Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị

(Mặt trận) - Chiều ngày 16/7, tại tỉnh Quảng Trị, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1946 – 27/7/2023), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, thả bè hoa trên dòng sông Thạch Hãn huyền thoại.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

Phó Thủ tướng Lê Thành Long thăm, tặng quà Tết tại tỉnh Cao Bằng

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần thêm các tác phẩm báo chí tầm vóc, phản ánh được những bước chuyển mình to lớn của Đảng, dân tộc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Lâm Hiển 

Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng.

Với lòng biết ơn vô hạn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dành một phút tưởng niệm và thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ - những người con trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã hiến trọn tuổi thanh xuân, máu xương vì độc lập, tự do của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị. Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác nguyện sống, học tập, làm việc xứng đáng với sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ cả nước, vì độc lập, tự do và sự trường tồn của dân tộc, của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thỉnh chuông tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Lâm Hiển 

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là an nghỉ đời đời của hơn 10 nghìn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 tại phường 4, thành phố Đông Hà, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.800 anh hùng liệt sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất nước bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc cũng như hy sinh trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Lâm Hiển 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, Thành Cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường suốt 81 ngày đêm (từ ngày 28.6 đến ngày 16.9.1972) bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị của quân và dân ta. Trong 81 ngày đêm ác liệt, thị xã Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị đã hứng chịu 328 nghìn tấn bom đạn; trung bình mỗi chiến sĩ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 đạn pháo của địch. Với lòng quả cảm và ý chí gang thép, các chiến sĩ quân Giải phóng vẫn chiến đấu, bám trụ kiên cường trong từng trận địa; quyết bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của toàn dân tộc mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hàng nghìn chiến sĩ giải phóng quân trên khắp cả nước và đồng bào Quảng Trị đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Máu của đồng bào và các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất, vào dòng sông Thạch Hãn cho non sông đất nước có ngày độc lập, Nhân dân được tự do, hạnh phúc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Lâm Hiển 
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã đến  dâng hoa, dâng hương tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tưởng nhớ và biết ơn người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước; nguyện cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta mãi mãi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường và trường tồn.

Tại thị xã Quảng Trị, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phước. Mẹ có chồng, 1 con là liệt sĩ và là con dâu của Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Chuốc (người có 3 con trai, 1 cháu trai là liệt sĩ, được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 1994).

Tại thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà tri ân thương binh Nguyễn Thị Phồn. Là du kích của xã Triệu Thượng, bà đã anh dũng chiến đấu cùng đồng đội tại Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 và được Nhà nước trao tặng huy chương kháng chiến hạng Nhì.

 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Lâm Hiển 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thả hoa trên sông Thạch Hãn. Ảnh: Lâm Hiển 
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Lâm Hiển
 Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phước
 Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà tri ân thương binh Nguyễn Thị Phồn