Hà Nội rút chốt kiểm soát trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, vẫn duy trì hoạt động 21 chốt còn lại

(Mặt trận) - Lãnh đạo Công an Hà Nội cũng cho biết 21 chốt còn lại vẫn hoạt động, tuy nhiên việc kiểm soát được thực hiện linh hoạt trong tình hình mới.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

Chốt kiểm soát trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đặt trên địa phận tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Zing.vn

Sáng 15/10, lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 8 đặt tại trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được tạm rút bỏ. Việc rút về được thực hiện vào sáng cùng ngày. Phương tiện qua lại cả hai chiều Hà Nội - Hải Phòng và Hải Phòng - Hà Nội không phải dừng lại để khai báo, kiểm tra y tế.

Theo lãnh đạo Công an Hà Nội, trước đó chốt kiểm soát dịch số 8 được đặt ở đường Cổ Linh nhưng do nơi này mặt đường hẹp lại nhiều nhánh rẽ, không kiểm soát triệt để được phương tiện nên UBND Hà Nội đã đề xuất tỉnh Hưng Yên cho mượn đất để cắm chốt tại khu vực trạm thu phí của cao tốc.

Tới chiều 14/10, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản đề nghị Hà Nội rút chốt kiểm soát số 8 về trở lại thành phố.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Công an Hà Nội, hiện tại 21 chốt còn lại vẫn hoạt động, chưa có quyết định rút bỏ. Đơn vị đang căn cứ tình hình và các chỉ đạo của UBND thành phố để tiếp tục rút các chốt khác trong một hai ngày tới.

Theo chỉ huy Phòng CSGT Công an Hà Nội, sáng 15/10 các chốt kiểm soát vẫn hoạt động và kiểm soát linh hoạt các phương tiện. Đồng thời lực lượng chức năng còn có nhiệm vụ hỗ trợ người dân từ vùng dịch trở về quê.

Cũng trong sáng 15/10 tại một số chốt kiểm soát, lực lượng chức năng không dừng triệt để các xe mà chỉ kiểm tra theo xác suất, tập trung vào các phương tiện có nhiều người.

 Vị trí chốt trực tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng về Hà Nội đã tháo dỡ sáng nay. Ảnh: Thiều Mạnh Ngọc
Trong sáng ngày 14/10, nhiều người xếp hàng để khai báo y tế và kiểm tra các giấy tờ liên quan. Việc kiểm soát được thực hiện ở cả chiều ra và vào Hà Nội. Ảnh: Zing.vn

Theo thống kê, trong ngày 14/10, tại một số tỉnh yêu cầu phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính đối với việc di chuyển của người dân.

Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu bắt buộc người từ nơi khác tới phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ, kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.

Tỉnh Thái Nguyên áp dụng theo công văn số 4716, yêu cầu người ngoại tỉnh từ vùng xanh về phải có giấy test nhanh.

Người dân vào TP Vinh, Nghệ An vẫn phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hiệu lực, nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hoặc giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh. Trường hợp phiếu báo kết quả hết hiệu lực, người dân bắt buộc phải thực hiện test Covid-19 mới được vào TP Vinh. Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được cho qua chốt.

Ngày 14/10, người các địa phương đến tỉnh Quảng Trị vẫn phải có giấy test nhanh âm tính với SARS-CoV-2; người tiêm đủ 2 liều vắc xin về từ vùng dịch, phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày. Tỉnh đã ban hành công văn gửi các sở, ngành, địa phương yêu cầu xây dựng kế hoạch "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, trình UBND tỉnh trước ngày 16/10.

Tỉnh Quảng Ngãi kiểm soát nghiêm ngặt, yêu cầu người vào tỉnh lưu trú phải khai báo y tế và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tài xế của xe tải chở hàng hóa phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được phép lưu thông qua chốt.

Tỉnh An Giang yêu cầu đối với phương tiện vận tải hàng hóa (đã đăng ký luồng xanh), tài xế và người đi cùng đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 (qua 14 ngày), có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế, hướng dẫn cho khai báo y tế (không test nhanh tại chốt) thì cho vào tỉnh An Giang. Quy định này áp dụng từ 17h ngày 13/10 cho đến khi có thông báo mới.

Tỉnh Bạc Liêu yêu cầu lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tất cả các trường hợp người và phương tiện vận chuyển hàng hóa vào tỉnh. Tất cả mọi người không được di chuyển vào tỉnh nếu không có sự cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu vào tỉnh phải cách ly tập trung hoặc tại cơ sở lưu trú.

Tỉnh Bình Dương yêu cầu: Điều kiện lưu thông, hành khách tham gia giao thông đi từ địa phương, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương, khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc PC-COVID-19 hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên ô tô.