Chủ tịch nước và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch

(Mặt trận) - Sáng 30/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Trung ương thăm và làm việc tại TPHCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Cùng dự có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt tay thăm hỏi Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Về phía TPHCM có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Tô Thị Bích Châu và đại diện các Sở ban ngành thành phố.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với TPHCM. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
TPHCM có thể giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần, kể từ ngày 1-8

Báo cáo trước đoàn công tác, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến nay TPHCM đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16.

Trong 19 ngày thực hiện Chỉ thị 16, bình quân mỗi ngày TPHCM phát hiện hơn 3.300 ca mắc, trong đó phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa. TPHCM đã điều trị khỏi gần 25.200 bệnh nhân, hiện đang điều trị hơn 36.700 bệnh nhân, trong đó có hơn 875 bệnh nhân đang thở máy và 8 bệnh nhân đang can thiệp ECMO. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã điều trị khỏi cho 381 bệnh nhân từ nặng, rất nặng sang nhẹ.

TPHCM cũng thành lập trung tâm điều phối xét nghiệm, tổ chức hơn 2.200 tổ lấy mẫu. TPHCM thành lập 13 khu cách ly cấp TPHCM, 345 khu cách ly cấp quận huyện, 194 khách sạn có thu phí. Hiện TP đang cách ly tập trung 12.380 người và cách ly tại nhà 37.800 người; Thành lập 38 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, với 46.000 giường, với tầng 5 là nặng và rất nặng – hiện đang điều trị 570 bệnh nhân.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM đã thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển bệnh nhân nặng, nguy kịch, kết nối dữ liệu, điều phối vận chuyển bệnh nhân cấp cứu. Đồng thời huy động được 4 bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19 với quy mô 375 giường.

Về tiêm vaccine đợt 5, kể từ ngày 22-7 đến nay TPHCM đã tiêm được hơn 390.000 liều, lũy kế đến nay đã tiêm được 1,3 triệu lượt. TPHCM cũng đẩy mạnh sản xuất an toàn theo mô hình 3 tại chỗ, với 2.038 doanh nghiệp thực hiện với 100.000 lao động.

TPHCM đã công bố 2.833 điểm bán hàng hóa, tổ chức 1.000 điểm bán hàng lưu động, 1.000 điểm bán hàng theo chuỗi cung ứng linh hoạt, 24 mô hình siêu thị 0 đồng, huy động mạnh mẽ đường dây nóng 1022 để hỗ trợ người dân… Với nỗ lực tập trung hỗ trợ 6 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TPHCM đã hỗ trợ được 496.000 đối tượng với số tiền 572 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ lao động tự do đạt 100%. Cùng với đó, các địa phương cũng hỗ trợ 334 tỷ đồng từ nguồn vận động.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét việc hạn chế việc ra đường từ sau 18 giờ thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, từ 6 giờ sáng đến trước 18 giờ, nhiều người vẫn ra đường mà không có lý do cần thiết. TPHCM đã siết chặt các khu phong tỏa, “trong chặt, ngoài chặt”, nhanh chóng xét nghiệm đưa người có nguy cơ cao đi cách ly.

Đề cập đến một số biện pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo thực thi triệt để các biện pháp siết chặt Chỉ thị 16, đặc biệt là từ sau 6 giờ sáng đến 18 giờ. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, đưa hệ thống oxy dòng cao vào sử dụng sớm, tránh chuyển biến nặng, tăng điều trị tầng 3, 4, 5, rút ngắn thời gian điều trị F0. Sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực y tế cho phù hợp, trong đó bố trí các y bác sĩ giỏi để đảm bảo hạn chế thấp nhất tử vong. Đồng thời vận hành hiệu quả trung tâm cấp cứu 115, không để chậm trễ trong vận chuyển F0 khi chuyển biến nặng.

Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ đưa vào vận hành 200 taxi chuyển công năng và 100 xe cứu thương. Thành lập 4 trung tâm cấp cứu vệ tinh ở các Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 12 để điều phối nhanh chóng bệnh nhân. Đồng thời mở thêm các kênh thông tin, mở rộng mạng lưới bác sĩ tư vấn tình nguyện trực tuyến, để khi người dân cần tư vấn về sức khỏe có thể liên lạc.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TPHCM đảm bảo hàng hóa, phân phối hàng hóa bằng nhiều hình thức, từng bước mở lại chợ truyền thống đảm bảo an toàn, tăng cường lực lượng vận chuyển và bán hàng lưu động. Đặc biệt, TPHCM sẽ luôn quan tâm động viên, ổn định tâm lý, tinh thần của người dân trong khu phong tỏa, cách ly. Đi đôi với việc siết chặt giãn cách theo phương châm “trong chặt, ngoài chặt”.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thêm, TP sẽ phát huy, nhân rộng các mô hình tự quản, bảo vệ vùng xanh, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất an toàn. Đồng thời phát huy mạnh mẽ các hoạt động thiện nguyện, chăm lo cho người khó khăn, đảm bảo không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau do dịch bệnh.

Liên quan đến vaccine, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh TPHCM sẽ tổ chức nhận, mua và tiêm vaccine nhanh nhất theo kế hoạch, đơn giản hóa quy trình, mở rộng khung giờ tiêm vacccine.

Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ về công tác tiêm chủng sắp tới, trong đó góp ý với TP HCM nên tập trung vào năng lực điều trị để giảm bệnh nhân nặng và tử vong. Đây là chiến lược TP HCM đang tập trung và cần nỗ lực hơn nữa. Song song đó là đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine, dù khó khăn trong triển khai do diễn biến dịch phức tạp.

Bộ Y tế đang phối hợp với thành phố để huy động lực lượng y tế từ các địa phương, bệnh viện, trường học đến hỗ trợ cho TP HCM. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay đã có hơn 10.000 lượt cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên đến hỗ trợ thành phố để phòng chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Chia sẻ về công tác quyên góp, ủng hộ của cả nước, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thống nhất, toàn bộ số tiền quyên góp của TPHCM cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM vận động sẽ để lại cho TPHCM để hỗ trợ người dân trong lúc "nước sôi, lửa bỏng" hiện nay.

Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, các nguồn tiền này bao gồm từ nguồn ủng hộ chăm lo khoảng 761 tỷ đồng; nguồn ủng hộ mua trang thiết bị vật tư y tế khoảng 1.500 tỷ và nguồn ủng hộ mua vaccine là 2.288 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi chia sẻ, dịch bệnh đã làm giảm 50% số lượng việc làm trên địa bàn TPHCM. Trong lúc dịch bệnh tác động mạnh đến đời sống, công ăn việc làm, TPHCM là địa phương triển khai nhanh nhất gói hỗ trợ của TPHCM, của Chính phủ. Đến nay, gói hỗ trợ với quy mô gần 900 tỷ đồng đã chi trả được 98% đối với người dân trong diện nhận hỗ trợ. Đồng thời, TPHCM vận động được 250 tỷ đồng của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để chăm lo, hỗ trợ người dân.

Chiến lược song trùng vừa dập dịch, vừa điều trị

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân cần gửi lời hỏi thăm đến nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và 18 địa phương khác ở phía Nam đang vất vả chống chọi với đại dịch toàn cầu COVID-19. Chủ tịch nước cho rằng với đặc thù quy mô hơn 10 triệu dân như Thành phố Hồ Chí Minh, việc chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ tịch nước biểu dương lãnh đạo, hệ thống chính trị thành phố đã có những quyết định kịp thời, đa dạng, phong phú để phòng, chống dịch bệnh, kịp thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kịp thời xây dựng 16 bệnh viện dã chiến với quy mô lớn, tổng số lên đến gần 50.000 giường bệnh. 

Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng tuyến đầu Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đánh giá cao các địa phương, các bộ, ngành đã quan tâm hỗ trợ thành phố trong thời gian qua, trong đó đến nay đã có 10 nghìn cán bộ y tế, sinh viên ngành y dược vào thành phố hỗ trợ chống dịch. Những hình ảnh người dân cả nước chia sẻ từng mớ rau, quả trứng, cân gạo cho thành phố và người dân khu vực phía Nam, nói lên tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng, thể hiện văn hóa truyền thống của người Việt Nam ta.

“Hình ảnh xúc động là người dân các địa phương trong cả nước gom góp từ mớ rau, quả trứng, từ đồng tiền, hạt gạo với tình cảm thân thương chia sẻ với TPHCM. Nghĩa cử ấy rất đáng trân trọng, thể hiện văn hóa, truyền thống của người Việt Nam”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao hỗ trợ số tiền 23 tỷ đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh

Nhắc tới nội dung của Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, nhất là Chỉ thị 16 đã nêu rõ người cách ly với người, nhà cách ly nhà, khu phố cách ly khu phố, tỉnh cách ly với tỉnh, Chủ tịch nước cho rằng cần rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách mật độ dân cư khi đường phố còn đông. "Nếu thực hiện không nghiêm, không kiên quyết không giải quyết được vấn đề”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, và cho rằng việc TPHCM tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa, là cần thiết.

Để đảm bảo việc giãn cách được nghiêm túc trong thời gian dài, Chủ tịch nước cho rằng cần chăm lo hỗ trợ người nghèo không thiếu đói. Nhà nước, MTTQ, đoàn thể, các tổ chức, đều chung tay, không được để dân đói, dân ốm mà không được chăm sóc. Đồng thời đảm bảo điện, nước, an ninh trật tự… Chủ tịch nước một lần nữa kêu gọi TPHCM tiêm vaccine cho lực lượng thiện nguyện như lực lượng tuyến đầu. Đồng thời chủ động hơn trong việc đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về TPHCM phục vụ người dân.

