Định kỳ 2 năm Chính phủ cần đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và báo cáo Quốc hội

(Mặt trận) - Thảo luận tại tổ chiều nay về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong phòng, chống rửa tiền theo nhóm giải pháp phòng và chống; đồng thời, định kỳ 2 năm Chính phủ cần đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền để báo cáo Quốc hội.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tặng quà cho hộ nghèo, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bình Định

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, An Giang và Bình Dương). Nguồn: quochoi.vn 

Tăng cường hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tại Tổ 12, các ĐBQH tán thành mục tiêu sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống rửa tiền, theo đánh giá của các đại biểu, cũng sẽ khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tránh việc bị đưa vào “Danh sách Xám” dẫn đến việc bị giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) sẽ bị các nước tính phí cao hơn và phải chịu sự rà soát tăng cường. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên thế giới. Các đại biểu cũng nhất trí, với hồ sơ dự án Luật và các tài liệu kèm theo, dự luật đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một Kỳ họp.

Thảo luận về các nội dung cụ thể, ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) đề nghị bổ sung khoản 10 Điều 3 đối với tội phạm đánh bạc và tội phạm ma tuý bởi hai nhóm tội phạm này hiện có liên quan rất nhiều đến hoạt động rửa tiền. Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định đối với tiền ảo vì thực tế hiện nay dù luật pháp chưa cho phép nhưng các hoạt động giao dịch tiền ảo vẫn diễn ra. Nếu không có biện pháp phòng ngừa sớm, ĐB Trình Lam Sinh cho rằng, lĩnh vực này sẽ rất dễ trở thành lĩnh vực rửa tiền nhiều nhất.

Làm rõ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan Nhà nước theo nhóm giải pháp phòng và chống

Để đáp ứng khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), đánh giá của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) tại Báo cáo đánh giá đa phương và phù hợp với thực tiễn triển khai hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền, dự thảo Luật bổ sung các quy định về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền.

Theo đó, định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam, trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định; cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền theo kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành gửi Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia, kế hoạch thực hiện sau đánh giá.

Nhất trí với việc bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị nên quy định theo hướng: định kỳ 2 năm một lần hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ có báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền để báo cáo Quốc hội bởi đây là vấn đề quan trọng, có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia và các cam kết của Việt Nam với quốc tế, do đó, nếu có rủi ro phát sinh liên quan đến chính sách, pháp luật thì Quốc hội phải kịp thời xem xét. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng đề nghị giải thích làm rõ hơn nữa các từ ngữ trong dự thảo Luật, ví dụ như giao dịch đặc biệt... 

ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang) đề nghị cần rà soát bổ sung, làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong phòng, chống rửa tiền theo hai nhóm giải pháp phòng và chống. Theo đại biểu, đây là nội dung cốt lõi, quan trọng nhất của dự luật, sau này có thực hiện hiệu quả được hay không cũng phụ thuộc vào điều này. Tuy nhiên “dự luật chưa quy định rõ, còn chung chung. Trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan có liên quan trong "phòng" rửa tiền là gì? trong "chống" rửa tiền là gì? – Phải cố gắng xác định rõ”, ĐB Hoàng Hữu Chiến nói.