Khai mạc Phiên họp thứ Mười sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Mặt trận) - Sáng 10/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ Mười sáu.

5.932 tỷ đồng ủng hộ tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên phạm vi cả nước

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Không gian Pháp ngữ là mảnh đất tiềm năng cho hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại

Thủ tướng: Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thực hiện '5 tiên phong' phát triển cùng đất nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Ảnh: Lâm Hiển 

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là phiên họp thường kỳ của tháng 10.2022 và cũng là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20.10 tới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian làm việc dự kiến 3 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định một số vấn đề quan trọng sau:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính, ngân sách năm 2022; dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội sẽ quyết định kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn 3 năm giai đoạn 2023 – 2025 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Trong đó, có liên quan đến tỷ lệ điều tiết ngân sách của các tỉnh, thành; các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế vĩ mô, cân đối tài khóa, bội chi, nợ công, chỉ tiêu trả nợ… Trên cơ sở phụ trách ngành, lĩnh vực, kết quả Diễn đàn Kinh tế - xã hội của Quốc hội mới được tổ chức vừa qua, cập nhật tình hình trong nước và quốc tế, quán triệt tinh thần và kết luận của Hội nghị Trung ương 6, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung đánh giá những kết quả, thành tựu nổi bật của năm 2022 về những vấn đề còn tồn tại, yếu kém, vướng mắc; phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm, đặc biệt là cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp cho năm 2023 - một năm hết sức quan trọng trong điều kiện tình hình khu vực và thế giới còn diễn biến phức tạp. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thêm về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Thời gian qua, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã phát huy tốt chức năng thẩm tra, giám sát để phục vụ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị ý kiến cho Quốc hội xem xét những nội dung liên quan đến 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần của các Phiên họp trước đây, đặc biệt là Phiên họp thứ Mười lăm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tham gia ý kiến rất sâu sắc, sôi nổi, trách nhiệm để có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến các nội dung và quyết định các vấn đề quan trọng.

Quang cảnh khai mạc Phiên họp thứ Mười sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển 

Thứ hai, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư. Trên cơ sở ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch và Ban Dân nguyện tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo để khi trình Quốc hội bảo đảm ngắn gọn, sát thực nhất, thể hiện được đầy đủ, trung thực, khách quan nhất ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và cử tri cả nước.

Thứ ba, một số nội dung Chính phủ đề xuất bổ sung, phát sinh từ Phiên họp thứ Mười lăm đến nay. Cụ thể, việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, kết quả về công tác thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh và ứng xử đối với thời hạn của Nghị quyết này.

Về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội Khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh có hiệu lực trong 5 năm, nếu không có quyết sách tiếp của Quốc hội thì năm nay sẽ hết hiệu lực. Chính phủ đã có Báo cáo đánh giá, tổng kết, có đề xuất các cơ chế chính sách mới thay thế cho Nghị quyết 54. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay Chính phủ chưa hoàn thiện kịp các nội dung này, do đó đề nghị cho tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 54 này đến hết năm 2023. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận về báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội.

Chính phủ cũng đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án BOT. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đối với vấn đề này.

Về mội số nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Kỳ họp thứ Tư và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến chuẩn bị các nội dung liên quan đến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và chức danh Bộ trưởng, trưởng ngành một số bộ theo đề nghị của Thủ tướng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nhân sự cụ thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về bộ nhận diện mới của Quốc hội; xem xét, cho ý kiến lần cuối đối với chương trình và nội dung của Kỳ họp thứ Tư.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những nội dung thảo luận tại Phiên họp này đều hết sức quan trọng, trong đó, có những việc rất hệ trọng, khó, có những việc chưa có tiền lệ. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến; Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan bố trí tham gia theo thẩm quyền, theo chức trách được giao để bảo đảm cho Phiên họp hoàn tất nội dung và thành công tốt đẹp, chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ Tư.