Đổi mới để người làm công tác Mặt trận thấu hiểu hơn nữa tâm tư, nguyện vọng của nhân dân

(Mặt trận) - Ngày 5/7, từ những nội dung trình bày tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ mười bốn (khóa VIII) tại Nghệ An, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận xung quanh Tờ trình Đề cương Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX; Tờ trình về Dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi) và Phương hướng hoạt động của công tác Mặt trận trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ 9, ông Đỗ Duy Thường, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hiện nay người dân đang rất ủng hộ Đảng về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Chính phủ cũng có mục tiêu là Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vậy Mặt trận phải phát huy rõ vai trò của mình như thế nào trong bối cảnh này?

Theo đó, ông Thường cho rằng, hoạt động của Mặt trận phải bám vào Luật MTTQ Việt Nam. Trong đó, Mặt trận phải coi trọng việc giải quyết những bức xúc của người dân, một trong những nguyên nhân bức xúc là việc giải quyết chính sách cho người dân còn chậm trễ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, trước những điểm nóng đã xảy ra ở 11 tỉnh, thành trong thời gian qua, Mặt trận phải tìm ra những “lỗ hổng” trong quản lý dân cư.

Do vậy trong dự thảo báo cáo chính trị cần phải đặt ra mục tiêu xây dựng mỗi khu dân cư là một cộng đồng liên gia tự quản, tự xây. Kinh nghiệm cho thấy, ở những khu dân cư có nhiều mô hình tự quản như khu dân cư xanh - sạch - đẹp là nhân tố để triển khai thành công xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Nhấn mạnh về bài học kinh nghiệm trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, ông Vũ Trọng Kim đề nghị nêu bật việc Mặt trận kế thừa những quan điểm sâu sắc đã có và rút ra những bài học kinh nghiệm mới. Bài học đó là về lòng dân, làm sao hiểu được sâu sắc và đảm bảo để lòng dân yên. Đó là trong cách làm phải gần dân, hiểu dân, học dân, “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” là phương pháp của Mặt trận.

“Báo cáo chính trị phải đưa ra được triết lý về niềm tin về sự gắn bó của Mặt trận với nhân dân, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phải đi vào từng ngõ, từng nhà, biết ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác vận động nhân dân. Phải phát huy vai trò nòng cốt của thế hệ trẻ trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác tuyên truyền. Thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm này, những nhiệm vụ trọng tâm khác nhưng không nghe dân nói, không làm dân tin thì công tác Mặt trận không có hiệu quả. Đó là bài học kinh nghiệm lớn nhất chúng ta phải rút ra.”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Góp ý vào chủ đề Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, ông Lù Văn Que cho rằng, chủ đề “Đoàn kết - đổi mới - hợp tác - phát triển” là phù hợp vì trong giai đoạn hiện nay, song song với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phải đi liền với nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận, tăng cường hợp tác với các nước bạn để củng cố hoạt động của Mặt trận, từ đó xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để đất nước phát triển một cách hài hoà về kinh tế, xã hội, văn hoá, ông Lù Văn Que nhắc tới trọng tâm phải là con người. Do đó, Mặt trận phải quan tâm đến việc xây dựng con người Việt Nam, tuyên chiến với những biểu hiện xuống cấp về đạo đức.

Đề cập đền việc sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam, ông Lù Văn Que cho rằng, việc sửa đổi Điều lệ phải nâng cao được vị thế của MTTQ Việt Nam, Điều lệ mới đảm bảo tổ chức của Mặt trận phải mạnh, hoạt động của Mặt trận phải có hiệu quả hơn, kỷ luật phải nghiêm, mỗi cán bộ Mặt trận phải đồng tâm, hiệp lực, đóng góp sức mình cho công tác Mặt trận tại khu dân cư và đảm bảo tính dân chủ, tập trung, trí tuệ, đưa ra giải pháp kịp thời cho hoạt động của Mặt trận.

Trong việc chọn Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, ông Que cho rằng phải chọn những người thực sự có trí tuệ, có tâm, có tầm, có uy tín và tiêu biểu ở các vùng miền, lĩnh vực.

