Hà Tĩnh vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

(Mặt trận) - Xây dựng nông thôn mới là một phong trào cách mạng rộng lớn, xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội một cách phù hợp, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông thôn mới với xây dựng đô thị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Mục tiêu Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 hướng tới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển xây dựng đô thị.

Một trong những mục tiêu mà xây dựng nông thôn mới hướng tới, là xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian qua, các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới đã tập trung nỗ lực, bám sát các tiêu chí, đồng thời dựa trên điều kiện cụ thể của từng địa phương để chọn tiêu chí phấn đấu trước, từ đó tạo động lực để thực hiện các tiêu chí tiếp theo. Qua một thời gian thực hiện, nhiều địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhận thức, thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu, đồng thời, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vùng miền để chọn những tiêu chí phấn đấu trước, từ đó tạo động lực để thực hiện các tiêu chí tiếp theo. Qua gần hai năm thực hiện kế hoạch 2016-2020, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thành công đầu tiên là Hà Tĩnh đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tất cả nguồn lực, từ sự chỉ đạo đến chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh đã tập trung cho xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, từ hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ lãi suất đến việc quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc, đưa chính sách đến tận người dân. Từ đó, các mô hình sản xuất hiệu quả tăng nhanh về số lượng, đảm bảo về chất lượng và phát triển đồng đều, đa dạng các loại hình ở nhiều vùng miền, đánh thức tiềm năng đất đai, lao động, trí tuệ và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của nhân dân ở khắp các miền quê. Hiện nay, toàn tỉnh có 14.445 mô hình sản xuất doanh thu từ 100 triệu đồng đến trên một tỉ đồng.

Cùng với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn Hà Tĩnh cũng hoàn toàn thay đổi khi các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ra đời. Đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có hơn 1.620 thôn triển khai, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, 129 thôn đạt chuẩn. Có hơn 7.500 hộ triển khai xây dựng vườn mẫu, trong đó, 1.753 vườn đạt chuẩn.

Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước làm vườn mẫu gắn tiêu chí đánh giá công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã xác định từng bước đi vững chắc, trước hết là xây dựng vườn mẫu ở những thôn trọng điểm nông thôn mới của từng địa phương, tiến tới xây dựng vườn mẫu của cả xã, cả huyện. Trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, các xã rất quan tâm tới Bộ tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm. Việc phát triển vườn mẫu vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa tạo môi trường, cảnh quan đẹp cho nông thôn và còn có thể thúc đẩy du lịch sinh thái vườn phát triển.

Xác định xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng vườn mẫu trong việc chỉ đạo thực hiện tiêu chí số 20 trong Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định 05/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện Nghi Xuân đã có chủ động triển khai bài bản và khá hiệu quả, cụ thể huyện đã sáng tạo triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu thông qua việc phát động cuộc thi. Cuộc thi xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tới tất cả khu dân cư trên toàn địa bàn huyện, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của người dân từ việc chỉnh trang trong vườn, bảo vệ môi trường, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cùng chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững, tạo được diện mạo mới cho nông thôn theo hướng văn minh, xanh - sạch - đẹp.

Toàn huyện có 150/150 thôn của 17 xã đã xây dựng phương án triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó đã có 46 thôn đạt chuẩn, các thôn còn lại mức độ hoàn thành đạt từ 40 - 80% khối lượng công việc đề ra; có 9 tổ dân phố trong tổng 17 Tổ dân phố triển khai xây dựng văn minh đô thị. Một số xã triển khai bài bản đem lại hiệu quả lớn, như: Xuân Yên, Xuân Viên, Xuân Thành, Xuân Giang... Nhìn chung các thôn có chất lượng xây dựng nông thôn mới khá cao, nhiều thôn xây dựng năm trước đã có sự nỗ lực lớn trong năm 2017, đạt khối lượng tăng thêm nhiều so với năm 2016.

Trong số 346 vườn được các địa phương triển khai thực hiện, có 128 vườn được các xã tự đánh giá cơ bản đạt các tiêu chí vườn mẫu (chiếm 37%). Phong trào xây dựng vườn mẫu, cải tạo vườn tạp ở các địa phương khá mạnh, có nhiều vườn được xoá bỏ cây tạp để xây dựng vườn mẫu, trồng các loại cây có kinh tế, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Trong 238 vườn đăng ký dự thi, các địa phương đã chọn được 103 vườn đăng ký dự thi cấp huyện, kết quả có 27 vườn đạt giải của cuộc thi. Nhìn chung, cuộc thi đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến đáng kể trong phong trào xây dựng vườn mẫu.

Chủ trương xây dựng, phát triển kinh tế trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được xem là một hướng đi đúng của Nghi Xuân. Cùng với đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của Nghi Xuân được quan tâm, bảo tồn và phát triển; các hoạt động văn hóa đậm chất làng xã này đã giúp người dân được chăm sóc đầy đủ hơn về tinh thần, tạo nên một màu sắc văn hóa tích cực cho mỗi làng quê, xoa dịu những nhọc nhằn và cả những mâu thuẫn phát sinh trong đời sống, làm thắm thêm tình làng nghĩa xóm và sự gắn kết cộng đồng.

