Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Dân tin tưởng, Quốc hội phải nỗ lực hết sức mình

(Mặt trận) - Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 26.10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Lưu ý, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã có hiệu lực; các Nghị định, Thông tư cũng đã có nhưng đến nay nhiều địa phương chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, HĐND phải hướng dẫn cho nhanh.

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lâm Hiển 

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, khối lượng công việc của Quốc hội tại Kỳ họp này rất lớn do tình hình khó khăn chung, đòi hỏi Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tinh thần “khó đâu gỡ đó”.

Thời gian qua, Quốc hội rất đồng hành với Chính phủ để đổi mới công tác xây dựng pháp luật nhằm xây dựng hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, tuổi thọ lâu. Muốn hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, tuổi thọ lâu thì chính các đại biểu Quốc hội phải ra sức tích cực, quyết tâm, quyết liệt, quyết làm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cao độ trong 29,5 ngày, phấn đấu xem xét, thông qua được 18 luật.

“Cử tri và Nhân dân rất kỳ vọng vào Kỳ họp thứ Tám để Quốc hội quyết sách những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Nhân dân tin tưởng, Quốc hội phải làm việc hết sức mình”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

"Hiện nay, chúng ta thiếu điện, đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII rồi, nhưng nếu thực hiện những dự án trong Quy hoạch Điện VIII thì đất nước vẫn thiếu điện. Các nhà đầu tư nước ngoài đến thì vấn đề đầu tiên hỏi chúng ta là điện là có đủ không; hai là mặt bằng; ba là nhân lực. Tại Kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với mong muốn Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại một Kỳ họp. Nếu Bộ Công Thương, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Khoa học và Công nghệ đảm bảo đủ điều kiện thì chúng ta sẽ quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trên tinh thần những vấn đề nào đã chín, đã rõ thì chúng ta thông qua, vấn đề nào chưa chín, chưa rõ thì để lại, không cầu toàn cũng không nóng vội. Chúng ta sửa những nội dung để thực hiện được ngay chứ không phải là sửa để tiếp tục nghiên cứu, sửa mà chưa làm được” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lâm Hiển 

Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Nghị quyết của Đảng đúng đắn, Quốc hội thể chế hóa, cụ thể hoá, Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện, chúng ta vượt qua được những khó khăn, thử thách.

Dành thời gian phân tích những tồn tại, hạn chế, chỉ ra những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải tăng tốc, bứt phá trong thời gian còn lại của năm nay và năm 2025, tạo tiền đề cho giai đoạn 2026 – 2030. "Quốc hội phải lan tỏa tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII".

Chủ tịch Quốc hội nêu một số vấn đề trọng tâm cần lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới:

Một là, việc ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật chưa bảo đảm tiến độ. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh tại phiên thảo luận. Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của các đại biểu về việc cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Hai là, thị trường tài chính, ngân hàng tiếp tục có một số biến động cần phải được theo dõi chặt chẽ, nhất là trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau.

Ba là, thị trường bất động sản, nhà ở còn nhiều bất cập.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” của Quốc hội cho thấy nhiều vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới như:

Chênh lệch giữa giá nhà ở và thu nhập của người dân còn quá lớn, giá nhà ở bình quân bằng 25 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực đô thị. “Hiện, chúng ta không thiếu nhà ở, cung nhiều, nhu cầu cũng có nhưng khả năng thanh toán của người mua nhà là khó vì giá”.

Nguồn cung bất động sản cũng dồi dào, nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản không hợp lý. Tại thời điểm cuối năm 2023, đối với phân khúc căn hộ chung cư thị trường gần như không có dự án căn hộ giá bình dân (dưới 25 triệu/m2). Cùng với đó là các vấn đề về cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội…

Bốn là, điểm sáng là xuất khẩu, nhập khẩu, nhưng cần lưu ý triển vọng kinh tế toàn cầu còn khó khăn, thiếu bền vững, đặc biệt sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… lúc tăng, lúc giảm và cũng còn yếu. Nhiều nước gia tăng các hàng rào kỹ thuật, biện pháp bảo hộ thương mại, điều tra chống bán phá giá. Những vấn đề này sẽ tác động tới cán cân thương mại của Việt Nam trong thời gian tới.

Năm là, thị trường lao động còn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và phát triển không đồng bộ giữa các vùng, miền, khu vực. Đây là vấn đề phải tính toán.

Sáu là, diễn biến, tình hình phức tạp của thiên tai.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lâm Hiển 

Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh

Về giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Một là, cần tăng cường điều chỉnh chính sách tài khoá phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025. Hai là, ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt số lượng nhà ở được xây dựng mới. Đây là vấn đề Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, tính toán.

