Hà Nội: Chuẩn bị sẵn kịch bản phòng dịch, phục hồi sản xuất cho 2 giai đoạn sau 15 và 21/9

(Mặt trận) - Chiều 13/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, Phó Chỉ huy trưởng đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Sở Chỉ huy công tác phòng chống Covid-19 TP Hà Nội với các sở ngành, quận, huyện, xã, phường.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải chủ trì phiên họp.
Không để tình trạng người lao động ngoại tỉnh bị mắc kẹt đi bộ về quê
Tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tính đến 14 giờ ngày 13/9, toàn TP có 37 ca mắc Covid-19 mới. Hiện nay, TP đang có 1.298 trường hợp đang điều trị Covid-19. Hiện trên địa bàn TP còn 86 điểm còn phong tỏa; cách ly hơn 4.100 trường hợp F1.

Thống kê cho thấy, trong ngày hôm nay, toàn TP Hà Nội đã tiêm được 248.313 mũi vaccine phòng Covid-19. Cộng dồn tới 18h30 ngày 13/9, toàn TP đã tiêm cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP Hà Nội được 4.728.739 mũi tiêm (mũi 1: 4.325.619, mũi 2: 403.120). Về công tác xét nghiệm, tính đến 18h00 ngày 13/9, toàn thành phố đã lấy được trên 2.700.150 mẫu.

Từ nay đến ngày 15/9, Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo tiến độ; tránh tình trạng dồn mẫu cùng lúc tại đơn vị xét nghiệm. “Trưa nay, TP được phân bổ thêm 418 ngàn mũi vaccine Sinopharm, đề nghị các quận huyện tiến hành tiêm ngay cho người dân” – Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các đơn vị sớm triển khai trạm y tế lưu động.

Tại buổi giao ban, các quận huyện đã báo cáo nhanh về công tác thực hiện xét nghiệm diện rộng và tiêm phủ vaccine cho người trên 18 tuổi. Là địa bàn đông dân cư, số lượng lấy mẫu lớn, quận Hoàng Mai cho biết đã được TP “chi viện” thêm 400 sinh viên ở Học viện Quân y, nâng số người tham gia lấy mẫu xét nghiệm lên 1.000 người và cam kết sẽ hoàn thành đúng hẹn vào ngày 15/9.
Hai huyện Thường Tín và Chương Mỹ cũng báo cáo nhanh về tình hình khoanh vùng dập dịch khi có các F0 mới. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết, huyện đã phong tỏa, cách ly toàn bộ xã Thụy Hương để bảo đảm phòng, chống dịch do có ca Covid-19. Huyện đã xét nghiệm toàn bộ người dân xã Thụy Hương để từng bước thu hẹp phạm vi cách ly từ ngày 11/9. Tuy nhiên đến nay mới có 1200/9200 mẫu có kết quả (âm tính). 
Đáng chú ý, ông Hoa cho biết, trong thời gian qua huyện đã chuyển đi 163 lao động tự do ngoại tỉnh mắc kẹt ở Hà Nội gồm công dân các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Vừa qua, có khoảng 40 người đi bộ đi về địa bàn Chương Mỹ để vào Hòa Bình, nhưng chốt kiểm soát của tỉnh không cho vào nên họ quay lại và huyện Chương Mỹ phải tổ chức chỗ ăn ở, chăm sóc những người này. Huyện đã liên hệ với tỉnh Hòa Bình cho xe qua chốt để chở một số công dân về các tỉnh. Hiện còn 26 người đang được chăm sóc tại thị trấn Xuân Mai.
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, TP đã có văn bản hướng dẫn. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị nhất là các quận ở vùng 1 phải rà soát, quản lý chặt những lao động ngoại tỉnh bị mắc kẹt, không để đi lại sai quy định phòng chống dịch.
Tăng cường kiểm soát việc phát giấy mời đi tiêm vaccine
Báo cáo tại phiên họp, Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP cho biết, từ ngày 12 đến 13/9, vi phạm trong công tác phòng chống dịch có chiều hướng giảm. 10 huyện ko có trường hợp vi phạm nào.
