Khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV

(Mặt trận) - Sáng nay, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ Chín - Kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất, diễn ra với thời gian dài nhất trong số các kỳ họp bất thường, xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển của đất nước trong năm 2025 và thời gian tới.

Thủ tướng: Kiểm tra phải nêu bật kết quả, cũng như chỉ ra hạn chế và giải pháp khắc phục

Ba Thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia họp triển khai Kết luận Cuộc gặp giữa ba Người đứng đầu ba Đảng

Tăng cường đoàn kết, gia tăng hiệu quả hợp tác, kết nối Việt Nam - Lào - Campuchia

Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Lâm Hiển 

Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Tham dự phiên khai mạc có: nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ...

Cùng dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên khai mạc. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội 

Đây là Kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất, diễn ra với thời gian dài nhất trong số các kỳ họp bất thường từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong 6,5 ngày, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 17 nội dung quan trọng, cấp bách gồm: 4 Luật (Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 5 nghị quyết về sắp xếp, tổ chức bộ máy; 7 vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền và 1 báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội theo quy định.

Việc chuẩn bị các nội dung trình tại Kỳ họp này được chủ động triển khai, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; với tinh thần khẩn trương, quyết tâm, trách nhiệm rất cao trước Đảng, trước Nhân dân.

Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật, quá trình chuẩn bị dự thảo được tiến hành song song với việc chuẩn bị hồ sơ để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, đồng thời, gấp rút hoàn chỉnh ngay sau Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương; xin ý kiến và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở cả trung ương và địa phương; đánh giá tác động chính sách đầy đủ, nghiêm túc theo quy định; rà soát toàn diện các luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đảng ủy Quốc hội đã báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị từ sớm về dự kiến nội dung, chương trình, cách thức tổ chức Kỳ họp; Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, ngay sau khi được thành lập, đã tổ chức họp bàn để trao đổi cụ thể và thống nhất cao đối với các vấn đề báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này.

Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan rà soát kỹ lưỡng, cho ý kiến về công tác chuẩn bị Kỳ họp tại 3 phiên họp; ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; đồng thời, ngay sau Hội nghị Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 2 phiên họp trong tháng 2.2025 để xem xét về từng nội dung trình Quốc hội.

Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho bổ sung thêm 4 nội dung ngoài các nội dung đã dự kiến trong văn bản triệu tập kỳ họp, gồm: Cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035; Chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; một số cơ chế, giải pháp cần thiết để triển khai Dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước.

Phát huy cách làm hiệu quả từ kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thường xuyên đôn đốc và chỉ đạo gửi sớm tài liệu ngay từ giai đoạn thẩm tra sơ bộ đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến. Đến nay, toàn bộ các nội dung đã có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chính thức gửi đến các ĐBQH trước ngày khai mạc Kỳ họp.

Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan đã làm việc không quản ngày đêm, ngày lễ, ngày tết, trong bối cảnh vừa khẩn trương tiến hành các công tác phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, vừa phải triển khai thông suốt công việc thường xuyên trong chương trình, kế hoạch đã đề ra; đồng thời, bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng hồ sơ các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Chín. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội  

Tạo khung khổ pháp lý để thể chế trở thành “đột phá của đột phá”

Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Kỳ họp bất thường lần này có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, cũng là tạo tiền đề về công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, chương trình kỳ họp. Theo đó, Quốc hội sẽ làm việc trong 6,5 ngày, từ ngày 12.2 đến ngày 19.2.2025, làm việc cả ngày thứ Bảy để xem xét, quyết định 3 nhóm nội dung:

Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn"; giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian, phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền các cơ quan theo hiến định, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Cụ thể, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 5 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trong đó, việc xem xét, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng, vai trò là nền tảng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

"Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện, với những thay đổi lớn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, theo đúng tinh thần Kết luận số 119 ngày 20.1.2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo đó, dự thảo Luật đã hạn chế tối đa các quy trình, thủ tục không cần thiết; phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát huy sự năng động, sáng tạo gắn với vai trò, trách nhiệm, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính.

Chính phủ và các cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật do cơ quan mình trình; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời trong xây dựng chính sách, pháp luật giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các Bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương.

Bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tạo khung khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế đã được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, để thể chế trở thành “đột phá của đột phá”, khơi thông các nguồn lực để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội   

Bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 Nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình như: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến năm 2035; phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận...

Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành một số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiện toàn các chức danh để bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV diễn ra trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025 với niềm tin, khí thế mới, trong niềm vui mừng về những thành tựu phát triển của đất nước. Với tinh thần trách nhiệm rất cao, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, hết sức nỗ lực, làm việc ngày, đêm, cả ngày nghỉ, ngày Tết để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội với chất lượng tốt nhất.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trên tinh thần "hiệu quả công việc là trên hết", cùng với kinh nghiệm thực tiễn công tác và thực tiễn địa phương, cơ sở phản ánh, góp ý chân thành, thẳng thắn, chất lượng để toàn bộ các nội dung trong chương trình Kỳ họp được xem xét, thông qua với sự thống nhất, đồng thuận cao nhất, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, đáp ứng tốt nhất sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và tiến hành ngay phiên thảo luận tổ về 2 dự án luật quan trọng này.