Khai mạc Phiên họp thứ Mười một của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Mặt trận) - Sáng 11/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ Mười một. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/5 tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

Hà Nội tuyên dương 70 điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”

Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng trên 7%

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Lâm Hiển) 

Nếu không giải ngân được sẽ trình Quốc hội chấm dứt

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ Mười một của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 11 nội dung. Trong đó, đáng chú ý là báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN).

Đối với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2021, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN 6 tháng đầu năm 2022, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách chủ trì, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cập nhật bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã và NSNN năm 2021, nhất là các nội dung về mục tiêu, chỉ tiêu đạt được có thay đổi lớn so với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai; lý giải những thay đổi lớn, phân tích, đánh giá chất lượng dự báo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm. Do đó, cần đánh giá toàn diện tất cả các mặt để xem xét kết quả triển khai, thực hiện. Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá bối cảnh, tình hình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và kết quả các tháng đầu năm, bao gồm Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị quyết về một số chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong hai năm 2022 – 2023.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm nay là năm rất quan trọng, ngoài những Nghị quyết thường kỳ của Quốc hội cho năm 2022, trong bối cảnh vừa qua, Quốc hội đã ban hành những Nghị quyết chuyên đề. Ví dụ, trong Nghị quyết Kỳ họp nhấn mạnh nhiệm vụ chuyển trọng tâm từ chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước và với thế giới. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15), chỉ giải ngân trong 2 năm.

"Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội trong năm nay là tăng trưởng đạt từ 6  - 6,5%, lạm phát kiểm soát dưới mức 4%. Ngoài các mục tiêu này, Chính phủ có trình thêm, nhờ triển khai gói kích thích kinh tế trong Nghị quyết số 43 của Quốc hội sẽ làm cho GDP tăng trưởng thêm 2%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc giải ngân gói chính sách này triển khai rất chậm". Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lo ngại về thực trạng này bởi gói kích thích kinh tế chỉ giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023 trong khi bây giờ đã là nửa năm 2022.

“Theo thẩm tra sơ bộ, năm nay dự kiến điều hòa vốn giữa chương trình phục hồi với đầu tư công, nhưng vừa rồi rà soát lại toàn bộ năm nay bổ sung thêm dự toán được có 18.000 tỷ đồng. Không biết với gói này thì giải ngân như thế nào? Theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội đến năm 2033, nếu không giải ngân được thì sẽ trình Quốc hội chấm dứt. Không có chuyện chúng ta đưa ra gói kích thích rồi sau đó cứ chuyển nguồn mãi, không đúng tính chất là gói kích thích kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ vấn đề này; đồng thời lưu ý Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội cần khắc phục tình trạng chung chung, “ba sôi hai lạnh”. Báo cáo thẩm tra chi tiết sẽ nêu đầy đủ còn báo cáo thẩm tra tóm tắt trình ra Quốc hội chỉ tập trung một số vấn đề lớn, chọn lọc ra những vấn đề quan trọng để Quốc hội tập trung phân tích, “mổ xẻ” và có kết luận.

Về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4.2022 và tham gia cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, để nâng cao chất lượng của các báo cáo và nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại của công dân, kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư, trả lời kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cũng như thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước theo lĩnh vực phụ trách.

"Cần nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong các báo cáo, nhất là những tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp; những vấn đề nổi lên về kinh tế - xã hội nổi lên được dư luận, cử tri quan tâm; những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chú ý các dự án liên kết vùng để tạo sự lan tỏa

(Ảnh: Lâm Hiển) 

Về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1; Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Đây là 5 dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, có sử dụng đa dạng nguồn vốn của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và vốn đầu tư thuộc gói kích thích kinh tế cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết và cấp bách của việc phân kỳ đầu tư, sự phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, hình thức đầu tư, cơ cấu các nguồn vốn đầu tư, nhất là tính khả thi của việc bố trí các cơ cấu vốn, tránh việc khi Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư rồi nhưng không triển khai được.

“Nguyên tắc của việc khi quyết định chủ trương đầu tư của dự án lớn nào, người quyết định phải biết rõ khả năng huy động vốn và tính khả thi của các nguồn vốn, khả năng thực hiện các dự án như thế nào”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lần này, thuận lợi là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đồng thời 5 dự án, do đó có tính chất tổng thể. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có so sánh với các danh mục dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công cũng như gói kích thích kinh tế mà Chính phủ sẽ trình trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tập trung vào những công trình chiến lược quan trọng, tránh phân tán dàn trải, chú ý vào các dự án liên kết vùng để tạo sự lan tỏa, đồng thời bảo đảm giải ngân gói kích thích kinh tế và kế hoạch đầu tư công. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Kiểm toán Nhà nước sớm có báo cáo về 5 dự án quan trọng quốc gia để báo cáo với Quốc hội và chịu trách nhiệm về những ý kiến của mình đối với các nội dung trong các dự án quan trọng này.