(Mặt trận) - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và nâng cao chất lượng “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư trong điều kiện mới. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hiện nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đang chủ trì thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phối hợp thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua toàn quốc: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”... Các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng có các phong trào của tổ chức như: phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân; phong trào "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" của Đoàn Thanh niên; “Phong trào 5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào “Nêu gương sáng, hiến công, hiến kế vì quê hương đất nước” của Hội Cựu chiến binh; phong trào “Xây dựng xã hội học tập” của Hội Khuyến học; phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều phong trào khác.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, các cuộc vận động của MTTQ Việt Nam chủ trì phát động cùng với các phong trào thi đua yêu nước khác đã khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, tinh thần tự lực, tự quản của mỗi cộng đồng trong phấn đấu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác Mặt trận.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những tồn tại như: các cuộc vận động và các phong trào thi đua thiếu sự gắn kết, còn chồng chéo nội dung, nhiệm vụ ở cơ sở, khu dân cư; sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở triển khai nội dung các cuộc vận động và các phong trào thi đua chưa chặt chẽ, do đó kết quả thực hiện chưa rõ ràng, cụ thể. Công tác khen thưởng chưa tạo động lực thúc đẩy các CVĐ, phong trào; nhiều phong trào có đánh giá nhưng không kịp thời biểu dương, khen thưởng.
Từ thực tiễn đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cần thống nhất tiêu chí đánh giá, công nhận các danh hiệu thi đua ở cơ sở và khu dân cư để góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Để các phong trào có sức sống lâu bền, phải chú trọng biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể, tổ chức, cơ quan điển hình. Khen thưởng đúng lúc là một đòn bẩy thiết thực để động viên các phong trào thi đua.
Cũng tại Hội thảo, các ý kiến đại biểu cho rằng, từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cho thấy, công tác đánh giá, ghi nhận kết quả và khen thưởng, động viên kịp thời các nhân tố điển hình là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động.
Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm HĐTV Văn hóa - Xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, hệ thống Mặt trận trong nhiều năm qua chủ trì hai cuộc vận động chính là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo” đã mang lại những kết quả to lớn, thu hút cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Túc, những năm gần đây đã bộc lộ nhiều tồn tại do bệnh thành tích, tư tưởng cả nể, thái độ dĩ hòa vi quý.
“Nhân dân không thể hiểu nổi tình trạng không ít xã, phường có đến 95% thậm chí 98% gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, nhưng tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, ma túy, tai nạn giao thông, mại dâm, mâu thuẫn trong các gia đình đến mức đánh chửi nhau vẫn cứ xảy ra. Không ít gia đình đã từ chối nhận danh hiệu Gia đình văn hóa vì nó “bão hòa”, đánh đồng giữa “gia đình văn hóa” và gia đình “thiếu văn hóa”, ông Túc bày tỏ.
Ông Nguyễn Túc đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nên nghiên cứu để Cuộc vận động đi vào thực chất hơn. Nên xét tặng huân, huy chương một cách chủ động, kịp thời, đúng người, đúng công lao. Việc xét duyệt khen thưởng phải công tâm, chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, tuyệt đối tránh “ban phát”, ngăn chặn hiện tượng “buôn bán” huân, huy chương và các danh hiệu cao quý khác của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức động viên, khen thưởng để huy động toàn xã hội tham gia thi đua ái quốc.
“Nên nghiên cứu có những loại huân, huy chương và những hình thức động viên khen thưởng mới cho phù hợp, tương tự trước đây Nhà nước ta và Bác Hồ đã từng làm như “Dũng sĩ chống tội phạm”, “Dũng sĩ chống đói nghèo”, “Dũng sĩ chống ma túy”…”, ông Nguyễn Túc đề nghị.
Một số ý kiến tại Hội thảo.
Từ thực tiễn cơ sở, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam Hà Thị Minh Tâm cho rằng, cần có những giải pháp đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Theo đó, cần gắn phong trào thi đua với việc biểu dương, phát hiện và nhân rộng các điển hình để động viên kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện Cuộc vận động. Hàng năm, Trung ương nên thống nhất phát động Cuộc vận động trong cả nước để tạo thành một phong trào rộng khắp và có đánh giá vào cuối năm, nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Việc bình xét, công nhận các danh hiệu nên có các hình thức biểu dương phù hợp ở khu dân cư như giấy khen, giấy ghi nhận để biểu dương, khuyến khích kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu có đóng góp cho Cuộc vận động”, bà Tâm đề nghị.
Góp ý vào việc nâng cao chất lượng “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, ông Lê Truyền - Phó Chủ nhiệm HĐTV Văn hóa - Xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị phải đưa “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” thành ngày của toàn dân, không có yếu tố gò bó, áp đặt.
“Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc phải tạo không khí hạnh phúc, đoàn kết ở khu dân cư, thể hiện rõ tình làng nghĩa xóm, truyền cho nhau những yếu tố tích cực để cùng hướng tới thúc đẩy sự phát triển”, ông Truyền bày tỏ.
“Ngày hội cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trên địa bàn khu dân cư. Ngoài chế độ khen thưởng theo quy định của Luật, nên có hướng dẫn có những hình thức khen thưởng phù hợp để khích lệ cộng đồng, làng xóm”, ông Truyền gợi mở.
Cùng với đó, ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo cũng đề nghị cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc qua việc xác định chủ đề hàng năm của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, để có cơ sở định hướng và định lượng hoạt động ở khu dân cư trong vận động nhân dân tham gia, từ đó cuối năm có cơ sở để đánh giá kết quả, mức độ đồng tình của dân và sự hưởng lợi của nhân dân từ Cuộc vận động. Việc tổ chức Ngày hội phải để nhân dân thấy được mình là người trong cuộc. Phần lễ phải được tổ chức trang trọng, phần hội phải sôi nổi, với sự tham dự của lãnh đạo cấp trên để vừa động viên, thấy được thực tế ở khu dân cư, nhân dân sẽ phấn khởi, tạo sự đồng thuận.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu kết luận Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, để đáp ứng yêu cầu hiện nay, cần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" theo hướng xác định rõ ràng, cụ thể từng tiêu chí thi đua, đa dạng hóa các hình thức biểu dương khen thưởng phù hợp với từng nội dung của Cuộc vận động như biểu dương phong trào hiến đất làm đường trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình văn hóa...
“Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đang dự thảo, hoàn thiện tiêu chí đánh giá khen thưởng cho Cuộc vận động để việc khen thưởng phải đúng người, đúng việc, kịp thời, tạo sự khích lệ, động viên cho các phong trào thi đua”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh thông tin.
Đối với việc nâng cao chất lượng "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc", Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, cần có các giải pháp cụ thể, đổi mới để ngày hội thực sự là của toàn dân. Nội dung của ngày hội phải thiết thực, phát huy vai trò chủ thể và sự tham gia của người dân. Ngày hội phải đảm bảo cả phần lễ và phần hội, gắn với việc đánh giá thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường việc tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe của cán bộ, đảng viên với người dân, qua đó tạo không khí đầm ấm, vui vẻ trong khu dân cư.
“Nên xem xét quy mô, thời gian tổ chức để ngày hội không rơi vào tình trạng bão hòa, nhàm chán, quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở, cũng như đảm bảo kinh phí để tổ chức ngày hội”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh gợi mở.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, Ban Phong trào UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp thu những giải pháp, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tại Hội thảo, từ đó tham mưu cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ban hành những văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và nâng cao chất lượng "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới.
Hương Diệp - Ảnh Kỳ Anh