Đáng chú ý, Đại tá Trần Ngọc Dương đề nghị UBND các quận huyện tăng cường kiểm soát việc phát giấy mời đi tiêm vaccine. Hiện nay giấy mời được phát theo đăng ký tạm trú trên địa bàn. Trong đó có người đã về quê trước đó, nhưng giấy mời này vẫn được chuyển cho các trường hợp này và họ lại quay về Hà Nội, xuất trình giấy mời tiêm gây khó khăn cho lực các chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô. 
Đặc biệt, Phó Giám đốc CATP cho biết, đêm 11/9, Công an TP ở các chốt kiểm soát lối vào Thủ đô phát hiện 2 ô tô chở 53 trường hợp nhập cảnh, đã tiêm hai mũi vaccine, hoàn thành cách ly thí điểm 1 tuần ở Quảng Ninh, nay vào Hà Nội để cách ly tiếp.
Tuy nhiên, Quảng Ninh không trao đổi với Hà Nội, mà giao việc chở những trường hợp này cho 1 công ty du lịch của Quảng Ninh và chỉ có công văn của Sở GTVT tỉnh. Lực lượng công an đã cương quyết không cho các trường hợp này vào TP. 1 xe đã quay đầu ngay nhưng 1 xe đã thả 27 người xuống khu vực cửa ngõ với lý do xe hỏng phải đi sửa…
Đến trưa ngày 12/9 mới có xe quay lại và trình giấy tờ Sở Y tế Quảng Ninh gửi Sở Y tế Hà Nội, có danh sách cụ thể về việc tiếp tục cách ly thêm 1 tuần ở Hà Nội. Sở Y tế đã có mặt và xác minh, sau đó tạo điều kiện đưa những người này về khách sạn Keangnam, thông báo cho lực lượng y tế phường để theo dõi chặt chẽ việc tiếp tục cách ly. 
Đại tá Trần Ngọc Dương nêu rõ: “Đề nghị Sở Y tế thông báo cho Sở Y tế của các tỉnh, phải có thông báo trước với các trường hợp tương tự để có phương án cụ thể đưa đón, cách ly. Nếu lực lượng công an không cương quyết, để công ty du lịch vào thì rất dễ có tình trạng chở đi khắp các nơi, không thể quản lý được”.
Sau khi nghe lãnh đạo Công an TP báo cáo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải ghi nhận Công an Hà Nội nắm chắc và chủ động với tình hình, triển khai rất quyết liệt từ các điểm chốt. Phó Chủ tịch UBND TP nhắc nhở các quận huyện rất quản lý, nắm chắc thông tin cư dân trên địa bàn, khi chuyển giấy mời tiêm phải là người đang có mặt ở địa bàn, tránh để có hiện tượng như Công an TP phát hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhắc Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong việc tổ chức người nhập cảnh vào Hà Nội bởi đây đều là những trường hợp nguy cơ cao, rất dễ trở thành nguồn lây nhiễm ở bên ngoài…
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất ở vùng 2,3 
Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống dịch của TP đang đi đúng hướng, đảm bảo theo nguyên tắc chỉ đạo chung, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, được Trung ương và dư luận đánh giá cao”. 
Đặc biệt, việc triển khai xét nghiệm diện rộng và tiêm vaccine đã được dư luận Nhân dân đánh giá cao, tin tưởng vào sự lãnh đạo chỉ đạo chung của TP trong lộ trình phòng chống dịch. 
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị kế hoạch cụ thể cho giai đoạn sau ngày 15/9 và ngày 21/9. 
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo rõ, đối với việc phong tỏa, cách ly các trường hợp F0, các đơn vị phải triển khai các phương án với phương châm nhanh nhất, gọn nhất, khoanh đúng và thu hẹp tối đa điểm phong tỏa, cách ly để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị phải triển khai khẩn trương hơn nữa việc xét nghiệm diện rộng. Sở Y tế phối hợp với các quận huyện rà soát lại cơ sở dữ liệu; điều phối và phân bổ vaccine phù hợp, hoàn thành nhanh nhất kế hoạch xét nghiệm và tiêm chủng đã được đặt ra; thống nhất áp dụng toàn bộ cơ chế chính sách cho các lực lượng tỉnh bạn giống như cho các lực lượng của Hà Nội. 
