Chi 45,6 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân

(Mặt trận) - Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 15/10, ngân sách nhà nước đã chi 45,6 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

 Ảnh: TTXVN

Theo đó, trung ương đã chi 22,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 16,2 nghìn tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương (năm 2021 để mua vaccine và chi cho phòng, chống dịch); 6,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế mua vaccine và 413 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, đã chi từ ngân sách địa phương là 22,7 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Tính đến ngày 15.10, thu ngân sách nhà nước đạt 83,2% dự toán, trong đó: thu nội địa đạt 79,3% dự toán, tăng 5,9%; thu về dầu thô đạt 135,6% dự toán (giá dầu quân 10 tháng đạt 64,6 USD/thùng, cao hơn 19,6 USD/thùng so với giá dự toán); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 104,8% dự toán. 

Số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn đạt khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; trong đó 78,84 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ; 16,26 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dù cân đối ngân sách nhà nước có những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Chính phủ đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp điều hành chính sách tài khóa phù hợp để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, bảo đảm nguồn thanh toán chi trả các khoản nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết và dự toán năm 2021 đã được giao.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chúng ta cũng đủ khả năng để bảo đảm chi cho các nhiệm vụ chi đầu tư, chi thường xuyên theo dự toán, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. 

Ước thực hiện năm 2021, bội chi ngân sách nhà nước ở trong mức 4% GDP Quốc hội quyết định, nợ công khoảng từ 42% đến 43% GDP, tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 25%, trong ngưỡng giới hạn an toàn.

Việc bảo đảm thu, chi ngân sách nhà nước góp phần bảo đảm xếp hạng tín nhiệm quốc gia và chúng ta đều rất tự hào khi Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả ba tổ chức xếp hạng thế giới (Moody’s, S&P và Fitch) giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và nâng triển vọng từ "Ổn định" lên "Tích cực".