Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022

(Mặt trận) - Sáng 21/3, tại trụ sở Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  phát biểu bế mạc 

Tham dự và chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Hội nghị đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. 

Ý kiến phát biểu, tham luận của 8 địa phương đã làm rõ thêm nhiều kết quả nổi bật, những kinh nghiệm hay, cách làm mới, bài học quý cũng như những tồn tại, hạn chế và có nhiều đề xuất, kiến nghị thiết thực về nhiều nội dung, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2022 và nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ năm 2021 là một năm đặc biệt, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năm tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và cũng là năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Song, HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía nam nói riêng đã tiếp tục kế thừa được truyền thống, kinh nghiệm, thể hiện được bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và khao khát cống hiến. Chủ tịch Quốc hội cảm nhận rõ đang có một luồng gió tươi mới hơn, năng động, sáng tạo hơn, bám sát thực tiễn cuộc sống hơn, đáp ứng yêu cầu cấp bách của cơ quan dân cử địa phương, góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì đà phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.

Qua báo cáo tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham luận của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, trong năm 2021, HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện bị tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu. Ngày 23.5.2021 thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân, cuộc bầu cử đã bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ số lượng đại biểu HĐND với cơ cấu hợp lý và chất lượng được nâng cao. Trong đóng góp chung đó, có sự  đóng góp rất quan trọng của HĐND nói chung, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND các tỉnh, thành phố và mỗi đại biểu HĐND. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chúng ta đã tổ chức thành công các kỳ họp của HĐND để kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các khung khổ 5 năm cũng như hàng năm.

Ngay sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam của cả nước, HĐND tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đồng thời xem xét, quyết định một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục kỳ họp HĐND đúng quy định của pháp luật, kiện toàn sớm nhân sự bộ máy chính quyền địa phương, bao gồm cả HĐND, UBND. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời xem xét và ban hành các Nghị quyết phê chuẩn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố.

HĐND tỉnh, thành phố cũng đã sớm ban hành các Nghị quyết về Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với UBND, Ban thường trực MTTQ tỉnh, thành phố. Một số tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND - UBND - MTTQ Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố.

Ngoài việc tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức kỳ họp bất thường để quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội Khóa XV và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ở khu vực phía Nam có tỉnh Bình Thuận đã tổ chức đến 9 kỳ họp, Sóc Trăng tổ chức 8 kỳ họp, nhiều địa phương đã tổ chức đến 7 kỳ họp (gồm các tỉnh: Đồng Nai, Hậu Giang, Tiền Giang). Với nhiệm vụ năm đầu nhiệm kỳ, bên cạnh việc ban hành các Nghị quyết về công tác nhân sự, HĐND cấp tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó nhiều nhất là Long An với 145 nghị quyết, Bạc Liêu ban hành 47 Nghị quyết. Các Nghị quyết này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cụ thể thuộc chức năng, thẩm quyền của HĐND theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là các địa phương trong khu vực đang thực hiện tổ chức chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, là TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã thích ứng và đã triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù mà Quốc hội, cử tri, Nhân dân đã tin tưởng, cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều công trình trọng điểm quốc gia trong khu vực đã được Quốc hội xem xét, quyết định trước đó, sẽ khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực, lan tỏa, tác động tích cực, vận hành sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực phía Nam.

Ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, HĐND các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện khá tốt hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND với nhiều đổi mới rất đáng chú ý, thể hiện tinh thần linh hoạt, sáng tạo; đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND và các Ban. Đặc biệt, HĐND các địa phương đã triển khai phối hợp trong tổ chức triển khai 4 chuyên đề giám sát quan trọng của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang được triển khai về: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành; việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

HĐND các địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri, như trực tuyến, trực tiếp và kết hợp trực tuyến, trực tiếp; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của Nhân dân và cử tri, với tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt cao, trên 85%.

Thực hiện tốt chức năng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban của HĐND, việc giải quyết các yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thường trực HĐND trong thời gian không họp HĐND theo Nghị quyết 30 của Quốc hội Khóa XV. Hoạt động của các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, ngày càng sát thực hơn. Nghị quyết 30 của Quốc hội đã trao cho Chính phủ và Thủ tướng những quyền hạn đặc thù, đặc cách và đặc biệt. Ở địa phương thì giao cho Thường trực HĐND trong thời gian HĐND không họp để kịp thời có những quyết sách, ứng phó với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với những tình huống phát sinh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau này chúng ta cần có nghiên cứu thêm về thẩm quyền của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp...

Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình, thống nhất với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến tham luận của các địa phương, đồng thời lưu ý, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung cơ bản.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trước hết, cần tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát chất vấn, trả lời chất vấn... để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố cả về tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; xây dựng chính quyền (công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm); quyết định các vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực và giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân cùng cấp, các Ban của HĐND, giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và văn bản của HĐND cấp huyện.

Thứ ba, kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022-2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022...

Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động HĐND như là các kỳ họp không giấy tờ, biểu quyết điện tử từ xa do chuyển đổi số, giám sát bằng hình ảnh...

Thứ năm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, với UBND và MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả từng cơ quan, tổ chức. Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh; Quy chế tiếp công dân của Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh; Nội quy kỳ họp HĐND tỉnh để bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND; chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định và công tác đào tạo, luân chuyển, quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031 ngay từ bây giờ.

Thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND theo hướng sát hợp nhất với tình hình thực tiễn. Luật Tổ chức Quốc hội quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn và giám sát HĐND. Cần rà soát lại các nghị quyết của Quốc hội, các văn bản hướng dẫn để làm rõ nội dung nào cần sửa đổi, nội dung nào cần bổ sung trong các luật chuyên ngành.

Thứ tám, tăng cường công tác giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa HĐND các tỉnh, thành phố; giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND. Tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức hoạt động của HĐND. Tăng cường công tác thông tin truyền đối với hoạt động của HĐND các cấp, mỗi kỳ họp của HĐND nên có đề án riêng về công tác truyền thông theo từng phiên họp và theo từng kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trên cơ sở kết quả của hội nghị này và hội nghị khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung đã được tổ chức trước đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo chính thức để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và các tỉnh, thành, cơ quan hữu quan; đồng thời, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của HĐND các tỉnh, thành phố báo cáo UBTVQH xem xét, giải quyết hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.