Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Quy hoạch chậm tiến độ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của đất nước?

(Mặt trận) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo về công tác quy hoạch sáng ngày 31/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu 2 vấn đề lớn gây lo lắng, băn khoăn hiện nay là tiến độ lập quy hoạch rất chậm và chất lượng quy hoạch. Đặt câu hỏi "quy hoạch chậm tiến độ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của đất nước?", Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, phải làm rõ “chúng ta đã làm thế nào”, tức là Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch như thế nào, không đổ lỗi cho ai mà phải hết sức khách quan, thẳng thắn, trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo 

Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tại Nhà Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội và Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch. Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tư vấn, phản biện về chính sách, pháp luật và việc thực thi chính sách, pháp  luật về quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay, cung cấp thông tin khoa học và thực tiễn phục vụ Đoàn giám sát của Quốc hội.

Quang cảnh Hội thảo 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, thay mặt Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch của đất nước đã tham dự Hội thảo về nội dung hết sức quan trọng, phục vụ trực tiếp chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội Khoá XV. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung, phát triển kinh tế - xã hội nói riêng. Quy hoạch vừa là tiền đề nhưng đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển. Vì vậy, Quy hoạch bao giờ cũng phải có tính dài hơi và phải đi trước một bước. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phải luôn luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong quản lý nhà nước và trong phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch và quản lý quy hoạch đã được lập từ nhiều năm nay. Đến năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Quy hoạch đã bộc lộ nhiều lúng túng. Do đó, ngày 16.8.2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 giải thích một số nội dung của Luật Quy hoạch để gỡ vướng mắc, cho phép lập quy hoạch song song, đồng thời, quy hoạch nào xong trước thì phê duyệt trước, sau đó sẽ điều chỉnh theo nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Cùng với Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung 73 luật có liên quan. Thực tế hiện nay công tác quy hoạch vẫn đang được điều chỉnh bởi 3 Luật gồm: Luật Quy hoạch (gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh), quy hoạch nông thôn được lập theo Luật Quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị được lập theo Luật Quy hoạch đô thị. Riêng với 5 thành phố trực thuộc Trung ương có hai loại quy hoạch tỉnh gồm: quy hoạch chung được lập theo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch tổng thể được lập theo quy định của Luật Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, quá trình triển khai công tác quy hoạch vừa qua có hai vấn đề lớn khiến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cử tri và Nhân dân lo lắng, băn khoăn. Một là, tiến độ lập quy hoạch rất chậm. Luật đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019 nhưng đến nay hầu hết các quy hoạch phải lập theo Luật Quy hoạch đều chưa được phê duyệt. Hiện mới chỉ có 1 quy hoạch quốc gia về sử dụng đất, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông, 1 quy hoạch vùng đồng bằng Sông Cửu Long và 1 quy hoạch tỉnh Bắc Giang… được phê duyệt. Dự báo lý tưởng nhất thì cũng phải đến hết năm 2022, các quy hoạch còn lại mới hoàn thành. Nhiều vướng mắc dẫn đến sự chậm trễ này cũng đã được Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ như: vấn đề kinh phí, tư vấn, các văn bản hướng dẫn thi hành… Vấn đề đặt ra là, việc chậm trễ như vậy ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các địa phương? Bên cạnh đó, vì chưa hoàn thành các quy hoạch theo Luật Quy hoạch nên một mặt vẫn đang triển khai lập quy hoạch mới, một mặt các quy hoạch cũ vẫn được phép sử dụng và sẽ điều chỉnh. Vậy hai hệ thống này sẽ chạy song song đến bao giờ? Hai là, chất lượng của các quy hoạch có đáp ứng được yêu cầu kiến tạo sự phát triển của đất nước hay không. 

Theo chương trình, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ báo cáo kết quả giám sát tại Phiên họp tháng 4.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5 tới). Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và VUSTA đã tổ chức hội thảo. Với tinh thần khách quan, cởi mở, dân chủ, Chủ tịch Quốc hội mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học rất am tường lĩnh vực quy hoạch về thực trạng công tác quy hoạch hiện nay, chỉ ra vấn đề nào là vướng mắc, bất cập của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, vấn đề nào do tổ chức thực hiện, và quan trọng nhất, với thực trạng như vậy thì kiến nghị giải pháp gì để tháo gỡ, khắc phục. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chuyên đề giám sát phải làm rõ “chúng ta đã làm thế nào”, tức là Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã triển khai chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch như thế nào, những kết quả tích cực phải khẳng định, những vấn đề vướng mắc, bất cập phải chỉ rõ và kiến nghị các giải pháp, không đổ lỗi cho ai mà phải hết sức khách quan, thẳng thắn, trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong một ngày làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, đánh giá cụ thể về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực đến nay, từ đó nêu các khuyến nghị, đề xuất cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ và chất lượng các quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự đi trước, kiến tạo sự phát triển bền vững của đất nước.