Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Nên tổ chức chấm xác suất bài thi THPT trên cả nước

(Mặt trận) - Phát biểu tại phiên họp Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ trong việc rà soát, làm đến cùng cho ra sự thật để đảm bảo minh bạch, công bằng, niềm tin trong nhân dân. Trước hết, là nên tổ chức chấm xác suất các bài thi trên phạm vi cả nước. Đồng thời, có giải pháp công nhận tốt nghiệp để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ mười bốn, tháng 7/2018. Ảnh: Quang Vinh

Cử tri đánh giá cao hành động quyết liệt của Chính phủ

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 (1/8), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, quyết tâm hành động của Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa sang các thành viên khác của Chính phủ. MTTQ theo dõi và ghi nhận trong 7 tháng đầu năm, cường độ làm việc cao của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng khi đã thực hiện 21 chuyến thị sát, làm việc với địa phương; trong đó trực tiếp thị sát tình hình, giải quyết 250 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp. Chủ trì, trực tiếp tham gia  13 hội nghị toàn quốc và 320 cuộc họp. Đây chính là cơ sở cần thiết, quan trọng để Chính phủ có những chỉ đạo kiên quyết, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc bất cập, thúc đẩy phát triển ở các ngành, lĩnh vực, địa phương một cách toàn diện và sâu sắc hơn. 

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân phấn khởi, đánh giá cao phản ứng nhanh của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Thứ nhất, công tác phòng chống bão lũ, sạt lở, đặc biệt triển khai các phương án khắc phục hậu quả bão số 3. Thứ hai, là chỉ đạo cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh như sáng 1/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo. Thứ ba, là quy định mới về trợ cấp người có công với cách mạng, hoạt động tri ân, về nguồn tại các địa phương. Năm nay không phải là năm chẵn, kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sỹ, nhưng có nhiều hoạt động, khắp nơi trên cả nước thăm hỏi các gia đình chính sách rất chu đáo, tình cảm, làm ấm lòng người có công và gia đình họ, góp phần thắp lên truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Thứ tư, trong tháng qua có nhiều chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết, sản xuất công nghiệp đã được triển khai.

Có giải pháp công nhận tốt nghiệp để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung 

Về vấn đề thi cử, nhân dân, dư luận xã hội đồng tình việc Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời liên quan đến những sai phạm trong chấm thi ở Hà Giang và một số địa phương như Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình... Đây là sự việc rất nghiêm trọng, sự vào cuộc kịp thời đã kiểm soát sự suy giảm niềm tin của nhân dân về chất lượng giáo dục. 

Tuy nhiên, nhân dân lo ngại dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng lan ra một số tỉnh, thành phố khi những dẫn chứng bất thường có cơ sở ngày một tăng lên, dấu hiệu sai phạm có thể có tổ chức, có hệ thống và lực lượng công an đang điều tra. 

Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc sai phạm đến mức phải khởi tố và bắt một số lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Sơn La và các phòng, ban thuộc Sở”. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói và đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ việc rà soát, làm đến cùng cho ra sự thật để đảm bảo sự minh bạch, công bằng, niềm tin trong nhân dân.

Trước hết, là nên tổ chức chấm xác suất các bài thi trên phạm vi cả nước. Đồng thời, có giải pháp công nhận tốt nghiệp để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực, chủ động, theo chức năng nhiệm vụ của mình khẩn trương rà soát, tìm cho được kẽ hở tạo ra sai phạm, xem xét việc các địa phương tổ chức chấm thi làm đã đúng chưa? 

Mặt khác, những cá nhân có công tìm ra tiêu cực cần được kịp thời biểu dương, khen thưởng. Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền những tấm gương trong đấu tranh với tiêu cực, cổ vũ tinh thần dũng cảm, mưu trí, và trách nhiệm với xã hội.

Tránh kiểm tra chồng chéo, hành doanh nghiệp

Cho rằng, một trong những quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ được xã hội ủng hộ, kỳ vọng đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo lập môi trường thông thoáng, minh bạch và bình đẳng, người đứng đầu Mặt trận cho biết: Qua nắm bắt phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, việc thực hiện thanh tra, kiểm tra kiểm toán ở cấp Trung ương đến cấp địa phương vẫn tồn tại hiện tượng chồng chéo, trùng lắp về nội dung giữa các ngành (thanh tra, kiểm toán, công an, môi trường, xây dựng, thuế…), chưa có sự kế thừa các kết luận thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan. Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Về vấn đề này, đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành có liên quan.

Đồng hành với quá trình cải cách hành chính (CCHC) đang được Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai mạnh mẽ, ngày 19/7,  Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện Chương trình phối hợp về việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017 và ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2020 theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình. 

An toàn hồ chứa, bảo đảm an toàn cho người dân 

Về chương trình phối hợp giữa Mặt trận và Chính phủ, Chủ tịch MTTQ Việt Nam nêu ý kiến, để Chương trình phối hợp trong 2 năm tới đạt được kết quả như mong đợi, hướng đến nền hành chính phục vụ, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt: Đẩy mạnh việc CCHC, trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 18; thực hiện nghiêm việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Các bộ, ngành và địa phương xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu về giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, đúng quy định; xây dựng chính quyền điện tử, cung ứng dịch vụ công trực tuyến thực chất, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương lấy kết quả chỉ số hài lòng năm 2017 làm cơ sở thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương mình. Ngân hàng Nhà nước mấy năm liền đều đứng đầu các bộ ngành về cải cách thủ tục hành chính.

Về tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu những năm gần đây đặt ra những câu hỏi lớn, thách thức cả về kinh tế, đời sống dân sinh và tác động xấu đến môi trường. Nhiều loại hình thiên tai đạt mức kỷ lục trong nhiều năm, thậm chí trong 100 năm mới xảy ra. Ứng phó và giảm nhẹ thiên tai giờ là vấn đề của toàn xã hội. Đề nghị Thủ tướng và Chính phủ chú trọng về một chiến lược tổng thể, dài hơi cho vấn đề này, trong đó đặt ra trách nhiệm của hệ thống và toàn xã hội, chủ động rà soát, lồng ghép nội dung phòng, chống và thích ứng thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân; chủ động ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, trong đó có phương án ứng phó với lũ lớn đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, kiểm soát lũ Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Đặc biệt cho rà soát các hồ có nguy cơ cao bị sự cố.Triển khai các biện pháp an toàn hồ chứa, bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản ở vùng hạ du.

Chia sẻ với những thách thức, rủi ro của tình hình thế giới và trong nước mà Chính phủ đang đối diện (lạm phát tăng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc), Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Cần có sự điều tiết giá cả hợp lý (lựa chọn thời điểm tăng, giảm giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý: Xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giáo dục và mặt hàng vật liệu xây dựng). Giám sát thị trường bất động sản (BĐS) để có chính sách kịp thời (tránh tình trạng BĐS nóng bất thường, hay chống đầu cơ, làm giá tại các điểm nóng BĐS). 

Đối với kiểm soát ổn định thị trường chứng khoán, Chính phủ cần giám sát hoạt động đầu cơ, làm giá để hoạt động của thị trường chứng khoán hoạt động dựa trên tăng trưởng thực của nền kinh tế của đất nước thay vì những tin đồn, thông tin trái chiều… 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Hải quan kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập phế liệu (rác thải của thế giới) vào Việt Nam, tránh tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của văn bản, lỏng lẻo trong công tác quản lý để nhập khẩu phế liệu.