Đoàn công tác của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Tỉnh ủy Bạc Liêu, Sóc Trăng

(Mặt trận) - Ngày 18/11, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc tại tỉnh Bạc Liêu về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc 

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu; Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng.

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Ái Nam cho biết, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện tốt nguyên tắc “5K+vaccine”; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Mặc dù, bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương nên trong năm 2021 tỉnh Bạc Liêu ước đạt và vượt 10 trong tổng số 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tốc độ tăng trưởng kinh tế (tạm ước lần 1) tăng 5,92%, tuy không đạt kế hoạch đề ra song đứng khá cao trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng luôn được quan tâm; các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, nhất là những người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã gây tác động tiêu cực đến mọi mặt của sản xuất kinh doanh, đời sống người dân; thu ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, tỉnh phải điều chỉnh giảm một số khoản chi để đảm bảo cân đối ngân sách; việc học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên. Bên cạnh đó, cơ sở khám chữa bệnh công lập thiếu trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ cho phòng, chống dịch; dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ còn cao do số ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa giảm nhiều...

Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm hỗ trợ cho tỉnh nguồn kinh phí để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; hỗ trợ kịp thời trang thiết bị, vật tư y tế cho tỉnh; ủng hộ, thúc đẩy tiến độ Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà hỗ trợ Bạc Liêu chống dịch cho Bạc Liêu 

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bạc Liêu đạt được, nhất là lĩnh vực  kinh tế - xã hội tiếp tục có bước phát triển ấn tượng, dự kiến trong năm 2021 đạt 6%. Tỉnh đã chủ động phối hợp với các tỉnh , thành phố trong khu vực để có sự liên kết, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Các đại biểu lưu ý, Bạc Liêu cần chú ý không để đứt gãy chuỗi sản xuất, thích ứng an toàn trong tình hình mới; quan tâm công tác quy hoạch, tập trung cải thiện môi trường thu hút đầu tư nâng cao chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh). Bạc Liêu cần nâng cao vào trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, trong đó chỉ đạo Mặt trận xây dựng kế hoạch năm 2022 tránh chạy theo thành tích mà phải có trọng tâm trọng điểm; quan tâm đội ngũ cán bộ, tăng cường luân chuyển cán bộ Mật trận và các tổ chức thành viên có năng lực về các sở, ngành...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến các mặt của đời sống xã hội cho nên Quốc hội mới ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 và được cán bộ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh Bạc Liêu trong công tác phòng, chống dịch - tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng vừa giúp phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất là các tuyến ven biển; kêu gọi được nhiều dự án năng lượng sạch; công tác an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo; tỉnh cần đánh giá lại thật kỹ về nguyên nhân những chỉ tiêu chưa đạt để tiếp tục phấn đấu thực hiện từ nay đến cuối năm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu trao tặng 10 căn nhà Đại đoàn kết cho người dân tỉnh Bạc Liêu 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhắc nhở tỉnh phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ luôn luôn thực hiện Thông điệp 5K dù đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; cán bộ và người dân không được chủ quan, lơ là. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu cần rà soát, đánh giá toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; đi sâu vào tận ngõ ngách, vùng sâu, vùng xa. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc với quyết tâm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Bạc Liêu cần quan tâm tới mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nguồn nhân lực và trang thiết bị; cắt giảm các chi phí khác để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp ở cấp độ 3; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong điều kiện có dịch. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng hết sức quan tâm đến đời sống của hơn 27 nghìn lao động của Bạc Liêu đã trở về từ các tỉnh, thành phố để tránh dịch.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao 10 căn nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá 500 triệu đồng và ủng hộ 1,5 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: KGT 

* Sáng cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về kết quả triển khai Nghị quyết số 30/2021/NQ-QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị từ đầu năm 2021 đến nay.

Cùng dự có ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp đoàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Mẫn ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, tích cực của Đảng bộ, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Sóc Trăng trong phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá đúng, toàn diện, khách quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua để rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tỉnh cần tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân; thực hiện tốt 5K + vaccine trong phòng, chống dịch. Sóc Trăng cần quan tâm, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu, dành kinh phí cho phòng, chống dịch... 

Việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các phương án thực hiện kế hoạch trong thời gian tới cần phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như diễn biến tình hình dịch COVID-19. Tỉnh đẩy mạnh triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng cần quan tâm, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhóm đối tượng yếu thế; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trao hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: KGT 

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, góp phần cùng cả nước hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Báo cáo với Đoàn về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết: Đến ngày 17/11, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 10.685 ca mắc COVID-19; trong đó, 7.206 trường hợp đã được điều trị khỏi; 67 ca tử vong; hơn 3.400 người đang điều trị tại các cơ sở y tế. Sóc Trăng có 338 cơ sở cách ly tập trung, với khả năng tiếp nhận khoảng 30.000 người, đang cách ly gần 8.000 trường hợp. Đã có 91,45% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine, trong đó 65,16% người được tiêm 2 mũi.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai quyết liệt, tỉnh Sóc Trăng cũng nỗ lực khôi phục, phát triển sản xuất. Kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực, ước tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,03%/năm; trong năm, đã có 16/23 chỉ tiêu Nghị quyết thực hiện đạt và vượt. Sản xuất nông nghiệp được duy trì và có bước phát triển, tăng so cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng và có tăng trưởng cao trong năm, với tổng kim ngạch 1,15 tỷ USD, vượt 15% chỉ tiêu đề ra. Ước thu ngân sách nhà nước năm 2021 của tỉnh là 4.123 tỷ đồng, giảm 5,2% so năm 2020. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện, kịp thời hỗ trợ người dân khó khăn. Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.

Tại buổi làm việc, các đại biểu trong Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh cũng đã trao đổi, đề xuất kiến nghị xoay quanh các vấn đề về rút ngắn thời gian khi chuyển cấp độ dịch; tiêu chí đánh giá mức độ dịch; đẩy nhanh các dự án đầu tư, xây dựng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, tạo động lực phát triển toàn diện về hệ thống giao thông, hạ tầng kinh tế và trong phát triển liên vùng.

Dịp này, thay mặt Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn đã trao tặng tỉnh 1,5 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo.