“Cử tri chúng tôi đặt niềm tin rất lớn vào Đảng, Quốc hội và Chính phủ”

(Mặt trận) - Sáng 9/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, đã tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri và đại biểu dự hội nghị tại quận Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư…

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 57 điểm cầu tại các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng với sự tham dự của hơn 760 cử tri.

Nhiều quyết đáp hợp lòng dân

Tại Hội nghị, sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội báo cáo về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Hai, các cử tri bày tỏ đồng tình và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, nhất là kết quả Kỳ họp thứ Nhất vừa qua. Cử tri nêu rõ, với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều quyết sách kịp thời, cho phép áp dụng một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, tạo điều kiện để Chính phủ linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cử tri Nguyễn Quốc Thước (quận Ba Đình) nêu rõ, trong nguy nan của đại dịch, không ít các thế lực thù địch đã lợi dụng những tổn thất, sai sót của một số lãnh đạo, cán bộ địa phương nhằm làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của nhân dân, quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, đến nay cơ bản công tác phòng, chống dịch trên cả nước, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã được kiểm soát, đạp tan mọi luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực xấu, thù địch. Qua giai đoạn “nóng” của đại dịch lần này, cử tri Nguyễn Quốc Thước đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cần có những quyết định nghiêm khắc hơn đối với những cán bộ quen điều hành theo kiểu hành chính, ngồi trong “phòng lạnh” để hô hào, hoặc “thụ động chờ trên”, mà phải thay đổi một cách cơ bản phong cách lãnh đạo, chỉ đạo công việc, “miệng nói tay làm”, lăn lộn xuống cơ sở để kịp thời nắm chắc tình hình, giúp đỡ cấp dưới và nhân dân, tuyệt đối không được chỉ hô khẩu hiệu mà không đưa ra được giải pháp gì. Đồng thời, cần biểu dương những địa phương, cán bộ đã chủ động hành động để ngăn chặn dịch bệnh, hoặc kịp thời khắc phục, hạn chế tổn thất về sức khỏe, tính mạng của nhân dân. “Đây cũng là dịp để Đảng, Nhà nước sàng lọc đội ngũ cán bộ các cấp, xây dựng một đội ngũ cán bộ thích ứng với hành động và điều hành theo kiểu thời chiến trong những tình huống cấp bách, chống dịch như chống giặc…”, cử tri Nguyễn Quốc Thước nói.

Ảnh: Trí Dũng - TTXVN 

Cử tri cũng nêu rõ, đại dịch chưa thể chấm dứt ngay, thậm chí có thể kéo dài do những biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Do đó, để sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, phù hợp với diễn biến dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, thì các cấp, các ngành phải thật sự chủ động ứng phó, với tinh thần 4 sẵn sàng như chống thiên tai, bão lũ, tránh tình trạng dịch xảy ra rồi mới đi tìm giải pháp. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở người dân nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch, tránh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Cử tri cũng mong muốn, Đảng, Nhà nước một mặt tập trung cao độ mọi tiềm lực, lực lượng để đẩy lùi, kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời luôn quan tâm đến vấn đề kinh tế-xã hội, vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế, có nhiều giải pháp căn cơ hơn để bảo đảm đời sống nhân dân với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Cử tri đặc biệt vui mừng và hoan nghênh kết quả Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa bế mạc, đã bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào hai vấn đề lớn là tình hình kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; một số vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cử tri đồng tình cao với tinh thần được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, đó là "nhất hô bá ứng", "tiền hô hậu ủng", "trên dưới đồng lòng" và "dọc ngang thông suốt".

Cử tri hoan nghênh, đánh giá cao kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhất là việc Bộ Chính trị và Trung ương vừa qua đều nhất trí gắn công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trong đó trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước, không có điểm dừng, không có ngoại lệ, kiên quyết, hợp lòng dân, ích nước, lợi nhà. Khẳng định điều này, cử tri Phùng Duy Đan (quận Đống Đa) cho biết: “Cử tri chúng tôi đặt niềm tin rất lớn vào Đảng, Quốc hội và Chính phủ”.

Cử tri có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) - một trong những dự luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai tới; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như chống cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ người chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của nhân dân, cơ quan báo chí, công luận trong công tác phòng, chống dịch, chống những biểu hiện tiêu cực, đồng thời huy động sự tham gia của toàn dân với công tác này…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri 

Quốc hội vì lợi ích của dân, Đảng hết lòng, hết sức vì dân

Thay mặt Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị ngắn gọn, súc tích, sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng của cử tri, đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thể hiện tấm lòng với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đối với sự nghiệp chung của đất nước.

Tổng Bí thư nêu rõ, đúng như chia sẻ của cử tri, thời gian vừa qua, đất nước trải qua nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây không vấn đề của riêng nước ta mà trên toàn thế giới. Với diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều biến chủng mới, lây lan nhanh, thì không thể chủ quan là có thể kiểm soát hoàn toàn được dịch. Trong khi đó, sau thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng, chúng ta phải tiến hành một loạt nhiệm vụ, như tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tiếp đó là kiện toàn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở với tinh thần thống nhất rất cao. Đến nay, tất cả các cấp, các ngành đều đã xây dựng các chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng… Song hành với các công việc lớn đó thì công tác phòng, chống dịch bệnh đòi hỏi phải rất quyết liệt, vừa bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống nhân dân…

Trong bối cảnh tình hình như thế, hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bảo đảm. Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Hai sắp tới, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, theo Tổng Bí thư, tinh thần là họp ngắn gọn, nhưng không có nghĩa là cắt bớt chương trình, mà vẫn phải bảo đảm nội dung chương trình theo hình thức họp mới, kết hợp họp tập trung với trực tuyến, cho thiết thực, hiệu quả.

Tổng Bí thư chia sẻ với ý kiến của cử tri về việc cùng với chống dịch thì cần tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế. Vì “nói gì thì nói phải có thực mới vực được đạo, không được để kinh tế suy sụp, trật tự an ninh an toàn xã hội phải được giữ vững. Đất nước có yên, có bình thì chúng ta mới có thể xây dựng, phát triển kinh tế được; kinh tế có phát triển…”, Tổng Bí thư nói.

Đồng tình với nhận định của cử tri, Tổng Bí thư khẳng định, hoạt động của Quốc hội ngày càng nâng cao về chất lượng, hiệu quả, xứng đáng là cơ quan đại biểu đại diện của nhân dân, đóng góp và thực hiện tốt ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống chủ nghĩa cá nhân, Tổng Bí thư nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là phải “đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, chứ không phải chỉ có chống chủ nghĩa cá nhân. “Lần này Hội nghị Trung ương 4 quyết định không phải chỉ chống tham nhũng mà chống cả tiêu cực; tiêu cực rộng lắm, gồm nhiều thứ, nhưng tập trung chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong công tác; bây giờ hơi tí lại lên mặt “quan cách mạng”, xa dân, kiêu ngạo, hư hỏng thì dân ai chịu được”. Nhấn mạnh nội dung này, Tổng Bí thư khẳng định phải tiếp tục công việc rất lớn này, cùng với việc xây dựng Quốc hội của chúng ta thực sự là một Quốc hội của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đúng như tinh thần cử tri vừa nhắc, đó là “nhất hô bá ứng”, “tiền hộ hậu ủng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” thì mới làm được. Như tổng kết ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

“Quốc hội là những người đại diện cho dân để thực hiện quyền và lợi ích của Dân, chứ Quốc hội không đứng trên Dân, Đảng càng không được đứng trên Dân, là người đầy tớ trung thành của nhân dân, nhưng đồng thời là người lãnh đạo, rất biện chứng”. Chỉ rõ điều này, Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cứ làm đúng tinh thần đó, và cả hệ thống chính trị chúng ta đoàn kết thì chẳng sợ kẻ thù nào”. Với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là “giặc nội xâm” nhưng phải quyết tâm làm và phải làm mạnh mẽ hơn nữa. Quốc hội có luật pháp nghiêm minh, xử lý nghiêm, công minh, chính trực, vì lợi ích của dân thì ta chẳng ngại gì cả. Đảng sẽ hết lòng, hết sức vì dân. “Tôi mong rằng tất cả các ngành, các cấp trong toàn quốc phải quán triệt tinh thần này”, Tổng Bí thư nói.