Để đưa xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và các ngành phải tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện đồng bộ các quy hoạch, bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch xây dựng nông thôn mới... Việc thực hiện quy hoạch được kiểm soát chặt chẽ theo quy định và kịp thời được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với yêu cầu phát triển trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Tổ chức lập và thực hiện tốt các quy hoạch là cơ sở để xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là nền tảng đảm bảo phát triển bền vững cho tỉnh.

Một trong những nội dung đem lại sự phát triển bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh là cơ cấu lại nông nghiệp. Coi phát triển sản xuất là trọng tâm, cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới nên Hà Tĩnh sớm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ngay từ khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nếu như trước năm 2010, mỗi năm tỉnh chỉ dành 5 đến 7 tỷ đồng cho chính sách khuyến khích phát triển sản xuất thì giai đoạn 2011-2016, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp đạt hơn 643 tỷ đồng (bình quân hơn 120 tỷ đồng/năm). Gắn với đó là tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý phát triển nông nghiệp trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; tập trung chỉ đạo đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tạo bước chuyển quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Đối với trồng trọt, chuyển mạnh về cơ cấu mùa vụ, giống, tăng nhanh cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch, nâng giá trị trên đơn vị diện tích đạt 80 triệu đồng/ha. Diện tích cây ăn quả chất lượng cao như cam, bưởi tăng nhanh từ 2.500ha năm 2011 lên 6.000ha năm 2016.

Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, điều kiện còn nhiều khó khăn (đầu năm 2011, bình quân chỉ đạt 3,5 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí và có trên 183 xã đạt dưới 5 tiêu chí) nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của nhân dân, cuối 2017, toàn tỉnh đã có thêm 33 xã được công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên con số 115 xã; bằng 50% tổng số xã toàn tỉnh. Hà Tĩnh không còn xã dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người nông thôn đạt 25 triệu đồng/năm. Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 xã miền núi, biên giới đạt chuẩn nông thôn mới (xã Sơn Kim 1 và xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn), là một trong những tỉnh đầu tiên có 100% xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Qua thực tiễn triển khai xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã rút ra được một số bài học:

Thứ nhất, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo là việc ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, đảm bảo vai trò dẫn dắt, tạo động lực mãnh mẽ cho cả người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, huy động tổng hợp các nguồn lực, công khai, minh bạch và sử dụng đúng quy định, có hiệu quả.

Thứ ba, làm tốt công tác cán bộ như: lấy kết quả đầu ra làm thước đo đánh giá cán bộ; luân chuyển, biệt phái cán bộ về vị trí đứng đầu các địa phương, cơ sở thực hiện xây dựng nông thôn mới. Huy động tối đa lực lượng cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện bám sát từng địa bàn, cùng các xã thực hiện từng tiêu chí cụ thể.

Thứ tư, cán bộ sâu sát, trăn trở, tâm huyết với cuộc sống của nông dân, nông thôn, thường xuyên gắn bó mật thiết với nhân dân, qua đó khơi dậy sức dân, phát huy dân chủ cơ sở, trao quyền tự chủ cho nhân dân và cộng đồng.

Để đạt được các tiêu chí mà Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đề ra một cách bền vững, thiết nghĩ các cấp, các ngành ở địa phương cần thực hiện được những nguyên tắc sau:

Một là, xây dựng nông thôn phải đặt con người là trung tâm của sự phát triển; phát triển kinh tế nông thôn hiện đại, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Hai là, phải xem văn hóa là một nhân tố chủ chốt của sự phát triển bền vững trong xây dựng nông thôn mới, có cơ chế bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa ổn định, bền vững tạo nên cốt cách con người Việt Nam. Biết chọn lọc những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhân loại làm giàu văn hóa Việt.

Ba là, bảo vệ và cải thiện môi trường sống nông thôn. Tích cực, chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu đối với môi trường do quá trình xây dựng nông thôn mới gây ra. Dần thay thế công nghệ lạc hậu bằng sử dụng khoa học công nghệ hiện đại, sạch, thân thiện với môi trường. Có cơ chế xử lý những tổ chức, cá nhân gây tác hại cho môi trường sinh thái.

Bốn là, quá trình xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai. Đảm bảo sự thụ hưởng công bằng giữa các giai tầng, dân tộc, tôn giáo, vùng miền… trong xây dựng nông thôn mới.

Năm là, việc xây dựng chính sách phát triển cho địa phương trên cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong xây dựng nông thôn mới cần có chiến lược dài hạn và phải kiên trì thực hiện từng bước. Trong quá trình thực hiện, có tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời, đi đúng hướng đề ra.

Sáu là, phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, toàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và người dân. Do vậy, cả hệ thống chính trị phải có nhận thức đúng và thực hiện tốt các mục tiêu, tiêu chí, nguyên tắc, giải pháp trong xây dựng nông thôn mới để bảo đảm sự phát triển và mang tính bền vững.

Trần Thị Bích Thủy

ThS., Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh

Tài liệu tham khảo:

1.  Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

2. Quyết định 05/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2017-2020, thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.