Chung sức, đồng lòng tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết

(Mặt trận) - Chia sẻ trước thềm Xuân Mậu Tuất 2018, TS. Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vui mừng về những thành tựu của đất nước đạt được trong năm 2017 và bày tỏ trách nhiệm, quyết tâm đổi mới để năm 2018, Mặt trận phải là nơi kết nối lòng người, chung sức, đồng lòng tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết, đóng góp vào sự chuyển mình của đất nước.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh ĐĐK

Một năm và những điều trăn trở

Từ tháng 6/2017, trên cương vị người đứng đầu MTTQ Việt Nam với rất nhiều hoạt động thiết thực, cùng Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo cho đời sống của nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, từ đó tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước… Chủ tịch còn điều gì trăn trở không?  

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Năm 2017, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến quốc phòng, an ninh; từ đối ngoại, an sinh xã hội đến công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhờ đó khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được củng cố và tăng cường. Trong thành tích chung đó có đóng góp thiết thực của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Do vậy, năm 2017 cũng được xem là năm thành công của công tác Mặt trận. Điều này đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Đáng chú ý, trong nhiều hoạt động quan trọng của Mặt trận luôn có sự đồng hành của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương như: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; Lễ trao giải “Báo chí toàn quốc với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc, giai đoạn 2014-2017; Lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017 và phát động Phong trào Đoàn kết, sáng tạo; cầu truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo năm 2017”, cũng như các hội nghị thường niên của UBTƯ MTTQ Việt Nam…

Đặc biệt, mỗi khi thiên tai gây thiêt hại lớn cho nhân dân, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất cho tới các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, cùng mỗi người dân đã kịp thời ủng hộ, chia sẻ với những mất mát, thiệt hại do thiên tai gây ra. Điều đó đã góp phần làm sâu sắc thêm tình nghĩa đồng bào, truyền thống tương thân tương ái, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn của nhân dân ta.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thay mặt Ban Cứu trợ Trung ương trao 2 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân Yên Bái khắc phục hậu quả bão lũ. Ảnh Kỳ Anh.

Đi liền với đó là công tác giám sát và phản biện xã hội được triển khai đồng bộ trong hệ thống Mặt trận với chất lượng, hiệu quả cao hơn. Các cuộc vận động, phong trào thi đua đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hướng tới việc thực hiện chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.

Đây cũng là năm ghi nhận nhiều hoạt động của hệ thống Mặt trận góp phần tổ chức thành công kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia và nhiều kết quả khác nữa.

Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song công tác Mặt trận cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc chăm lo cho đời sống nhân dân, nắm bắt, tìm hiểu tình hình nhân dân.

Năm qua, thời tiết, khí hậu bất thường, lũ lụt, sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, năm qua cũng là năm kỷ lục với 16 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam khiến hàng trăm người thiệt mạng, làm hư hại biết bao tài sản.

Trong rất nhiều chuyến cứu trợ của Mặt trận và Ban Cứu trợ Trung ương mà cá nhân tôi là Trưởng ban, điều trăn trở nhất là hiệu quả của công tác cứu trợ. Số liệu ủng hộ thì nhiều, các tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi cũng rất đông nhưng có đáp ứng đúng nhu cầu của người dân?

Cho đến thời điểm này, khi Tết Nguyên đán đến nhưng vẫn còn nhiều gia đình chưa ổn định về nhà ở, nói gì đến việc ổn định cuộc sống, đón Tết vui Xuân.

Chỉ cần một cơn bão, cơn lũ đi qua, nhiều gia đình lại rơi vào cảnh nghèo túng. Trong khi đó, cả nước vẫn còn hơn 1,7 triệu hộ nghèo, hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, hàng nghìn thôn bản, xã đặc biệt khó khăn và nhiều huyện nghèo cần được quan tâm, hỗ trợ.

