Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc

(Mặt trận) - Tối 8/10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I (17/10/1963 - 17/10/2023).

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Dự Lễ kỷ niệm còn có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, địa phương, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang và đông đảo nhân dân trong tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

 
 
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết: Sáng 17/10/1963, tại sân vận động thị xã Bắc Giang, Bác Hồ đã gặp gỡ, nói chuyện với hơn 2 vạn đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ Nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những căn dặn, chỉ đạo tâm huyết, quý giá đối với Tỉnh ủy, cán bộ, đảng viên toàn tỉnh. 60 năm qua, những lời dạy sâu sắc của Bác đã trở thành phương châm hành động, định hướng xuyên suốt dẫn dắt, soi đường cho Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đi đến những thành công. Sau nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ kiên trì phấn đấu, nỗ lực vươn lên, tỉnh Hà Bắc trước đây và tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Bắc Giang - vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi ghi dấu ấn những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong chống giặc ngoại xâm, gắn liền với các địa danh lịch sử…

Nhắc lại những lời căn dặn của Bác Hồ trong 5 lần Bắc Giang vinh dự, tự hào được đón Người về thăm, Chủ tịch nước nêu rõ: Tình cảm yêu thương, sự quan tâm và những lời chỉ dạy của Bác đối với Bắc Giang đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ dân và quân tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tích to lớn.

Vui mừng nhận thấy Bắc Giang hôm nay đã vươn lên mạnh mẽ, là một trong những tỉnh phát triển năng động, đạt nhiều thành tựu, trở thành điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực, diện mạo tỉnh nhà thay đổi từng ngày, tràn ngập sức sống mới, khí thế mới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, những thành tựu đạt được trong 60 năm qua là sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong thực hiện lời dạy của Bác kính yêu khi Người về thăm Bắc Giang.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị, mỗi cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang hãy luôn ghi nhớ, thấm nhuần những lời dạy của Bác khi Người về thăm tỉnh nhà; thấu hiểu hơn ân tình sâu nặng của Bác dành cho đồng bào, đồng chí tỉnh Bắc Giang để quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong cụ thể hóa lời dạy của Bác cho phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế của tỉnh. Tỉnh cần tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, gắn với đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Quan tâm đầu tư hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững.

Theo Chủ tịch nước, Bắc Giang cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn, nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hiệu quả cao. Phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và đô thị. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là địa bàn miền núi. Quản lý, tổ chức thực hiện nghiêm quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Trong quá trình phát triển, Bắc Giang cần gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ, trong đó Bắc Giang giữ vị trí là cực tăng trưởng, động lực thúc đẩy.

Nhấn mạnh, Bắc Giang là tỉnh miền núi, diện tích rừng và vùng cây ăn quả lớn, có nguồn tài nguyên phong phú, có 3 con sông nằm trong hệ thống sông Thái Bình chảy qua, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần phải hết sức coi trọng bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, coi trọng việc trồng cây và bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, bảo vệ các dòng sông.

“Phải xác định đây là vấn đề sống còn đối với phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai, không phát triển kinh tế bằng mọi giá, kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm những dự án, làng nghề, các khu, cụm công nghiệp và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đề nghị Bắc Giang chú trọng tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh về mọi mặt; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giải quyết triệt để các vấn đề an ninh phức tạp ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch nước nêu rõ, Bắc Giang cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên tỉnh Bắc Giang phải luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời Bác dạy về tầm quan trọng của “đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”… Trên cơ sở đó, tạo chuyển biến thực chất, bảo đảm các tổ chức đảng, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; lấy kết quả sản phẩm trong công tác làm thước đo đánh giá mỗi cán bộ, mỗi đảng viên như Bác đã dạy.

Cùng với đó là phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập thể lãnh đạo và người đứng đầu năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.  

Lễ kỷ niệm diễn ra với chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Bắc Giang nhớ mãi ơn Người" với 3 chương: "Tự hào khắc ghi lời Bác", "Bắc Giang báo công dâng Người", "Hồ Chí Minh ánh dương dẫn lối". Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng cùng hàng trăm diễn viên chuyên và không chuyên; sử dụng công nghệ ánh sáng hiện đại; lối dẫn chuyện sinh động thông qua các hoạt cảnh sân khấu hóa, phóng sự, nhân vật… tạo ấn tượng đối với người xem.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Trước đó, chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang. Đây là Khu di tích gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của chủ tướng Lê Lợi và quân sư Nguyễn Trãi cùng các vị tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy trận đánh Xương Giang.

Thành Xương Giang được xem là trung tâm của chiến trận và có ý nghĩa quyết định trong Chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang khi năm 1427, Lê Lợi chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn công thành, phá tan quân Minh do Liễu Thăng cầm đầu. Đây chính là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ thứ XV, lật đổ ách thống trị của nhà Minh kéo dài 2 thập kỷ, mở ra trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với những người con Bắc Giang, địa danh Xương Giang là niềm tự hào về quê hương và truyền thống anh hùng của cha ông.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia khán đài B sân vận động Bắc Giang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Chủ tịch nước và đoàn cũng đã dự Lễ khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia khán đài B sân vận động Bắc Giang. Tại địa danh lịch sử này, ngày 17/10/1963, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với hàng vạn cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Trải qua thời gian, khán đài B đã trở thành di tích lưu niệm, nơi hội tụ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Bắc Giang đối với Bác.  

Nhân dịp thăm Bắc Giang, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới thăm, tặng quà ông Nguyễn Văn Thông, là thương binh 85% (thôn Tân Mỹ, xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang); thăm, tặng quà ông Nguyễn Thanh Quất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, Lão thành cách mạng, trú tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, tặng quà ông Nguyễn Văn Thông, là thương binh 85% (thôn Tân Mỹ, xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang).  
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, tặng quà ông Nguyễn Thanh Quất, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, Lão thành cách mạng, trú tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang.