Cần nghiên cứu, làm sâu sắc hơn để công tác vận động tôn giáo đi vào chiều sâu

(Mặt trận) - Chiều 23/6, Hội thảo chuyên đề “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tôn giáo” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Chủ trì Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực. Dự Hội thảo còn có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cùng đại diện nhiều bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.

 Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, căn cứ các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, trong 15 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên với các cơ quan chức năng của Nhà nước, sự chủ động sáng tạo trong việc phối hợp thống nhất hành động giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã xây dựng chương trình công tác phối hợp với các cơ quan chức năng của cấp ủy, chính quyền và đã đạt được những kết quả tích cực.

“Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tôn giáo đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ tăng cường vận động, tập hợp, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên nhiều lĩnh vực và đối với nhiều tôn giáo, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thể hiện vai trò cầu nối giữa tôn giáo với Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nói.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở vùng đồng bào có tôn giáo. GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn (HĐTV) về Tôn giáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam đặt vấn đề, công tác vận động quần chúng là công tác then chốt, cốt lõi trong công tác tôn giáo. Trong công tác vận động quần chúng, không chỉ tập trung vào việc phát huy chủ nghĩa yêu nước như trước, mà cần tạo sự đồng thuận, đoàn kết các tôn giáo qua việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Về phương thức vận động, theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, việc vận động cần gắn liền chủ nghĩa yêu nước với ý thức công dân, với trách nhiệm dân sự, trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó cũng cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác vận động ở vùng đồng bào có tôn giáo.

Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, công tác vận động vùng đồng bào có tôn giáo phải tìm ra một điểm tương đồng để tôn giáo nào cũng thấy trách nhiệm của mình trong đó và cần đi vào những nội dung thiết thực, cụ thể, không chỉ dừng ở những mệnh đề chung.

Lấy thực tiễn trong việc lần đầu tiên 40 tổ chức tôn giáo, phối hợp với Mặt trận cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cam kết chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Trình cho rằng, qua việc tìm điểm chung cụ thể, việc bảo vệ môi trường đã được thực hiện một cách đồng bộ và bài bản.

 

Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, công tác tôn giáo mặc dù đã được quan tâm, nhưng từng nơi, từng lúc vẫn còn lúng túng.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán chủ trương tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người. Mặt trận và các đoàn thể luôn coi trọng việc phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy các điểm tương đồng của các tôn giáo với việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, công tác tôn giáo mặc dù đã được quan tâm, nhưng từng nơi, từng lúc vẫn còn lúng túng. Từ thực tế trên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong công tác vận động tôn giáo, cần phát huy vai trò của người đứng đầu các địa phương, tăng cường tuyên truyền vận động trong hệ thống chính trị về các chủ trương, chính sách phát luật của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo.

Đặc biệt cần xây dựng củng cố và nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức giáo hội tôn giáo ở các địa phương trong tuyên truyền vận động ở vùng đồng bào có tôn giáo.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, trên cơ sở các ý kiến tại Hội thảo, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tập hợp, hoàn thiện Đề án đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở vùng đồng bào có tôn giáo và dành sự quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác này.

 

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, công tác vận động tôn giáo của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả.

Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần nghiên cứu, làm sâu sắc hơn để công tác vận động tôn giáo đi vào chiều sâu, tránh sự lúng túng bị động khi phát sinh những vấn đề mới.

Bà Trương Thị Mai đề nghị, thời gian tới, Mặt trận cần quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác tôn giáo, kể cả về tổ chức bộ máy và chính sách. Trong công tác vận động, tập hợp, bên cạnh vận động chung là các tín đồ tôn giáo, cần quan tâm hơn đến việc công tác vận động chức sắc, nhà tu hành và những người tiêu biểu trong tôn giáo. Mục tiêu vận động là để tất cả hòa chung trong tinh thần trách nhiệm cùng xây dựng và phát triển đất nước, tránh giáo điều và cần cụ thể hóa để phù hợp với từng địa bàn, gắn với việc đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường làm sâu sắc nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động.

Đặc biệt MTTQ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, là đầu mối quy tụ và tổ chức lực lượng của các tổ chức thành viên cùng các cơ quan của Đảng, Nhà nước tập trung làm tốt việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đồng bào các tôn giáo.

Hương Diệp - ảnh Thành Trung