Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Mặt trận) - Sáng 15.8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2022. Theo chương trình, Phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 15 - 18.8.

Thủ tướng: Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thực hiện '5 tiên phong' phát triển cùng đất nước

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 48 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Ireland

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển 

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến trong thời gian 4 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 11 dự án Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết.

Trước hết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 5 dự án Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba, dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tư gồm: dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

5 dự án Luật này đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tại Kỳ họp thứ Ba đã cơ bản nhận được sự đồng thuận cao, cá biệt có một số nội dung có ý kiến khác nhau. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan tập trung cho ý kiến về các vấn đề lớn, quan trọng của các dự luật này, làm rõ hơn nữa cơ sở chính trị, pháp lý, kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm thực tiễn… Trước khi trình Quốc hội, dự kiến các dự luật này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. “Phải tập trung hoàn thiện, bảo đảm chất lượng để các dự thảo Luật lần này trình Quốc hội là thông qua được, có sự thống nhất đồng thuận cao, kể cả với một số vấn đề cá biệt còn nhiều ý kiến khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về 3 dự án Luật trình Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ Tư gồm: dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự án Luật Phòng thủ dân sự; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Trong đó, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nếu chất lượng tốt sẽ trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại một Kỳ họp nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống rửa tiền. Riêng với dự án Luật Phòng thủ dân sự, đây là dự luật mới, lần đầu tiên được trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến và xem xét thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Đây là dự án Pháp lệnh rất quan trọng, thuộc thẩm quyền xem xét và quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu tập trung cho ý kiến chi tiết và cụ thể đối với dự án Pháp lệnh này. 

Ảnh: Lâm Hiển 

Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét cho ý kiến về hai dự thảo Nghị quyết quan trọng. Một là, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của HĐND, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết này do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì soạn thảo, Đảng đoàn Quốc hội đã cho ý kiến nhiều lần. Việc ban hành Nghị quyết này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giám sát hoạt động của HĐND các cấp. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn ban hành Nghị quyết này như cuốn cẩm nang hướng dẫn các hoạt động giám sát của HĐND ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Hai là, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết này đã được chuẩn bị rất công phu, gần đây nhất, lãnh đạo Quốc hội và Ban soạn thảo đã tiếp tục lắng nghe, xin ý kiến các nguyên lãnh đạo Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội các khóa và các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện. Dự kiến, dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư và xem xét thông qua tại một Kỳ họp, làm căn cứ pháp lý để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đánh giá nội dung cần xem xét, thảo luận tại phiên họp chuyên đề lần này rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị kỹ tài liệu, tham gia họp đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu, cho ý kiến sâu rộng về các vấn đề để Phiên họp đạt chất lượng cao nhất. Thành công của Phiên họp chuyên đề lần này là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng và sự thành công của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV.