(Mặt trận) - Sáng 13/7, Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, các nội dung trình tại Phiên họp lần này đã được các cơ quan chuẩn bị tích cực, trong đó có 2 dự án Luật đã được khẩn trương tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong thời gian ngắn sau kỳ họp. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung đã có trong chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã thông báo đến các cơ quan hữu quan ngay từ đầu năm nhưng tiến độ chuẩn bị chưa đảm bảo nên phải rút ra hoặc phải chuyển sang Phiên họp của tháng sau.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan cần chủ động hơn trong công tác chuẩn bị, theo dõi, bám sát chương trình để thực hiện đúng kế hoạch đề ra; đồng thời nhấn mạnh, nếu có phát sinh vấn đề khó khăn thì các cơ quan sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời có phương án điều chỉnh chương trình, thời gian kỳ họp và giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền.
Hỗ trợ lao động phải thực chất, kịp thời
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về: một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (được quy định tại các Điều 66, 67 và 68) là lĩnh vực rất đặc thù nên khi ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Quốc hội đã đồng ý quy định về Quỹ này nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp dịch vụ khắc phục rủi ro trong quá trình làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ việc duy trì và phát triển thị trường... Thực tế, Quỹ đã phát huy tác dụng nhất định. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín cũng đã bổ sung nhiều nội dung hỗ trợ từ Quỹ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ. Do đó, việc tiếp tục duy trì Quỹ là cần thiết. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội chỉ rõ, Quỹ này do người lao động, doanh nghiệp đóng góp là chính, không sử dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật dự kiến chỉnh lý theo hướng: Thứ nhất, bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì không phù hợp với tinh thần của nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Thứ hai, Giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về Chủ tịch, thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ; tổ chức, hoạt động của Quỹ; mức đóng; mức chi phí quản lý Quỹ; mức chi theo các nhiệm vụ chi.
Về mục tiêu và nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, trong đó có 2 nhiệm vụ của Quỹ liên quan đến bảo hộ người lao động ở nước ngoài tại điểm đ, Khoản 4, Điều 67 Người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc và phải về nước trước thời hạn; người lao động phải về nước do lý do bất khả kháng; thân nhân người lao động trong trường hợp người lao động chết, bị mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng ý sự cần thiết duy trì Quỹ trong luật nhưng khi ban hành văn bản hướng dẫn thì Chính phủ cần làm rõ và cần có quy định cơ chế cụ thể, thủ tục trình tự để thực hiện hỗ trợ cho người lao động ở nước ngoài như thế nào để bảo đảm việc hỗ trợ thực chất, nhanh chóng và hiệu quả nhất. Nếu người lao động ở nước ngoài gặp khó khăn nhưng không được giải quyết ngay, kịp thời mà phải đến khi về nước mới nhận được khoản hỗ trợ thì không còn ý nghĩa nhiều nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý.
Sẽ trình Quốc hội bổ sung dự toán chi của Kiểm toán Nhà nước
Cũng trong phiên họp sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc: điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước.
Trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 (lĩnh vực chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề) của Bộ Thông tin và Truyền thông là 20.682 triệu đồng; đồng thời điều chỉnh tăng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 (lĩnh vực chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề) của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 20.682 triệu đồng để đảm bảo kinh phí hoạt động của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng khi tiếp nhận Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, việc điều chỉnh dự toán như trên là phù hợp với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với phương án Chính phủ trình; đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan triển khai thực hiện, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Về việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 ( nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (Chương trình), vay vốn Ngân hàng thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò là cơ quan xác minh độc lập, chịu trách nhiệm xác minh/thẩm tra các kết quả đạt được so với các mục tiêu giải ngân, đồng thời, chịu trách nhiệm kiểm toán tài chính cho Chương trình. Tổng kinh phí phân bổ cho Kiểm toán Nhà nước (nguồn nước ngoài) trong Chương trình là 44.900 triệu đồng. Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nhiệm vụ xác minh kết quả, khối lượng công việc đáp ứng yêu cầu của Chương trình và của nhà tài trợ với khối lượng thực tế cuối cùng là 20 tỉnh và 192 xã. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước mới được giao dự toán 8.200 triệu đồng cho nhiệm vụ nêu trên. Do đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định về việc điều chỉnh tăng dự toán vốn hành chính sự nghiệp (nguồn vay Ngân hàng Thế giới) năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện Chương trình với số vốn bổ sung là 6.640 triệu đồng. Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc thực hiện vay nguồn vốn WB năm 2020 để bổ sung sẽ làm tăng bội chi thêm 6.640 triệu đồng. Số bội chi này không lớn, trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước năm 2020, trên tinh thần tiết kiệm chi để đảm bảo tổng mức bội chi ngân sách mà Quốc hội đã giao.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước tại Kỳ họp thứ Mười.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét công tác nhân sự.
Theo Báo Đại biểu Nhân dân