Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Nhật Bản

(Mặt trận) - Chiều 19/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đang thăm chính thức nước ta theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Cuba ngày càng bền chặt

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại An Giang

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ảnh: Lâm Hiển 

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Suga Yoshihide; chúc mừng Ngài Suga Yoshihide được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Thủ tướng Nội các Nhật Bản với sự tín nhiệm cao.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Thủ tướng Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là quốc gia thăm chính thức đầu tiên trên cương vị Thủ tướng mới của Nhật Bản; tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thủ tướng, Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, phồn vinh, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những nội dung trao đổi giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Suga Yoshihide. Đồng thời nêu rõ, Quốc hội Việt Nam ủng hộ các nội dung và phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước trong thời gian tới nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước; tin tưởng, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy các thành quả hợp tác tốt đẹp đã đạt được trong thời gian qua.

 Ảnh: Lâm Hiển

Thủ tướng Suga Yoshihide bày tỏ vui mừng gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – nữ Chủ tịch đầu tiên của Quốc hội Việt Nam; cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã trao tặng 20.000 khẩu trang y tế, hỗ trợ thiết thực Nhật Bản ứng phó với đại dịch Covid -19.  

Theo Thủ tướng Suga Yoshihide, thời gian qua, nghị sỹ, đại biểu Quốc hội hai nước đã có nhiều hoạt động giao lưu hợp tác rất sôi nổi và hiệu quả. Nhật Bản đã và đang thực hiện dự án nâng cao năng lực Quốc hội và đóng góp cho sự phát triển của cơ quan lập pháp. Thủ tướng mong muốn, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa giao lưu nghị sỹ; nêu rõ, trên cương vị mới, ông sẽ tiếp tục đóng góp cho việc tăng cường hợp tác hai nước trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Suga Yoshihide đánh giá cao việc trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Quốc hội Việt Nam đã đảm nhận rất thành công vai trò Chủ tịch AIPA – 41 và Đại hội đồng AIPA – 41, đóng góp quan trọng vào việc tăng cường sự đoàn kết của các nghị sĩ ASEAN.

 Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời cảm ơn tới Quốc hội Nhật Bản đã tích cực tham gia và có đóng góp quan trọng vào Đại hội đồng AIPA - 41, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko đã gửi thông điệp chúc mừng Đại hội đồng AIPA - 41. Đồng thời, khẳng định, Quốc hội Việt Nam rất coi trọng và luôn tích cực đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đang tích cực tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Khi Hiệp định này được Chính phủ ký kết, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét, phê chuẩn kịp thời.

Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và giữa Quốc hội hai nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thủ tướng Suga Yoshihide tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy một số phương hướng hợp tác cụ thể. Chính phủ hai nước cần tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác đã có, sớm kết thúc đàm phán RCEP trong năm 2020; thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác địa phương, hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động tại Nhật Bản trong bối cảnh cộng đồng người Việt Nam đã trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản.

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid – 19; đề nghị tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc phòng, chống đại dịch này trong thời gian tới và tích cực thúc đẩy khôi phục việc đi lại cũng như các hoạt động hợp tác giữa hai nước, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tạo điều kiện để các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi các nhà cung cấp, chuyển giao công nghệ; tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ... Quốc hội Việt Nam sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do mà hai nước đã ký kết và là thành viên và giao Ủy ban Đối ngoại là đầu mối tiếp nhận ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và cảm ơn những đóng góp quan trọng của Tổng Thư ký Đảng LDP, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt Nikai Toshihiro, trong đó có việc dẫn đầu đoàn đại biểu hơn 1.000 người với nhiều Nghị sỹ và đại diện các giới Nhật Bản thăm Việt Nam tháng 1.2020. Giao lưu giữa các Nghị sỹ trẻ Quốc hội hai nước được tiến hành thường xuyên. Quốc hội Việt Nam đã 3 lần đón Đoàn của Ban Thanh niên Đảng LDP sang thăm làm việc tại Việt Nam và giao lưu với Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, đặc biệt là cấp cao; tăng cường giao lưu giữa Nghị sỹ Quốc hội hai nước, trong đó phát huy vai trò cầu nối của các Nhóm Nghị sỹ hữu nghị và nghị sỹ trẻ hai nước; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác lập pháp, qua đó góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai nước.

Nhất trí với các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết,  Nhật Bản ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.