Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) - Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết (75.000 tỷ đồng còn lại) cho các dự án đủ điều kiện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát biểu ý kiến tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm; đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022.

Cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tình hình từ đầu năm có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Nền kinh tế Việt Nam quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, nên chỉ một biến động nhỏ bên ngoài có thể tác động lớn tới tình hình trong nước.

Trong bối cảnh đó, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, rất đáng khích lệ. Trong xu thế thế giới là tăng trưởng thấp, lạm phát cao, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát, duy trì được tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Cùng với đó, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; đối ngoại và hội nhập được mở rộng và tăng cường phù hợp tình hình.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội còn một số vấn đề nổi lên cần giải quyết, thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn như tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; công tác quy hoạch; tiêm chủng vaccine; và công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

"Chỉ còn một quý của năm 2022, thời gian không chờ đợi ai cả, chúng ta phải hành động quyết liệt, tích cực, có hiệu quả. Tôi mong các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, động viên nhau cùng làm, nêu gương cho cấp dưới, làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì nhân dân phục vụ, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường", Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải ngân tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ

Năm 2022, tổng vốn đầu tư công khoảng 580.000 tỷ đồng, lớn hơn khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2021. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công, ban hành 10 nghị quyết, trong đó có 2 nghị quyết chuyên đề, gần đây nhất là Nghị quyết số 124/NĐ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, cùng 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo; tổ chức 2 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác, tiến hành 3 đợt kiểm tra vào tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 8/2022.

Nhờ đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Các bộ, ngành, địa phương đã giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện 505.000 tỷ đồng. Ước giải ngân đến cuối tháng 9/2022 đạt trên 253.000 tỷ đồng, tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Có 12 bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 70% gồm Quảng Ngãi, Hưng Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang.

Nhiều dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai đúng tiến độ, tỉ lệ giải ngân tốt; có 4 dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đạt kế hoạch đề ra.

Về triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đã ban hành 118 văn bản ở cấp Trung ương gồm 2 nghị định của Chính phủ; 23 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 41 thông tư, quyết định, văn bản, kế hoạch cấp bộ quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện; 52 văn bản điều hành, hướng dẫn, giải đáp tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương đang tích cực, khẩn trương phân bổ và giao kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kiện toàn bộ máy các cơ quan, đơn vị, ban chỉ đạo; tuyên truyền, thông tin rộng rãi về các chương trình mục tiêu quốc gia…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Giải ngân đầu tư công tuy tăng về số liệu tuyệt đối nhưng về tỉ lệ mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 0,7% cùng kỳ năm 2021. Còn 16 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công và 16 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt thấp dưới 20%. Với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, mới có 38/63 địa phương đã cân đối, bố trí trên 13.400 tỷ đồng từ vốn từ ngân sách địa phương; đến cuối tháng 9/2022, giải ngân từ ngân sách Trung ương ước đạt gần 927 tỷ đồng, bằng 2,86% kế hoạch.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được; đồng thời phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công, yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2022, trên cơ sở đó, phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, địa phương mình nhanh và hiệu quả.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

25 loại tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc thuộc 3 nhóm

Các báo cáo và ý kiến tại hội nghị đã nêu rất cụ thể 25 loại tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm 3 nhóm.

Nhóm khó khăn thứ nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, cách làm.

Nhóm khó khăn thứ hai là công tác triển khai: Việc lập kế hoạch đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện, còn tình trạng vốn chờ dự án, thủ tục, khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân; công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; còn bất cập về giải phóng mặt bằng, thủ tục thanh toán, quyết toán, năng lực các nhà thầu, nhà đầu tư, quản lý, tư vấn, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

Nhóm khó khăn thứ ba mang tính đặc thù của năm 2022: Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tháng 7/2021 trong lúc giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao, khan hiếm nguồn cung nguyên liệu đất cát để san lấp mặt bằng.

Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân chính là tổ chức thực hiện, trong đó có việc phát hiện kịp thời các vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách và các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện dự án mà khi lập dự án chưa thể lường trước được như biến động giá cả xăng dầu vừa qua.

Nhân dân hết sức mong đợi việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia

  Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết (75.000 tỷ đồng còn lại) cho các dự án đủ điều kiện. Các tổ công tác tiếp tục triển khai nhiệm vụ, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa động viên các đơn vị, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, tránh thủ tục lòng vòng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, báo cáo các vướng mắc liên quan thể chế, cơ chế, chính sách trước ngày 20/10, vướng ở cấp nào cấp đó giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường bám sát tình hình, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan giá nguyên vật liệu biến động.

Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị các cấp cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, UBND các tỉnh, thành phố tham mưu HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, người dân tham gia.

Đặc biệt, nhân dân hết sức mong đợi việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia dành cho những người nghèo, người yếu thế, vùng dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, các địa phương cần phải cố gắng hơn nữa, các bộ, ngành, cơ quan phải tích cực vào cuộc hơn nữa.

Các địa phương cần hết sức quan tâm nắm bắt tình hình, tổng hợp, báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, gợi ý các giải pháp, các bộ, ngành khẩn trương xử lý ngay, những vấn đề liên quan đất đai, rừng, nguyên vật liệu thì Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, những vấn đề thủ tục, nguồn vốn thì Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.

Thủ tướng cũng đề nghị rà soát lại các quy định, chủ động sửa đổi, bổ sung và đề xuất các cấp có thẩm quyền theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thủ tướng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; tiếp tục rà soát lại các dự án, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương động viên các nhà thầu, doanh nghiệp chung tay, chung sức, chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi giá cả nguyên vật liệu có nhiều biến động. "Đất nước vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển, người dân ấm no, hạnh phúc thì doanh nghiệp cũng phát triển", Thủ tướng phát biểu.

Về những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập với một số dự án lớn, Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền với các dự án khác.

Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác truyền thông theo hướng phản ánh đúng, chính xác tình hình, chỉ ra các khó khăn, tồn tại, hạn chế, bất cập, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp.

Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022; đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành chỉ thị để tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc công tác này.