Ba là, phải quan tâm thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Ngân hàng có tạo điều kiện thuận lợi hay không? Người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, làm thủ tục vay vốn có dễ không? Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề các đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng phải tăng cường giám sát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những biến động của tình hình, không phải đợi Đoàn giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.

Bốn là, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. “Doanh nghiệp tư nhân phát triển góp phần rất lớn cho nền kinh tế chúng ta phát triển. Một số địa phương còn tồn đọng nhiều dự án đất đai. Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã có hiệu lực nhưng đến nay nhiều địa phương chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Luật có rồi, Nghị định có rồi, Thông tư có rồi thì bây giờ ở địa phương, HĐND phải ban hành những văn bản thuộc thẩm quyền để kịp thời thực hiện, phải hướng dẫn cho nhanh”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Năm là, kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là hàng hóa chuẩn bị cho Tết nguyên đán, bảo đảm giá cả hàng hóa. Chủ tịch Quốc hội cho biết, rất vui mừng khi tăng lương từ ngày 1.7.2024 nhưng giá cả chúng ta kiểm soát được.

Sáu là, bảo đảm nguồn cung và giá cả ổn định đối với các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau tết nguyên đán.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển 

Có giải pháp hiệu quả để ổn định nhanh, kịp thời đời sống của người dân sau thiên tai

Các vấn đề xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên họp tổ chiều nay.

Ghi nhận những thành tựu quan trọng đã đạt được thời gian qua, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cũng đề nghị cần tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng tác động của thiên tai đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và có giải pháp hiệu quả để ổn định nhanh, kịp thời đời sống của người dân, thực hiện đạt và vượt mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Trong đó, từ góc độ xã hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa lưu ý một số vấn đề:

Một là, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 64,6% (9 tháng đầu năm), giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 49,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 74,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm; nam là 67,8%, giảm 0,2 điểm phần trăm và nữ là 60,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm; (ii) Số lao động có việc làm phi chính thức làm các công việc thiếu ổn định, quyền lợi của người lao động, nhất là về tiền lương, an sinh xã hội chưa được bảo đảm so với khu vực chính thức.

Hai là, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng, ước đến hết tháng 9.2024, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 852.259 người, bằng 77,3% so với số lượng của cả năm 2023 (1.102.714 người).

Ba là, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng và khu vực, đặt ra thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Năm 2023, trong 06 vùng kinh tế - xã hội, có đến 04 vùng mức sinh cao trên mức sinh thay thế, 02 vùng có mức sinh rất thấp dưới mức sinh thay thế; thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con/phụ nữ; cao nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 2,4 con/phụ nữ. Tổng tỉ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ.

Theo dự báo, với mức sinh trung bình như hiện nay, năm 2024, tỉ lệ tăng dân số bình quân là 0,93% và sẽ giảm còn 0,73% năm 2029, giảm còn 0,63 năm 2034, giảm tiếp còn 0,55 năm 2039. Đặc biệt, đến năm 2064, giảm còn 0,05% và năm 2069, tỉ lệ tăng dân số bình quân là 0%. "Đây là vấn đề hết sức hệ trọng", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu cũng nêu rõ, trên thế giới, theo Báo cáo năm 2024 của Liên Hợp Quốc, phụ nữ ngày nay sinh ít hơn trung bình một con so với năm 1990. Hiện tại, mức sinh toàn cầu là 2,3 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,3 con/phụ nữ vào năm 1990.

Hơn một nửa các quốc gia và khu vực trên toàn cầu có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); trong khi mức sinh thay thế - mức cần thiết để duy trì quy mô không đổi trong thời gian dài mà không cần di cư. Hiện, trên toàn cầu có khoảng 55 quốc gia có chính sách nâng mức sinh. Tuy nhiên, việc nâng mức sinh tại các quốc gia có mức sinh rất thấp hầu như chưa mang lại kết quả khả quan.

Dự báo chỉ số già hóa của cả nước vào các năm 2029, 2049 và 2069 sẽ tương ứng là 78,0; 131,3 và 154,5. Từ năm 2036 cho tới hết thời kỳ dự báo, dân số cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ cao hơn dân số trẻ em (0-14 tuổi). Già hóa dân số là xu hướng tất yếu của mỗi quốc gia, do đó, rất cần có những giải pháp thích ứng phù hợp để không rơi vào tình trạng “già trước khi giàu” ở cả cấp độ quốc gia và mỗi cá nhân.