Do vậy, tôi cho rằng, cứu trợ không chỉ là chuyện phải đảm bảo “3 đúng, 2 không”: Đúng lúc, đúng nhu cầu, đúng đối tượng - Không được để hộ dân nào bị đói, không được để trẻ em bị thất học. Và dứt khoát không để xảy ra sai sót. Cứu trợ còn là chuyện phải nhìn về lâu dài mà ở đó là tâm thế chủ động, ý thức tự giác, kỹ năng chủ động phòng tránh và thích nghi với thiên tai của mỗi người.

Chăm lo cho người nghèo cũng vậy, không chỉ là câu chuyện “cần câu hay con cá” mà phải đi vào thực chất hơn bằng những hỗ trợ sinh kế thiết thân, cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ năng, công nghệ sản xuất để người nghèo có thể thoát nghèo một cách bền vững.

Điều trăn trở thứ hai, cũng là điều tôi suy nghĩ rất nhiều là làm gì và phải làm như thế nào trong cuộc đấu tranh với tham nhũng, lãng phí.

Cuộc chiến này đang diễn ra vô cùng cam go và lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, trong đó có sự quyết tâm của mỗi người.

Thời gian qua, dư luận rất đồng tình, ghi nhận về sự quyết tâm, quyết liệt của Trung ương Đảng, Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, chỉnh đốn cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ, nhưng nhân dân vẫn đang tiếp tục quan tâm, đòi hỏi hơn nữa trong cuộc chiến cam go này. 

Thực tiễn đã rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận.

Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh. Cho nên điều tôi trăn trở nhất khi ở trên cương vị này là làm sao Mặt trận xứng đáng là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như Hiến pháp đã hiến định.

Muốn như vậy, Mặt trận phải bám sát Nghị quyết của Đảng, phối hợp tốt với các tổ chức thành viên để gần dân hơn, sát dân hơn, hiểu dân hơn, lắng nghe tiếng nói từ muôn hướng, kết nối mọi tấm lòng cùng đóng góp vào sự chuyển mình của đất nước, đưa đất nước tiến lên, để đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận không vì bất cứ lý do gì mà né tránh, ngại va chạm, nhất là trong giám sát, phản biện xã hội, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phòng, chống tham nhũng - cuộc cách mạng của mỗi cá nhân

Tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ VI, khóa VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng: Mt trn phi vào cuc đu tranh phòng, chng tham nhũng, đồng thời phải phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận để đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"… Vậy, Mặt trận đã và đang làm gì để thực hiện nhiệm vụ này, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, phòng, chống tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước tiên phải là cuộc cách mạng của mỗi cá nhân trong việc nhận thức khuyết điểm của chính mình.

Do vậy để thực hiện tốt cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc và phải dựa vào nhân dân, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra việc triển khai thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 02 về việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành ngay Chương trình hành động số 19.

Tất cả những việc này đều đã được quán triệt đến 3.726 cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp tại 63 tỉnh/thành phố. Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết và tổ chức giới thiệu, quán triệt trong các tầng lớp nhân dân.

Cũng từ chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, ngay tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Lễ trao giải lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp, được lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đánh giá cao, đồng thời nhận được sự khen ngợi của công chúng xem truyền hình và nhân dân cả nước, qua đó khẳng định quyết tâm chính trị của MTTQ Việt Nam luôn đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.

Hiện nay, hệ thống Mặt trận đều duy trì chế độ hằng tuần tổng hợp thông tin nhanh phản ánh trên báo chí về các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, từ đó phản ánh tới các cơ quan chức năng để giải quyết và giám sát việc giải quyết.

Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 8 khoá VIII vừa qua cũng đã thống nhất ban hành Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020.

Đây là một nhiệm vụ thiết thực, góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, trong đó vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân là hết sức cơ bản và quan trọng. Vì vậy, tôi rất mong mỏi và đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để công việc này được thực hiện hiệu quả.

