Khai mạc Phiên họp thứ Ba Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm các nội dung trình Quốc hội đạt chất lượng cao

(Mặt trận) - Sáng 13/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ Ba.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc 

Công tác chuẩn bị, thẩm tra các dự án luật được chuẩn bị từ rất sớm

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ Ba, tập trung cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai và xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Các nội dung Phiên họp bao gồm 5 nhóm vấn đề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét lần đầu đối với 6 dự án luật bao gồm: dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các dự án luật này được Quốc hội xem xét có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thi hành các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết như: CPTPP, EVFTA… và góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động như kinh doanh bảo hiểm, điện ảnh, thống kê... Bên cạnh đó, cũng tăng cường xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động vững mạnh và tinh nhuệ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác chuẩn bị, thẩm tra các dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị từ rất sớm, rất xa. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan của Quốc hội đã vào việc rất sớm, cùng với các cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội theo ngành và lĩnh vực cũng đã chủ động họp và cho ý kiến về những định hướng lớn, những vấn đề, yêu cầu, nội dung phải đạt được trong các dự án luật lần này. Sau đó, các Phó Chủ tịch phụ trách các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc đã cho ý kiến lần thứ hai; các Ủy ban cũng đã họp Thường trực mở rộng để hình thành báo cáo thẩm tra sơ bộ đối với các dự án luật này.

Tuy nhiên, nhằm bảo đảm hoàn thiện kỹ lưỡng hơn nữa bảo đảm chất lượng các dự án luật đạt kết quả như mong đợi, khắc phục được tình trạng luật ống, luật khung hoặc "tuổi thọ" luật ngắn; khắc phục tình trạng khi sửa đổi, bổ sung chưa bao quát hết các vấn đề có thể dẫn đến trường hợp vừa mới sửa xong luật đã phát sinh vấn đề mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sâu hơn nữa đối với mỗi dự án, trong đó tập trung phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, xem xét các chính sách mới đã bảo đảm hợp lý, chặt chẽ, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới hay chưa?

Quang cảnh Phiên họp 

Sớm triển khai, chủ động kế hoạch giám sát từ nay đến năm 2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện công tác giám sát thông qua việc xem xét Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Các báo cáo công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021; báo cáo công tác năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước; Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; Xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 8.2021).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hầu hết các nội dung là những báo cáo thường niên mà các cơ quan phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về những hoạt động thuộc phạm vi lĩnh vực của mình, theo quy định của pháp luật, trừ báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội. Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát này cũng như bảo đảm chất lượng các báo cáo trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề chủ yếu như sau.
Một là, các hồ sơ, tài liệu đã tuân thủ đúng theo yêu cầu của pháp luật chưa? đánh giá về mức độ rõ ràng, hợp lý của các nhận định, tính cụ thể, thống nhất của số liệu trong mỗi báo cáo và giữa các báo cáo với nhau đối với các lĩnh vực có liên quan mật thiết, vấn đề gì cần sửa đổi? vấn đề nào cần bổ sung? vấn đề nào cần phải nhấn mạnh?
Hai là, các nội dung cụ thể của báo cáo đã đánh giá rõ về tình hình thi hành pháp luật; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tình hình tội phạm vi phạm pháp luật tham nhũng; kết quả điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án hình sự, dân sự qua công tác tư pháp trong năm 2021 chưa? đánh giá sự chuyển biến mới so với năm trước, hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong các báo cáo thường niên của năm 2020. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua việc xem xét, đánh giá các báo cáo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của các cơ quan đã phù hợp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chủ trương, định hướng lớn, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao hay chưa? Đồng thời, cần trả lời sâu, kỹ lưỡng hơn nữa về các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới những hạn chế để tìm ra những giải pháp đúng đắn, đúng trọng tâm, mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh việc cho ý kiến về các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát các chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Để việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề được chủ động, đạt kết quả và chất lượng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nét mới của công tác giám sát đối với những cuộc giám sát tối cao của Quốc hội thì Quốc hội có ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và ban hành chi tiết về kế hoạch và chương trình giám sát cụ thể theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân. Việc thành lập các đoàn giám sát đã có nghị quyết đối với 2 đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và 2 cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đề cương đã được lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến khá kỹ và Phiên họp này sẽ xem xét để thông qua nhằm để các Đoàn giám sát sớm triển khai, chủ động kế hoạch giám sát từ nay cho đến năm 2022.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội quyết định là dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - đây là nội dung rất quan trọng, cấp bách, đòi hỏi phải có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước và trên cơ sở ý kiến của Quốc hội thì Kiểm toán Nhà nước sẽ cân nhắc để quyết định kế hoạch kiểm toán.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sự tác động của đại dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo Nghị quyết 30, một số vấn đề có liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trong thời gian Quốc hội chưa họp hoặc là không hợp được, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số quốc gia; Xem xét Về việc ký điều ước quốc tế có nội dung Việt Nam cung cấp văn phòng làm trụ sở làm việc cho Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung này đã được cho ý kiến bước đầu tại Phiên họp trước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất một số vấn đề cơ bản. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận kỹ hơn về 3 phương án tổ chức kỳ họp đã được Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị cũng như về chương trình, nội dung cụ thể để đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến của công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tổng khối lượng công việc cần giải quyết trong Phiên họp thứ Ba là rất lớn, tập trung nhiều nội dung cần trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, với dự kiến là 9 ngày làm việc; đề nghị, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung, chủ động sắp xếp lịch làm việc và dự họp đầy đủ, đúng thành phần; cố gắng cao nhất, hoàn thành chương trình theo đúng thời gian đã dự kiến, bảo đảm các nội dung trình Quốc hội đạt chất lượng cao. Đối với Chính phủ và các cơ quan trình, đề nghị chủ động và cử cán bộ có trách nhiệm để tham dự và bảo đảm cho Phiên họp thành công tốt đẹp.