Cho thuê đất đặc khu 99 năm: Đại biểu đề nghị biểu quyết riêng

Có nhiều ý kiến trái chiều về thời hạn thuê đất 99 năm tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được đưa ra trình Quốc hội từ kỳ họp trước, và dự kiến sẽ được các đại biểu bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 5 này. Dù nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu Quốc hội, song không ít đại biểu vẫn còn băn khoăn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm tại 3 đặc khu.

Đất ở đặc khu đang lên "cơn sốt". (Ảnh: Bắc Vân Phong)

Việc “án ngữ” đến gần cả thế kỷ ở vị trí đắc địa và nhạy cảm như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc khiến nhiều đại biểu quan ngại về vấn đề chính trị, an ninh- quốc phòng khi đất đặc khu rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại quốc. Có người nói rằng những đại biểu dân cử hôm nay làm gì có quyền để quyết chuyện “đại sự” cho 2-3 thế hệ sau, trong 99 năm ấy, ai vẫn còn sống để tính chuyện đúng - sai, để chịu trách nhiệm?

Nhưng cũng nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc ưu đãi thuê đất kinh doanh, sản xuất đến 99 năm bởi như vậy thì 3 đặc khu mới có thể trở thành “nam châm” thu hút các nhà đầu tư lớn.

“Sinh sau đẻ muộn” nên phải vượt trội, đột phá

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, không ủng hộ luật sẽ là sai lầm. Việc cho thuê đất 99 năm là đảm bảo tính vượt trội và đột phá, nếu không thì các nhà đầu tư sẽ nhìn vào và so sánh với nước khác vì có nước đã làm rồi.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân

“Nếu chúng ta không vượt trội hơn ở điểm đó thì các nhà đầu tư sẽ không vào. Chúng ta cũng không có lo ngại gì, vì tài sản, công trình của họ ở đất nước mình… Người ta bỏ tiền kinh doanh thì họ phải thu lợi nhuận, người ta có lấy được đất của mình đâu?,” ông Thân nêu rõ.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhấn mạnh: điều này rất hay, vừa đảm bảo được vấn đề kinh tế đất nước, vừa đảm bảo được vay vốn và sử dụng người tài.

“Còn chuyện lo ngại sẽ thành đất của họ, công nhân lao động sinh sống ở đó, tôi cho rằng điều đó là suy nghĩ không thực tế vì mình có nhiều bộ luật khác để chế tài. Chẳng hạn như các quy định về thời gian lao động, quy định về xuất nhập cảnh... Nếu nói 99 năm là dài thì tôi nghĩ chỉ cần 20 năm cũng dài rồi. Vấn đề là họ có đóng góp cho địa phương, có nộp thuế tốt, có tuân thủ pháp luật sở tại thì thậm chí ở các nước người ta còn cấp thủ tục cho họ làm công dân thường trú”, ông Thân nêu quan điểm.

Theo đại biểu này, Luật đặc khu cần làm càng sớm càng tốt, đi đôi với đó là các điều kiện đặc thù để bổ sung.

 

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Cũng tán thành về điều khoản quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, điều này thể hiện sự vượt trội so với các quy định đang áp dụng trong nước, tương đương với một số quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư là phù hợp thực tiễn vì đặc khu của Việt Nam ra đời sau so với các nước khác cho nên cần có sự đặc biệt để cạnh tranh. Nếu ưu đãi thấp hơn thì có thể khó thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng lưu ý cần quy đĩnh rõ hơn, cụ thể hơn về “trường hợp đặc biệt” trong dự thảo luật quy định thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định để phù hợp với Hiến pháp và Luật Đất đai.

Cần thận trọng, lường trước rủi ro

Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là những vị trí trọng yếu về địa - chính trị, đều là những "bờ xôi ruộng mật". Vì thế, câu chuyện cho thuê đất đến 99 năm khiến không ít đại biểu Quốc hội lo lắng.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) nhận định, câu chuyện của đặc khu không phải nằm ở chỗ 70 hay 99 năm mà nó nằm ở cơ chế ưu đãi trong đặc khu đó. Còn chuyện thời gian đưa ra không hề ảnh hưởng tới quyết định cho xây dựng hay không.