Theo Chủ tịch nước, TPHCM cần đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm tới tận tay người dân, tổ chức bán lưu động không để ai phải thiếu đói là một yêu cầu quan trọng hiện nay. Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền về việc để dân thiếu đói, đói cơm lạt muối, cùng cực xảy ra ở địa phương mình. "Phải kỷ luật nghiêm những người vô trách nhiệm", Chủ tịch nước nhấn mạnh. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Y tế tặng máy thở cho TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Chủ tịch nước đề nghị thành phố phải chủ động hơn nữa trong việc cấp thẻ cho các đối tượng để đưa hàng hóa, vật tư các loại, cấp cứu một cách chủ động, không được để bị động, trong đó có lái xe taxi, shipper.

Hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mô hình các tổ lưu động trả lời câu hỏi của người dân về dịch bệnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi ý thành phố nên có bác sỹ tư vấn tại chỗ cho người dân ở mỗi khu phố; tổ chức đường dây nóng hiệu quả, không để tình trạng người dân gọi mà không có người trả lời, gây tâm lý hoang mang. Cùng với đó là tổ chức lực lượng xe đưa người đi cấp cứu kịp thời hơn nữa, không chỉ tập trung cho bệnh nhân COVID-19 mà còn cà với bệnh nhân bệnh nặng khác. 

Chủ tịch nước yêu cầu Thành phố tăng mạng lưới điều trị không chỉ bệnh nhân COVID-19 mà cả các bệnh khác theo từng tầng, từng lớp từ nhẹ lên nặng. Song, Tổ (phòng, chống) COVID-19 cộng đồng cần phải hoạt động đều tay ở mọi khu dân cư, mọi tổ dân phố. Bất kỳ ai có triệu trứng nhiễm bệnh nặng phải được hỗ trợ kịp thời ngay. Ai bệnh mức nào thì được chuyển ngay đến cơ sở y tế mức đó. Chủ tịch nước yêu cầu thành phố không được để tình trạng người nhiễm bệnh báo tin, nhất là bệnh nặng, mà không được chính quyền và cơ sở y tế quan tâm. Không được để tình trạng người ốm không được chăm sóc. 

Chủ tịch nước nhấn mạnh quan điểm rằng không chỉ lo điều trị mà phải lo giảm số người bị nhiễm, từ đó giảm số người tử vong. Thậm chí việc giãn cách phải đưa lên đầu tiên để giảm số người bị bệnh.

Chủ tịch nước chứng kiến Ngân hàng Nhà nước tặng quà TPHCM chống dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Nhận định có thể sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh mới ở đỉnh dịch, Chủ tịch nước yêu cầu Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Trước tình trạng việc tiêm vaccine còn được triển khai chậm, Chủ tịch nước chỉ đạo Thành phố đẩy nhanh việc tiêm vaccine  đã được phân bổ và nhấn mạnh, nếu triển khai tiêm chậm là có lỗi với nhân dân. 

Chủ tịch nước cũng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành tạo thuận lợi cho việc thử nghiệm vaccine sản xuất trong nước, nếu đạt tiêu chuẩn thì sớm cấp phép lưu hành. Trong việc tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương, không được để có tình trạng “phần dễ về mình, phần khó về người”. 

Tán thành với Thành phố Hồ Chí Minh về việc cần tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 kể từ sau ngày 1/8 tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo thành phố, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, có giải pháp tái thiết mạnh và đồng bộ sau giãn cách.

Nêu vấn đề "Một vùng biển lặng không tạo ra được thủy thủ giỏi giang”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dù Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đang trong vùng biển dữ, nhưng với lịch sử truyền thống cách mạng, với sự năng động, sáng tạo, thành phố nhất định sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước.  

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho biết đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh được 103 tỷ đồng và 10 máy thở cùng nhiều vật tư y tế, trong đó, các doanh nghiệp ngành ngân hàng hỗ trợ 50 tỷ đồng, Ngân hàng Sacombank hỗ trợ 30 tỷ đồng, doanh nghiệp nước ngoài ủng hộ 1 triệu USD.

Cân nhắc mọi tác động trong từng phương án, từng quyết định

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trân trọng ghi nhận, tiếp thu các chỉ đạo toàn diện của Chủ tịch nước và sẽ chuyển hóa thành các việc làm cụ thể. Trong đó, tinh thần là khi ứng phó với đại dịch, phải bình tĩnh, cân nhắc mọi tác động trong từng phương án, từng quyết định và luôn đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết cũng như tính  đến sức khỏe, sức sống của nền kinh tế TPHCM và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

“TPHCM phát huy “5 tại chỗ”, huy động các nguồn lực, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà tư vấn để góp phần hỗ trợ cho công cuộc chống dịch Covid-19 đạt yêu cầu. TPHCM cũng thực hiện khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.