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết TP đã xây dựng chính sách cùng với các chính sách của Trung ương để kịp thời hỗ trợ người dân. Các quận huyện rà soát cụ thể để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng. “Người dân đánh giá cao việc TP xây dựng và triển khai chính sách, đặc biệt là Nghị quyết 15 (những cơ chế, chính sách đặc thù riêng của Hà Nội chưa có trong Nghị quyết 68 của Chính phủ) đã được xây dựng rất kịp thời, HĐND TP đã thông qua và triển khai giám sát ngay, kết quả rất tốt” - Phó Chủ tịch UBND TP nói
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cũng giao Sở KH-ĐT chủ trì với các sở ngành liên quan để rà soát lại phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là cho giai đoạn sau ngày 15/9. 
Hiện nay, TP đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở phân vùng 2,3, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phản ánh có vướng mắc trong việc phối hợp để giải quyết việc đi lại của người lao động giữa các vùng. Vì vậy, các địa phương cần nghiên cứu phương án phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho người lao động, cho doanh nghiệp sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
 Lực lượng y tế và cơ quan chức năng tại các chốt kiểm soát
Lắp camera quét mã QR code tại 23 chốt kiểm soát phương tiện ở cửa ngõ ra vào TP
Được biết, trong tối 13/9, Công an TP Hà Nội đã triển khai lắp đặt hệ thống camera nhằm phục vụ việc quét mã QR code tại 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào TP. Hệ thống này có sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), việc lắp đặt camera trong việc quét mã QR code sẽ mang lại những ưu việt như hạn chế cán bộ, chiến sĩ tiếp xúc gần với các lái xe, tránh hiện tượng lây nhiễm cộng đồng.
Các chốt lắp đặt hệ thống camera quét mã QR code thông qua webcam cải thiện tốc độ quét so với quét qua camera của điện thoại... Ngoài ra, việc sử dụng máy tính cho phép thao tác dễ dàng, thân thiện. Camera có dây nối kéo dài, đặt cố định giữ được khoảng cách, tránh tiếp xúc gây nguy cơ lây nhiễm.
Thiếu tá Phùng Quang Hưng - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phụ trách chốt số 2 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho hay, hệ thống camera quét mã QR code được hỗ trợ hoàn toàn trên nền tảng ứng dụng của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH tại trang https://kiemdich.dancuquocgia.gov.vn nên không cần cấu hình, cài đặt đơn giản và thời gian quét rất nhanh trong khoảng từ 2 - 5 giây.
Sau khi quét, hệ thống của Cục sẽ tự động kiểm tra lại thông tin, giấy tờ của công dân nhanh chóng; đảm bảo khoảng cách, hạn chế tiếp xúc; kịp thời xác định nhân thân người lưu thông; ngăn chặn kịp thời F0 vi phạm quy định về giãn cách xã hội.
Cũng theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, cách thức tổ chức hoạt động của camera trong việc quét mã QR code rất thuận tiện như: Bố trí dây kết nối giữa webcam với máy tính có độ dài đảm bảo giãn cách giữa người khai báo sức khỏe với cán bộ kiểm soát tại chốt. Khoảng cách giữa webcam với người khai báo y tế khi xuất trình QR code: tối đa 30cm. Tùy từng điều kiện tại chốt, cán bộ tại chốt có thể linh hoạt bố trí cho phù hợp; chú ý webcam tại vị trí ngay ngắn, cố định tránh tình trạng rơi vỡ ảnh hưởng quá trình sử dụng.
Các camera được sử dụng để quét mã QR code, đồng thời người dân có thể đưa tài liệu, giấy tờ lên camera để cán bộ chốt kiểm tra khi có yêu cầu. Việc sử dụng ứng dụng phần mềm VNEID với giao diện tiện lợi hơn cho người dân, tăng tốc độ xử lý tự động của hệ thống kiểm soát di chuyển, giúp xử lý nhanh chóng cho người dân, tránh ùn tắc tại chốt.