Giám sát quyết liệt hơn, tận tâm hơn

Thưa Chủ tịch, một trong những điểm nhấn nổi bật nhất hiện nay của công tác Mặt trận là giám sát. Nhưng giám sát của Mặt trận là giám sát mang tính nhân dân, tính xã hội, không mang tính quyền lực nhà nước và đặc biệt không có chế tài. Vậy làm thế nào để giám sát của Mặt trận đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức thành viên triển khai 11 chương trình giám sát cấp Trung ương. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng triển khai hàng ngàn cuộc giám sát từ cấp tỉnh đến cấp xã, đồng thời tổ chức được 15.745 cuộc phản biện xã hội và 32.064 công việc, nội dung tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Cùng với giám sát độc lập, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã cử đại diện tham gia 22.450 cuộc giám sát của các tổ chức thành viên và các cơ quan nhà nước ở địa phương. Cấp Trung ương và nhiều địa phương đã thực hiện tốt giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân.

Trên thực tế, hơn 3 năm qua, từ việc triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy chế về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Mặt trận đã vào cuộc giám sát quyết liệt từ những bức xúc của nhân dân. 

Dù đã có những kết quả như vậy nhưng rõ ràng việc phải làm thế nào và triển khai ra sao cho thực sự hiệu quả và phát huy tối đa nhiệm vụ này còn là một bài toán khó, nhất là khi chưa có được cơ chế cho việc kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên… Bởi công tác giám sát, phản biện xã hội là việc làm thường xuyên, liên tục ở các địa phương, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh và huyện, còn cấp xã, phường chưa làm được nhiều.

Có thể thấy, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận vẫn chưa có sự phối hợp một cách đồng bộ, việc góp ý công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu còn hạn chế, né tránh ngại va chạm.

Tôi cho rằng, đã đến lúc cần thẳng thắn đối diện với những hạn chế, khó khăn để từ đó đòi hỏi sự quyết liệt hơn, tận tâm hơn nữa của cả hệ thống và đội ngũ những người làm công tác Mặt trận trên cả nước trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình.  

Hội thảo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh Kỳ Anh

Chúng ta đang có những cơ hội để có thể làm việc này một cách tốt hơn. Đó là trong năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành ký kết Nghị quyết liên tịch số 403 quy định chi tiết về các hình thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đây là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng, là điều kiện để hệ thống MTTQ Việt Nam thực hiện tốt hơn nhiệm vụ hết sức quan trọng này.

Năm 2017, lần đầu tiên Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thống nhất nội dung phối hợp tăng cường giám sát việc công khai và giám sát kết luận sau thanh tra tại một số bộ, nghành và các địa phương.

Mặt trận cũng phối hợp với Ban Dân vận Trung ương xây dựng, hoàn thiện, sớm trình Ban Bí thư cho ý kiến và ký ban hành Quy định về việc giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên…

Thời gian tới, Mặt trận sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng cơ chế, phương pháp và quy trình để phát huy thực sự vai trò giám sát của mỗi người dân và cộng đồng dân cư cũng như tập trung giám sát, phản biện xã hội trực diện đối với những nội dung, lĩnh vực mà cử tri, nhân dân và xã hội quan tâm, bức xúc.

Đoàn kết làm nên thắng lợi mới

Thưa Chủ tịch, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề cập đến việc Mặt trận tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ nay đến lúc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII không còn nhiều, vậy, trong năm 2018, Mặt trận sẽ phải làm gì để hoàn thành tốt hơn sứ mệnh này?

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là sự cộng sinh sức mạnh của các giai cấp, các tầng lớp, dân tộc, các tôn giáo, của đội ngũ trí thức, kiều bào, của lực lượng doanh nhân, cho đến người lao động… cho nên sinh lực mới của khối đại đoàn kết đang nằm ở trong chính bản thân mỗi người.