Đồng tình với ông Lù Văn Que, ông Lê Truyền cho rằng, đây là điều kiện chín muồi để sửa đổi Điều lệ, hiện nay Luật MTTQ Việt Nam đã được hoàn thiện và thông qua, việc sửa đổi Điều lệ phải thực hiện được ý Đảng và cụ thể hóa những gì Luật đã có, Điều lệ phải khai thác tối đa những gì Luật đã đưa ra để Điều lệ phong phú hơn, và phải đại diện được quyền lợi, nói lên tiếng nói và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

“Mặt trận là lắng nghe, quan tâm, bảo vệ và đại diện cho nhân dân. Chính vì vậy, việc hoàn thiện Điều lệ sẽ góp phần tăng cường vai trò của Mặt trận, vị thế của Mặt trận và phát huy được vai trò của mình trong tập hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, đồng thời đưa ra các chương trình giám sát, phản biện hiệu quả.”, ông Truyền nhấn mạnh.

Trong nguyên tắc tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam, ông Lê Truyền cũng lưu ý, khi phối hợp tổ chức hành động, các tổ chức thành viên giữ tính độc lập và Mặt trận cũng độc lập trong hoạt động của mình để nâng cao vai trò giám sát, phản biện.

Đặc biệt, Mặt trận phải làm rõ được quy chế phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức trong đó có Đảng khi Đảng cũng là thành viên của Mặt trận và bám sát Luật MTTQ Việt Nam. 

Đánh giá về công tác tuyên truyền trong thời gian qua, ông Nguyễn Túc cho rằng, công tác tuyên truyền đã đạt hiệu quả cao khi những thông tin đã được phản ảnh kịp thời thông qua Ban Tuyên giáo, cổng thông tin UBTƯ MTTQ Việt Nam, Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận… Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, của những người làm công tác Mặt trận, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Túc, nhân dân rất ghi nhận vai trò của Mặt trận trong sự vận hành của đất nước.

“Dân nói ở đâu khó ở đó có Mặt trận. Tuy nhiên, trong công tác tuyên truyền, vận động, mặc dù nhiều lúc cấp trên đang rất “nóng” nhưng công tác tuyên truyền của chúng ta lại muộn. Vì thế Mặt trận cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền ở những địa bàn thực hiện chưa tốt, những nơi nắm tình hình dư luận chưa sát, những nơi dễ bị các phần tử xấu lợi dụng để có hướng giải quyết xác đáng hơn” - ông Nguyễn Túc thẳng thắn phản ánh.

Đề cập đến việc kiểm soát quyền lực của Nhà nước, ông Trần Ngọc Đường cho rằng, trong thời gian gần đây, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng được đẩy mạnh, việc kiểm soát quyền lực của Nhà nước ngày càng được coi trọng, đặc biệt việc kiểm soát quyền lực nhà nước từ nhân dân hay nói cách khác chính là từ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân tiêu biểu - đây chính là những chủ thể góp phần kiểm soát quyền lực được phát huy và đưa hoạt động giám sát, phản biện có sự thay đổi về chất.

Tuy nhiên ông Đường cho rằng, giám sát, phản biện xã hội chỉ là một phương thức để kiểm soát quyền lực của Nhà nước, báo cáo phản ánh kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội cũng góp phần phản ánh việc kiểm soát quyền lực. “Mặt trận phải tập trung phản biện những vấn đề mang tầm vĩ mô, phải tập trung những ý kiến của nhân dân gửi đến cơ quan cao nhất để những ý kiến cử tri và nhân dân phản ánh được xem xét và lắng nghe.”, ông Đường đề nghị.

Trong báo cáo chính trị trình Đại hội, ông Đường cho rằng phải đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, coi đây là công cụ chính để kiểm soát quyền lực Nhà nước, tránh hiện tượng kiểm soát theo nghĩa hẹp như hiện nay.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đại biểu trao đổi ý kiến bên lề Hội nghị.