Theo ông Sơn, cần lắng nghe ý kiến của dân, của cử tri, và phải đặt quyền lợi của nhân dân, của đất nước lên trên hết. “Không ai chối cãi những thành quả của đặc khu, chúng ta đang kỳ vọng những đột phá đó cho sự phát triển. Nhưng cũng đã có những thất bại ở các quốc gia khác nhau nên lúc này chúng ta cần phải thận trọng. Câu chuyện 99 năm hay 70 năm cũng là một phần trong việc đó”, đại biểu Sơn cho hay.

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) tỏ ra băn khoăn khi mục tiêu mà đặc khu hướng tới là những giá trị gia tăng nhờ công nghệ, nhưng chúng ta chỉ nghĩ đến chuyện bất động sản. Những nhà đầu tư vào công nghệ, nhất là công nghệ cao, người ta đâu cần đến 70-99 năm?

"Điều kiện kéo dài thời gian thuê đất thì các nhà đầu tư chân chính không cần. Họ cần môi trường đầu tư tốt, chính sách thuế, hạ tầng, các quan hệ xã hội, giao dịch sòng phẳng, minh bạch hơn là việc được ở lâu", ông Dương Trung Quốc chỉ rõ.

 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Quan điểm của đại biểu này là không đưa thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất 99 năm vào luật, bởi đó là một con số rất nhạy cảm. Ông Dương Trung Quốc cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn về mặt an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội nếu thời hạn cho thuê đất quá dài.

Đồng quan điểm với đại biểu Dương Trung Quốc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cũng cho rằng, 99 năm là một thế kỷ, mấy thế hệ sinh ra và lớn lên, do đó, có thể để cho con cháu sau này quyết định số phận của những dự án ở đặc khu, không nhất thiết quyết thay cho họ.

Đề nghị biểu quyết riêng về thời hạn cho thuê đất 99 năm

Đại biểu Dương Trung Quốc tán đồng có điều khoản 99 năm nhưng khuyến cáo phải hết sức thận trọng bởi nếu không đặc khu có thể sẽ trở thành nơi di dân.

Ông Quốc đề nghị khi lấy biểu quyết, nên có một biểu quyết riêng xem ai đồng ý với thời hạn cho thuê đất 99 năm.

 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Đồng quan điểm này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, không nhất thiết ưu đãi quá nhiều, quan trọng là môi trường đầu tư phải minh bạch, năng lực của chính quyền phải thực sự trong sáng, thủ tục hành chính nhanh gọn.

“Thể chế không chỉ là ưu đãi mà còn là mô hình tổ chức, vận hành. Quan trọng là sự minh bạch. Và đối tượng thu hút tới đặc khu phải là công nghệ cao", ông Lê Thanh Vân góp ý.

Theo đại biểu đoàn Cà Mau, Quốc hội phải thực hiện quy trình lấy ý kiến riêng từng đại biểu xem có đồng thuận không, có thể biểu quyết riêng về điều này. Và quyền quyết định tối cao vấn đề này vẫn là đại biểu Quốc hội.

Về thời hạn sử dụng đất đặc khu 99 năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây cũng là một chính sách vượt trội. Ông Dũng cũng đồng tình với các đại biểu là phải quy định rõ ràng đâu là điều kiện đặc biệt và đâu là điều kiện để được Thủ tướng phê duyệt và phải quy định thật rõ và thật thận trọng trong quá trình xem xét đối với những dự án gọi là “đặc biệt” và có thể hưởng quy định 99 năm.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay đã có nhiều nước thực hiện thời hạn thuê đất 99 năm, như đảo British Virgin Islands, UAE, Malaysia...

Tuy nhiên, trong dự luật đặc khu chỉ để mở nhưng vẫn đang ở điều kiện đặc biệt và phải được Thủ tướng ưu đãi. Như thế nào là đặc biệt và quy trình thủ tục thế nào được xem xét sẽ thiết kế ở quy định sau cho rõ ràng, minh bạch và thận trọng.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, quy định giao đất, cho thuê đất 99 năm không phải là vấn đề mấu chốt nhất, quyết định nhất của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng cho hay ông đang lắng nghe ý kiến của các đại biểu và nhân dân cả nước. Hiện nay, dự thảo luật đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân tích các ý kiến góp ý và cuối cùng Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua.