Hoạt động của đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế - Đại hội đồng AICESIS 2017

(Mặt trận) - Từ ngày 6-8/9/2017, tại thành phố Santo Domingo, thủ đô nước Cộng hoà Dominicana đã diễn ra Hội nghị thường niên của Hiệp hội Quốc tế các Hội đồng Kinh tế - Xã hội và các Tổ chức tương đương - AICESIS 2017. Đoàn đại biểu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - thành viên của AICESIS - do Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

 Toàn cảnh Hội nghị.

Chủ đề của Hội nghị AICESIS năm 2017 bàn về: “Vai trò của các Hội đồng Kinh tế - Xã hội và các Tổ chức tương đương trong công tác xóa đói giảm nghèo liên quan đến bất bình đẳng”. Hoạt động của đoàn Việt Nam tại Hội nghị đã gây được sự quan tâm, theo dõi và cổ vũ của Ban Tổ chức, các đoàn đại biểu các nước và giới truyền thông, nhất là những kinh nghiệm của Việt Nam cũng như vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ về xoá đói, giảm nghèo và bất bình đẳng ở Việt Nam.

 

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh và đoàn công tác tại Hội nghị.

Trong những năm qua, hệ thống chính trị Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo bền vững và đã đạt được những kết quả to lớn và rất đáng tự hào, được nhân dân trong nước hưởng ứng mạnh mẽ, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Vừa qua, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức sự kiện đặc biệt “Công nhận thành tích nổi bật trong đấu tranh xóa đói, giảm nghèo” cho 38 nước  trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị.

Việt Nam nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao Bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ 1 (MDG1) - hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015. Điều này đã khẳng định định hướng chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam là đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp với xu thế chung của thế giới, trong đó có sự đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tạp chí Điện tử Mặt trận trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung chính bài phát biểu của đồng chí Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông tin về một số hoạt động của đoàn tại Hội nghị.

                           Tuấn Anh - từ Santo Domingo, Cộng hoà Dominicana

 TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ BÙI THỊ THANH TẠI HỘI NGHỊ QUỐC TẾ - ĐẠI HỘI ĐỒNG AICESIS NĂM 2017   

Để chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động của Việt Nam, tôi xin được trình bày về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo liên quan đến bất bình đẳng ở Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nhân dân và những người tiêu biểu trong xã hội, được Điều 9 Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân...  tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đầu thập niên 1990, Việt Nam chuyển sang nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế khác nhau cùng tồn tại và phát triển, trong nông nghiệp thực hiện giao khoán đến hộ gia đình đã tạo nên những bước phát triển kinh tế rõ rệt. Từ một nước đang thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên giữ vị trí một trong hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới từ đó đến nay, an ninh luôn được giữ vững.

Tuy nhiên, tác động của mặt trái cơ chế thị trường cùng với những nguyên nhân khác đã làm cho khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng có xu hướng tăng cao, nguy cơ đói nghèo ở một bộ phân dân cư đã được nhận rõ.

Trước tình hình đó, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với xóa đói, giảm nghèo trong nhân dân.

Thực hiện vai trò, nhiệm vụ cùng với Nhà nước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ngày 17/10/2000, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", lấy ngày 17/10 hằng năm - ngày được chọn là ngày "Thế giới chống đói nghèo" làm "Ngày vì người nghèo" của Việt Nam. Đồng thời phát động "Tháng cao điểm hành động vì người nghèo" từ ngày 17/10 đến ngày 18/11 hằng năm để vận động tất cả các tổ chức, cá nhân, tập thể người Việt Nam trong và ngoài nước; các tổ chức và cá nhân người nước ngoài đang hợp tác, làm việc tại Việt Nam có những hành động cụ thể, cùng góp sức giúp đỡ cho người nghèo ở các lĩnh vực:

- Giúp kiến thức, phương tiện kỹ thuật và kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình;

- Giúp cho con em người nghèo những phương tiện thiết yếu để đến trường học tập và chữa bệnh trong các cơ sở y tế;

- Hỗ trợ người nghèo khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, tai nạn đột xuất;

- Đóng góp bằng tiền, hiện vật, ngày công lao động để sửa chữa hoặc xây dựng nhà mới cho các hộ nghèo đang phải sống trong những căn nhà dột nát, tạm bợ, không bảo đảm an toàn cho cuộc sống. Những ngôi nhà này được đặt tên là "Nhà Tình thương", "Nhà Đại đoàn kết" cho người nghèo.

Cuộc vận động "Vì người nghèo" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu gắn tăng trưởng kinh tế với xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam.

Qua kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, chúng tôi thấy rằng, nghèo đói thường đi liền với bất bình đẳng. Tuy nhiên sự bất bình đẳng đó có những mức độ khác nhau khi so sánh ở các đối tượng, các vùng, miền khác nhau:

- Về đối tượng: tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn. Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo. Đối tượng nghèo mới xuất hiện tại thành thị là những người lao động nhập cư và các gia đình nhập cư, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

- Về phân bổ: Tình trạng nghèo đói chậm phát triển tập trung chủ yếu vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển.

Chúng tôi rút ra những kinh nghiệm sau:

- Không chỉ theo đuổi mục tiêu giảm nhanh tỷ lệ nghèo mà cần giữ vững kết quả giảm nghèo đã đạt được, tăng khả năng bền vững, hiệu quả của công tác giảm nghèo; quan tâm đến kết cấu hạ tầng cho vùng nghèo, xã nghèo; đồng thời nâng cấp, cải tạo các tuyến trục giao thông nối vùng nghèo, xã nghèo, vùng khó khăn phát triển, tạo nguồn lực để dân cư vùng nghèo đẩy mạnh sản xuất, phát triển nghành nghề, tăng thu nhập… nâng dần mức sống của các hộ đã thoát nghèo, tránh tình trạng tái nghèo.

- Việt Nam đã triển khai toàn diện nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm hướng đến 3 mục tiêu trọng tâm:

+ Thứ nhất: Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo (y tế, giáo dục, dạy nghề, nhà ở, nước sinh hoạt).

+ Thứ hai: Tạo việc làm và thu nhập thông qua các chính sách bảo đảm đất sản xuất, ưu đãi tín dụng, khuyến nông - lâm - ngư;

+ Thứ ba: Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

          Hiện nay, Việt Nam đặt mối quan hệ hài hòa với tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội, chính sách giảm nghèo luôn được đặt trên nền tảng phát triển kinh tế của từng thời kỳ. Việt Nam đang xây dựng một hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện, Bảo hiểm xã hội là một chính sách tốt, nhưng quan trọng quỹ bảo hiểm xã hội phải được bảo đảm về tài chính, được quản lý tốt và chi tiêu đúng mục đích. Tăng cường cơ hội tiếp cận với các hình thức phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế  cần được mở rộng hơn nữa để người nghèo không bị tách biệt khỏi cộng đồng và tránh được những tổn thương về kinh tế khi công việc không ổn định hay gặp khó khăn về sức khỏe, bệnh tật.

 Hơn 17 năm qua, hệ thống chính trị Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, đã đạt được những kết quả to lớn và bền vững rất đáng tự hào, được nhân dân trong nước hưởng ứng mạnh mẽ, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Vừa qua, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức sự kiện đặc biệt “Công nhận thành tích nổi bật trong đấu tranh xóa đói, giảm nghèo” cho 38 nước  trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với vai trò, nhiệm vụ của mình, là một thành viên của AICESIS, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang góp phần cùng Nhà nước Việt Nam thực hiện có kết quả "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo" để đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc. Trong quá trình hợp tác với Việt Nam, Liên hợp quốc và các đối tác phát triển khác đã ghi nhận những kết quả ấn tượng về thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo mà Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu còn lại trước năm 2015.

Từ khi phát động “Quỹ vì người nghèo” từ ngày 17/10/2000 đến cuối năm 2016 đã tiếp nhận được 11.454 tỷ đồng từ sự ủng hộ trên cả nước, đã xây dựng và sửa chữa được 1.450.000 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, hàng triệu người nghèo được giúp đỡ về sản xuất, học hành, chữa bệnh và đã xây dựng được hàng ngàn công trình an sinh xã hội.

Nhân dịp này, một lần nữa thay mặt Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin gửi tới Hội nghị lời chúc mừng tốt đẹp nhất và chúc Hội nghị thành công.