Chủ tịch nước dâng hương tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết thắng

(Mặt trận) - Trong chương trình dự Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình, chiều 14/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết thắng trên địa bàn xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hoa tại Đền thờ Liệt sỹ Hang 8 thanh niên xung phong. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Cùng đi có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Bình. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên trong đoàn kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các chiến sĩ, liệt sĩ thanh niên xung phong đã hiến trọn tuổi thanh xuân, hy sinh vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Đền thờ Liệt sỹ Hang 8 thanh niên xung phong. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 
Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Đền thờ Liệt sỹ Hang 8 thanh niên xung phong. (Ảnh: Báo Điện tử Đảng cộng sản) 

Trong sổ lưu niệm tại Đền thờ, Chủ tịch nước xúc động viết: “Tại hang Tám cô hôm nay, chúng ta xúc động thắp nén tâm hương cho tám chiến sĩ, liệt sĩ thanh niên xung phong đã hiến dâng sức trẻ, tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do, cho hòa bình Tổ quốc. Các chị, các anh là hiện thân của lớp lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, dũng cảm, kiên cường, không tiếc máu xương khi Tổ quốc gọi tên mình. Tên tuổi của các chị, các anh sẽ còn mãi với non sông, đất nước, sẽ mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Hang 8 thanh niên xung phong nhân kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh các liệt sỹ Thanh niên xung phong tại đường 20 Quyết Thắng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Đường 20 quyết thắng xuất phát từ phà Xuân Sơn đến ngã ba Lùm Bum (Lào), dài 125km, được khởi công xây dựng ngày 21/1/1966, thông xe ngày 31/5/1966. Đây là con đường huyết mạch phá thế độc đạo, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền bắc, chúng đã tập trung đánh phá cực kỳ khốc liệt các trọng điểm A-T-P (cua chữ A), ngầm Ta Lê, đèo Pulanhic, Tra Ang, km12, km16,5… biến nơi đây thành những tọa độ lửa nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương với tiền tuyến.

Hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân, dân công, hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc… không quản ngại hy sinh, gian khổ, đã lao động quên mình và chiến đấu anh dũng, kiên cường, vừa đánh địch, vừa xẻ núi, bạt đèo, đào đắp hàng triệu khối đất đá, bảo đảm mở đường thông tuyến chi viện kịp thời sức người, sức của cho các chiến trường đánh thắng kẻ thù xâm lược.

 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hỏi thăm đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bố Trạch. 

Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đại diện bà con bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Bình đã quan tâm chăm lo đời sống nhân dân các dân tộc của xã và huyện. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên. Đặc biệt là dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thực hiện khởi động dự án nâng cấp đường 20 Quyết thắng và cấp điện lưới cho 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch. Bà con cho rằng, đây là tuyến đường “ý Đảng, lòng dân”, là bước ngoặt thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt sâu sắc với đồng bào các dân tộc thiểu số và luôn kêu gọi sự đoàn kết toàn dân. Chủ tịch nước vui mừng khi đồng bào các dân tộc huyện Bố Trạch và tỉnh Quảng Bình đã đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bố Trạch chỉ còn khoảng 2%, đời sống của người dân được nâng lên.  

Chủ tịch nước nhắc lại và nêu rõ, Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, tri ân những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Bố Trạch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều người đã hy sinh cả xương máu. Trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bố Trạch đã đoàn kết, phấn đấu vươn lên.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân tộc và coi đây là vấn đề chiến lược, lâu dài để các dân tộc cùng tiến bước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có nhiều chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội các vùng đồng bào dân tộc sinh sống đã được ban hành.

“Tôi yêu cầu các bộ, ngành của Trung ương, tỉnh Quảng Bình, huyện Bố Trạch, các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, đi sâu đi sát nhân dân, quan tâm giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt là thực hiện tốt các chương trình dân tộc miền núi đã được Đảng, Nhà nước đưa ra. Các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đặc biệt đến công tác dân tộc hơn nữa, nhất là cấp ủy xã, huyện, đi sâu đi sát bà con hơn nữa để lắng nghe tâm tư nguyện vọng và giải quyết thỏa đáng các kiến nghị của bà con”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn bà con tự lực tự cường trong từng gia đình, dòng họ, nỗ lực vươn lên, vượt qua đói nghèo và làm giàu. Bà con cần tiếp tục đoàn kết, quyết tâm để các xã trong huyện có bước tiến mới, con em được học hành, đời sống ấm no, hạnh phúc hơn. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công nâng cấp lưới điện cho 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch Bố Trạch; dự án nâng cấp đường 20 Quyết Thắng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến nghi thức khởi động Dự án nâng cấp Đường 20 Quyết thắng và Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đường 20 Quyết Thắng - con đường được coi là đầu mối trong hệ thống Đường Hồ Chí Minh lịch sử, là tuyến đường huyết mạch để miền bắc chi viện cho miền nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hiện nay, tuyến đường này vẫn chưa được đầu tư để đáp ứng với nhu cầu đi lại phục vụ vận chuyển hàng hóa giao thương quốc tế và đi lại của nhân dân, du khách đến dâng hương.

Mặc dù đã được duy tu, sửa chữa, bảo trì thường xuyên nhưng một số đoạn đã bị hư hỏng, mặt đường quá hẹp, độ dốc lớn, khả năng lưu thông gặp nhiều khó khăn, nhiều đoạn đường cong liên tục và bán kính nhỏ ảnh hưởng đến tầm nhìn bị hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn và mất an toàn giao thông trên toàn tuyến.

Tuyến đường này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đề xuất Bộ Giao thông vận tải nâng cấp thành Quốc lộ nhằm gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử tuyến đường và hỗ trợ phát triển kinh tế vùng biên giới.  Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư là 120 tỷ đồng, dài khoảng 24km, dự kiến khởi công năm 2022 và đưa vào khai thác sử dụng năm 2025.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 149/151 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, tuy nhiên, tỉnh vẫn còn hai xã vùng sâu, vùng xa Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch và một số thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia. Đến tháng 12/2021, dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã Tân Trạch, xã Thượng Trạch được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, phân bổ vốn và giao Sở Công thương làm chủ đầu tư, với quy mô: chiều dài đường dây trung áp khoảng 52km, chiều dài đường dây hạ áp khoảng 11km.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 110 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Dự án hoàn thành sẽ tạo động lực cho các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong vùng và giữa các vùng một cách bền vững, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.