(Mặt trận) - Kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô là dịp quan trọng để TP. Hà Nội tổng kết toàn diện, sâu sắc những thành tựu to lớn và các bài học kinh nghiệm cần rút ra trên chặng đường 10 năm qua, để từ đó tiếp tục mạnh mẽ hướng tới tương lai xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp-hiện đại-văn minh.
Sáng 28/7, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, Thành ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội (1/8/2008-1/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Thủ đô đã đến dự lễ kỷ niệm.
Phát biểu khai mạc tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, đổi tên kinh thành là Thăng Long, thể hiện mong muốn kinh thành của đất nước ta ngày càng mở rộng, phát triển như thế rồng bay. Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ đã nêu “Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam-Bắc-Đông-Tây, lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi… xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Kể từ đó, do có nhiều lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế và địa phòng thủ nên kinh thành Thăng Long đã được nhiều triều đại nối tiếp nhau xây dựng và phát triển. Nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng cùng với sự phát triển đi lên của dân tộc Việt Nam, Thăng Long-Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và vị thế. Sau Lễ tuyên ngôn độc lập (ngày 2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định thành phố Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, trên con đường phát triển của mình, Thủ đô Hà Nội đã tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ to lớn của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô là một dịp quan trọng không chỉ để cả hệ thống chính trị của thành phố cùng nhau nghiêm túc tổng kết toàn diện, sâu sắc những thành tựu to lớn mà nhờ sự nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ nhân dân Thủ đô đã đạt được trên mọi mặt, khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử to lớn của các quyết sách chiến lược nói trên của Trung ương, mà còn đánh giá cả những hạn chế, yếu kém, các nguyên nhân, các bài học kinh nghiệm cần rút ra trên chặng đường 10 năm qua, để từ đó tiếp tục mạnh mẽ hướng tới tương lai xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp-hiện đại-văn minh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, để thực hiện được mục tiêu phát triển Hà Nội lâu dài, bền vững, thì việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là một yêu cầu tất yếu, khách quan.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, những năm qua, kinh tế Hà Nội vẫn tiếp tục tăng trưởng khá nhanh, khẳng định vai trò là trung tâm lớn và là đầu tàu kinh tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai có những chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo cho thành phố có một diện mạo mới, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.
Cùng với phát triển đô thị văn minh, hiện đại, thời gian qua, Hà Nội cũng rất quan tâm đến phát triển và xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn của Thủ đô có sự thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên; khoảng cách đời sống giữa khu vực đô thị và nông thôn dần được thu hẹp; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo tồn và phát huy các di sản và giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm thực hiện. Hà Nội là địa phương có chỉ số phát triển con người, có quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo thuộc nhóm đầu của cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo các gia đình chính sách, những người có công với cách mạng luôn được quan tâm; giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.
"Tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực trong việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của lãnh đạo thành phố, lựa chọn những việc trọng tâm để tập trung chỉ đạo và xử lý kịp thời, có hiệu quả, đạt được những kết quả quan trọng", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội sau 10 năm hợp nhất, ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội.
Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh