Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai

(Mặt trận) - Ngày 19/4, tại trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ VN) do TS. Trần Thanh Mẫn, Ủy Viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về tình hình kinh tế - xã hội và tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở địa phương. Cùng đi với đoàn có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Ngô Sách Thực, đại diện lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… Về phía tỉnh Đồng Nai có ông Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ VN tỉnh, đại diện các sở, ngành trong tỉnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Theo đó, năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,0%, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.012 USD, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 8,7%. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 48.795 tỷ đồng, tăng 13%, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 3.300 doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh tiếp tục được tỉnh quan tâm và thực hiện đạt hiệu quả. Trong quý I năm 2018, tình hình kinh tế của Đồng Nai tiếp tục chuyển biến tích cực, các ngành, lĩnh vực chủ yếu có tốc độ tăng trưởng cao.

Về công tác tôn giáo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh có 10 tôn giáo, với 42 tổ chức đang hoạt động gồm Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo… Tổng số các tín đồ tôn giáo là 2 triệu người, chiếm gần 70% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có gần 10.000 chức sắc, tu sĩ, hơn 21.500 chức việc. Hoạt động tôn giáo trên địa bàn đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đa số các chức sắc, nhà tu hành, đồng bào và tín đồ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền và MTTQ phát động.

Các tôn giáo ngày càng tham gia tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tiêu biểu như tham gia lĩnh vực xã hội hóa y tế, giáo dục, dạy nghề, phát triển cơ sở bảo trợ xã hội, dạy nghề, chăm lo đời sống cho người nghèo với số tiền 200 tỷ đồng/năm. Trong những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh thường xuyên với chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho tín đồ tôn giáo. Ủy ban MTTQ các cấp coi trọng nhiệm vụ vận động, phát huy vai trò và uy tín của các vị chức sắc, nhà tu hành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác tôn giáo. Để khuyến khích, tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội, MTTQ các cấp tỉnh Đồng Nai chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm trong thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, nhất là gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đồng Nai có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là một trong những tỉnh trọng điểm về kinh tế ở phía Nam, dân số đông, có nhiều xã lớn. Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương có nhiều khu công nghiệp nên tập trung lực lượng công nhân đông và có nhiều tôn giáo, dân tộc lớn của cả nước. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt cao, gần gấp đôi mức bình quân cả nước (hơn 4.000 USD) và cũng là một địa phương thu ngân sách rất cao. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 0,4%, năm 2018 tỉnh phấn đấu giảm hộ nghèo xuống còn 0,2. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Đồng Nai đã có nhiều sáng kiến trong công tác tôn giáo và vận động đồng bào Công giáo…  

Chủ tịch Trần Thanh mẫn đề nghị, thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần thực hiện một số công tác như: Quan tâm đặc biệt tới các khu công nghiệp, ổn định sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động; thực hiện hiệu quả hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới để cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; quan tâm đến công tác tôn giáo, hiện nay Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có hiệu lực, “Trong quá trình thực hiện có điều gì tốt thì phát huy, điều gì còn hạn chế thì cần có kiến nghị, quan trọng nhất là vận dụng cơ chế, chính sách của tỉnh đối với các tôn giáo; làm sao Mặt trận và các đoàn thể hoạt động số lượng đi đôi với chất lượng, giảm đi tình trạng hành chính hóa. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội, cần thực hiện giám sát có trọng tâm, trọng điểm để có hiệu quả hơn”- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Trước đó, đoàn công tác đã tham dự Lễ khai mạc Đại hội đại biểu người Công giáo tỉnh Đồng Nai xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2018-2023).

Tham dự Đại hội có hơn 300 đại biểu, đại diện cho khoảng 925 nghìn đồng bào Công giáo trong tỉnh, trong đó, hơn 100 đại biểu là linh mục và tu sĩ.

Báo cáo tại Đại hội cho biết, một trong những nét nổi bật trong nhiệm kỳ 6 (2012-2017) vừa qua của đồng bào Công giáo trên địa bàn là đẩy mạnh các hoạt động bác ái, xã hội, với tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Ngoài ra, đồng bào Công giáo cũng đóng góp gần 150 tỷ đồng để tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện xã hội hóa giao thông nông thôn, góp phần làm cho diện mạo nông thôn, đô thị và các xứ đạo trên địa bàn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Qua đó, góp phần quan trọng giúp Đồng Nai trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với 8/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhân dịp này, thay mặt đoàn công tác, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã trao tặng Đại hội bức ảnh Bác Hồ và Bác Tôn.