Ở đó, cán bộ Mặt trận chính là người kết nối những tấm lòng, đại diện cho những tấm lòng, nói lên tiếng nói của nhân dân, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ những tâm tư nguyện vọng để xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Và ở rất nhiều nơi, dù còn vô vàn gian khó nhưng vẫn luôn có những người cán bộ Mặt trận quên đi khó khăn của riêng mình để bám sát cơ sở, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy dân chủ ở cơ sở.

Cơ sở là quan trọng nhất. Bởi địa bàn dân cư yên ổn, phát huy được dân chủ, người dân được chung tay đóng góp thì lòng tin của người dân đối với Đảng và chính quyền càng được tăng cường.

Mục tiêu dân chủ hiện nay là làm sao củng cố lòng tin của người dân, do đó mỗi người cán bộ Mặt trận phải đến với dân, tìm hiểu những băn khoăn, lo lắng của dân, trực tiếp đối thoại với nhân dân để từ đó giải quyết dứt điểm những bức xúc, khiếu kiện phát sinh ngay tại địa phương. 

Năm qua, trong rất nhiều chuyến công tác từ trong nước đến nước ngoài, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc, các tôn giáo cũng như đội ngũ trí thức, bà con kiều bào ở những vùng khác nhau, quốc gia khác nhau… tôi đã có rất nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc.

Nhưng điều tôi cảm nhận được xuyên suốt là thông qua Mặt trận, mong muốn được cống hiến cho đất nước, quê hương của đội ngũ trí thức và kiều bào, của các vị chức sắc và đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc ngày càng nhiều hơn.

Việc ngày càng có nhiều ý kiến đóng góp thông qua Mặt trận, dù quan điểm có thể khác nhau nhưng trên tinh thần xây dựng là điều vô cùng đáng quý và đáng trân trọng.

Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và cũng là năm cuối chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX. Vì thế, các cấp Mặt trận cần khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ đã được đề ra trong Chương trình phối hợp và thống nhất hành động để năm 2018 phải là một năm đột phá của công tác Mặt trận, từ đó làm tiền đề cho một nhiệm kỳ mới với kỷ cương, đoàn kết, sáng tạo và hiệu quả.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao quà Tết cho đồng bào nghèo tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Quốc Trung.

Ngay lúc này, trên khắp các nẻo đường đều có bóng dáng của cán bộ Mặt trận, nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa trải qua sự tàn phá nặng nề của thiên tai. Cả hệ thống Mặt trận đang quyết tâm xây dựng hơn 1.000 căn nhà cho người dân ở những vùng vừa trải qua thiên tai để mỗi người dân đều có mái ấm yên vui, nhất là khi Tết đến, Xuân về.

Cũng trong năm 2018, bên cạnh những nội dung quan trọng đã được quyết nghị trong Chương trình phối hợp và thống nhất hành động, Mặt trận sẽ tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua kế hoạch phát động hưởng ứng chào mừng 70 năm ngày “Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc” theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Cùng với đó, Mặt trận các cấp cũng tiếp tục triển khai mạnh mẽ phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo” để cuối năm 2020, phong trào sẽ có nhiều kết quả đóng góp chung vào thành tích phong trào thi đua của cả nước được báo cáo tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Đến thời điểm này, chưa bao giờ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được thể hiện đầy đủ như hiện nay. Điều đó được khẳng định trong Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam và các đạo luật có liên quan… Trong thời khắc của mùa xuân đất nước, mong đợi lớn nhất của tôi lúc này là mỗi cán bộ Mặt trận phải mang trong mình khát vọng thay đổi, tận tâm hơn nữa, nắm bắt lấy cơ hội để chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo nên sinh lực mới cho khối đại đoàn kết.

Và tôi cũng mong mùa xuân sẽ mang hạnh phúc đến với mỗi người, đến với mọi nhà từ đồng bào ta ở nước ngoài đến các vùng miền núi, hải đảo xa xôi, đến với những ai còn gian khó, hãy vững tin, chung tay dưới mái nhà Mặt trận để đoàn kết làm nên những thắng lợi mới.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Trần Thanh Mẫn!