuân theo Điều lệ Mặt trận trong triển khai bổ nhiệm các vị trí, vẫn còn hiện tượng “làm xong rồi mới báo cáo”.

Đối với dự thảo Báo cáo chính trị, bà Bùi Thị Thanh đề nghị cần phải thay đổi thứ tự sắp xếp của 5 chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024 sao cho phù hợp với yêu cầu của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, đề án nhân sự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam khóa IX cần lựa chọn được người tiêu biểu và đảm bảo tỉ lệ người ngoài Đảng phù hợp với hoạt động của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phát triển tôn giáo từ 4 nguồn lực

Theo GS.TS. Đỗ Quang Hưng, nếu như cần lấy sự kiện gần nhất về tôn giáo trong thời gian gần đây thì phải nói đến Chỉ thị 18. Chỉ thị là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và “nhạc trưởng” là Ban Dân vận Trung ương, người làm công tác chuyên môn rất kỳ vọng vào chỉ thị này.

Vấn đề đầu tiên mà Chỉ thị đề cập đến là nguồn lực của tôn giáo, nguồn lực bắt nguồn từ 4 loại hình: nguồn lực về kinh tế vì trước đây tôn giáo Việt Nam ở miền Nam giàu hơn miền Bắc, nhưng giờ vị trí đã đảo lộn; nguồn lực tiếp theo là về cung cấp dịch vụ công như giáo dục, y tế, an sinh; nguồn lực về văn hóa, đạo đức và nguồn lực các tôn giáo có vị trí trong an ninh, sinh tồn và sức khỏe - đây vừa là đời sống xã hội, vừa là đời sống tâm linh và vừa là đời sống kinh tế.

“Hiện các tôn giáo khác nhau về nguồn lực, nếu thuần túy về nguồn lực kinh tế thì có Tin lành, Phật giáo và Hồi giáo, cùng với đó vấn đề đời sống tín ngưỡng, tâm linh không chỉ phát triển ở cộng đồng mà nó đã trở thành nguồn lực kinh tế, chính vì vậy, khi nhắc đến sự phát triển của tôn giáo thì không nên “cào bằng”, “phân biệt” mà phải kích thích sự phát triển của tôn giáo từ 4 nguồn lực trên”, GS.TS. Đỗ Quang Hưng nhấn mạnh.

Từ những nội dung của Chỉ thị 18-CT/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới và Kết luận số 02 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, GS.TS. Đỗ Quang Hưng đề nghị, cần phải điều chỉnh Luật Dân sự để các tổ chức tôn giáo có pháp nhân dân sự trong hoạt động, đồng thời cần điều chỉnh Luật Giáo dục nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo mở rộng các trường dạy nghề và hệ thống giáo dục phổ thông trong đồng bào tôn giáo.

“Phải đưa vấn đề thuế tôn giáo vào Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vì thuế là vấn đề quan trọng trong quản lý sự phát triển về kinh tế của đất nước và tạo sự sàng lọc cho các tổ chức tôn giáo phát triển”, GS.TS. Đỗ Quang Hưng đề nghị.

Bên cạnh đó, GS.TS. Đỗ Quang Hưng cũng cho rằng, Mặt trận các cấp không thể “bỏ ngỏ” các hoạt động tôn giáo mà cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động của các tổ chức tôn giáo thông qua hình thức dân sự hóa hoạt động tôn giáo; quan tâm tới đời sống tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào tôn giáo vì hiện nay tam giác tôn giáo - tín ngưỡng - tâm linh đang trở thành một tam giác liên kết. Chính vì vậy muốn phát huy quyền sống con người thì Mặt trận nên mở rộng phạm vi hoạt động và đưa tín ngưỡng, tâm linh vào nghiên cứu để phù hợp với thực tế.

Giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Đảng trong tổ chức Đại hội

Đồng tình với đánh giá hoạt động Mặt trận trong năm 2018, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên đã nỗ lực trong triển khai các chương trình hành động, tiếp tục đổi mới các nội dung, phương thức, góp phần vào thành công chung của đất nước.

Mặt trận có thể làm nhiều hơn thế nữa, nhưng hiện nay hệ thống Mặt trận còn những vướng mắc, dẫn đến những tâm tư trong đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, từ đó ảnh hưởng đến vấn đề trước mắt và lâu dài từ cơ sở đến Trung ương, nếu không trực tiếp tháo gỡ thì mỗi địa phương sẽ có những cách làm khác nhau, công tác tổ chức khác nhau, dẫn đến những tâm tư, băn khoăn của cán bộ Mặt trận.

Vướng mắc này sẽ dẫn đến hạn chế kết quả hoạt động của Mặt trận, nếu không được giải quyết kịp thời, đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động Mặt trận trong thời gian tới.

Bàn về công tác tổ chức Đại hội, nguyên Chủ tịch Huỳnh Đàm nhấn mạnh, Đại hội phải khẳng định được vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới và tiếp tục cụ thể hóa, biến nội dung cương lĩnh thành hiện thực trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

 “Nếu không quán triệt đầy đủ, sâu sắc tinh thần này thì kết quả Đại hội sẽ không trọn vẹn, tổ chức bộ máy trong hệ thống sẽ không tới nơi, tới chốn, chính vì vậy đây chính là cơ hội để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Đảng trong tổ chức Đại hội. Thực hiện được nội dung này sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hoạt động của Mặt trận”, nguyên Chủ tịch Huỳnh Đảm khẳng định.

Đặc biệt, phải cụ thể hóa Chỉ thị 17, từ đó tăng cường tổ chức, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Việc tăng cường tổ chức phải thể hiện được tinh thần đoàn kết rộng rãi hơn, bộ máy chuyên trách phải tinh gọn, hiệu quả.

Không thể việc gì cũng đổ lỗi cho cơ sở

Theo ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hoá - Xã hội, nội dung Báo cáo chính trị của Mặt trận phải thể hiện được tinh thần bứt phá. Phần đánh giá tình hình chung của các tầng lớp nhân dân nên nhấn mạnh nửa cuối nhiệm kỳ qua, vì thời gian này đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, nhất là thành quả về chống tham nhũng.

Về phần đánh giá cán bộ, trong Báo cáo kết quả hoạt động của Mặt trận 2018, nhiệm vụ 2019, ông Nguyễn Túc cho rằng, mới đánh giá được lực lượng chuyên trách, cần đánh giá đúng vai trò lực lượng cán bộ không chuyên, những người mang “cơm nhà, áo vợ, việc dân” chiếm phần đông và hoạt động rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Túc cũng thẳng thắn cho rằng, trong những hạn chế, khó khăn, báo cáo cần phải làm rõ công tác toàn dân, làm rõ trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch, không thể việc gì cũng đổ lỗi hết cho cơ sở.

Ông Nguyễn Túc bày tỏ việc không đồng tình chủ trương trả Hội đồng tư vấn về Ban Thường trực. Ông mong muốn cần nâng cao vai trò của Hội đồng tư vấn vì Hội đồng tư vấn được xem như là nơi tập trung trí tuệ của nhân dân, càng ngày vai trò của Hội đồng tư vấn ngày càng quan trọng, điều đó được thể hiện tại Điều lệ Đại hội MTTQ các nhiệm kỳ trước.